Trang chủ Biển - Đảo ASEAN cần có cơ chế ngăn chặn Trung Quốc gây hấn ở...

ASEAN cần có cơ chế ngăn chặn Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

171
0

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, ASEAN cần có một cơ chế để ngăn cản các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước việc Trung Quốc tiếp tục đưa nhóm tàu Hải Dương 8 quay trở lại vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, dư luận trong và ngoài nước tiếp tục phản đối hành vi ngang ngược này. Trong cuộc trao đổi với PV ngày 20/8, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh rằng “ASEAN cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề Biển Đông”. Và cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các nỗ lực của ASEAN ngăn chặn các hành vi trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, các hành vi của Trung Quốc đã đặt ra nhiều nguy cơ với Biển Đông và khu vực. Việc Trung Quốc liên tiếp hết lần này đến lần khác xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi rất nghiêm trọng và là sự vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế đối với vùng biển Việt Nam mà còn xâm phạm chủ quyền của nhiều nước khác ở khu vực, làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với một cường quốc.

ASEAN cần có cơ chế ngăn chặn Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7.

Nhìn lại các diễn biến tại Biển Đông những năm gần đây, có thể thấy việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam là một sự nối dài các nỗ lực hiện thực hóa tham vọng phi lý của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Bởi vậy, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, điều này là không thể chấp nhận được. Nếu các nước khác trong khu vực không lên tiếng thì đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm.

“Khu vực và cộng đồng quốc tế lên tiếng, kể cả các diễn đàn của ASEAN đã lên tiếng không đồng tình, phản đối các hành vi tôn tạo, các hành vi quân sự  hóa xâm lấn các vùng biển của các nước. Công luận và quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Ở thời đại của chúng ta, quan trọng nhất là phải đảm bảo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bảo đảm hòa bình an ninh, duy trì trật tự trên Biển, tôn trọng vùng biển hợp pháp của các nước, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước. Những hành động như vừa qua là sai trái”, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc là thể theo quy định của UNCLOS để thống nhất cách diễn giải và áp dụng công ước này ở Biển Đông. Phán quyết của Toà hoàn toàn có giá trị pháp lý và là một bộ phận của luật pháp quốc tế. Do đó, trong bất kỳ các vụ việc xử lý tranh chấp khác, Phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines cũng sẽ là cơ sở để xử lý và diễn giải công ước.

“Tôi muốn nhìn nhận câu chuyện thế này. Thứ nhất, việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam là không thể chấp nhận được. Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 là để diễn giải vào việc áp dụng và hiểu UNCLOS như thế nào. Cho nên phán quyết này sẽ là một bộ phận của Luật pháp Quốc tế. Trong phán quyết đã nhấn mạnh chuyện bác bỏ cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Bất cứ hành động nào trái với luật pháp quốc tế đều bị bác bỏ”.

Việc Trung Quốc không chỉ gây hấn với Việt Nam mà còn cả với Philippines, Malaysia và nhiều quốc gia khác ở Biển Đông cho thấy, cần có một cơ chế quốc tế để ngăn cản các hành động của Trung Quốc. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, ASEAN cần tiếp tục lên tiếng trong vấn đề Biển Đông. Và cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các nỗ lực này của ASEAN.

ASEAN cần có cơ chế ngăn chặn Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông
Tàu hải cảnh số hiệu 3901 của Trung Quốc.

“Đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN làm sao đảm bảo được, một là hòa bình, ổn định; hợp tác phát triển ở khu vực bao gồm cả hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Thứ hai phải bảo đảm được việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Nên trong suốt thời gian vừa qua, ASEAN đã nhấn mạnh rất nhiều lần điều này trong các Tuyên bố của mình về điều này. Cho nên, trong trường hợp Trung Quốc đang vi phạm hiện nay, bao gồm cả vi phạm vùng biển của Việt Nam ở Bãi Tư Chính thì ASEAN cần tiếp tục lên tiếng. Và vừa rồi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Thái Lan đã lên tiếng về việc này. Đó là điều rất cần thiết. Các nước trong và ngoài khu vực cần ủng hộ tiếng nói của ASEAN”.

Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, ASEAN hiện đang cùng Trung Quốc thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông này muốn có hiệu lực, thực chất và hiệu quả cần bao gồm các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế; Công ước Luật Biển đồng thời cũng cần bao gồm cả các nguyên tắc tôn trọng vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, phù hợp với Công ước quốc tế và UNCLOS 1982 mà Liên Hợp Quốc đã thông qua.

Trước đó, trong thông cáo hôm 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13/8 đã quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8. Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tùng Lâm 

Nguồn: Cánh Cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây