Trang chủ Biển - Đảo Khai thác dầu khí chung ở Biển Đông và mưu đồ của...

Khai thác dầu khí chung ở Biển Đông và mưu đồ của Trung Quốc

209
0

Mưu đồ của Trung Quốc khi thúc đẩy hoạt động khai thác dầu khí chung ở biển Hoa Nam (Biển Đông) với các nước Đông Nam Á là gì? Hậu quả rộng lớn hơn đối với địa chính trị khu vực sẽ là gì? Những câu hỏi này được 2 chuyên gia chiến lược và chính sách châu Á là Eufracia Taylor và Hugo Brennan, đến từ cơ quan tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, giải đáp.

Khai thác chung và mưu đồ của Trung Quốc

Việc khẳng định chủ quyền đối với các thực thể tranh chấp ở Biển Đông chỉ là tên của một ván bài và Bắc Kinh coi hoạt động khai thác dầu khí chung là một công cụ chính sách quan trọng để theo đuổi ván bài này. Các tín hiệu của việc các nước có tuyên bố chủ quyền đang đàm phán với Bắc Kinh để khai thác chung tài nguyên ở chính Vùng đặc quyền kinh tế của họ giúp hợp thức hóa cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn”. Trung Quốc đang thực hiện chiêu bài “cây gậy và củ cà rốt”. Ví dụ, một mặt, Trung Quốc phản đối Việt Nam về kế hoạch khai thác dầu khi đơn phương ở vùng lãnh hải mà Bắc Kinh cho là của họ, thậm chí có tin tức còn nói rằng Bắc Kinh đe dọa sử dụng vũ lực đối với Hà Nội. Mặt khác, Bắc Kinh lại triển khai những nỗ lực khai thác chung, được đóng khung trong một ngôn từ hoa mỹ là quan hệ đối tác và được xây dựng trên những cam kết về hỗ trợ kỹ thuật, vốn và đầu tư ở quy mô sâu rộng hơn, lại giúp nâng cao vị thế của Bắc Kinh là một đối tác quan trọng chứ không phải là một nước thù địch.

Tại sao Brunei và Philippines lại ký bản ghi nhớ chung với Trung Quốc về khai thác dầu khí?

Các nước Đông Nam Á và các nhà khai thác dầu khí tiềm năng đối mặt với những rủi ro địa chính trị đáng kể do những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á nhỏ hơn lại có những nhu cầu cấp bách trong nước về phát triển năng lượng trong tương lai. Cả Brunei và Philippines đều đang có bước đi theo chiều hướng chủ nghĩa thực dụng và dường như sẵn sàng bỏ qua những yêu cầu chủ quyền gây tranh cãi của mình để thực hiện các mục tiêu trong nước. Bản ghi nhớ chung giữa Philippines và Trung Quốc được hai bên ký kết trong bối cảnh Manila đang có những quan ngại về an ninh năng lượng, như tình trạng khai thác ngoài khơi èo uột trong nhiều năm qua, suy giảm đầu tư, cạn kiệt tài nguyên ở mỏ Malampaya và nhu cầu tăng doanh thu nhà nước. Manila cũng sẽ thúc đẩy triển khai dự án nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng trị giá 2 tỷ USD, một dự án đánh dấu một hình thái đáng kể cho mối quan hệ hợp tác Trung Quốc – Philippines và mối quan hệ này đang nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn về lĩnh vực năng lượng giữa hai bên.

Brunei lâu nay thường im ắng dù là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Những hy vọng rằng các khoản đầu tư lớn hơn của Trung Quốc sẽ giúp khôi phục tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế cũng như đem lại vị thế chính trị cho chính quyền dường như đang là lá bài của vương quốc này đối với các vấn đề về Biển Đông.

Kế hoạch của Trung Quốc về phát triển các nguồn năng lượng ở Biển Đông có bối cảnh chiến lược như thế nào?

Bối cảnh chiến lược ảnh hưởng sự phát triển về kinh tế, xã hội và môi trường ở Biển Đông là một Trung Quốc đang trỗi dậy, ngày càng có khả năng và sẵn sàng theo đuổi các tuyên bố quyền chủ quyền mà Bắc Kinh tự “khoanh” cho mình ở vùng “đường 9 đoạn”, thì việc khai thác chung ở các vùng lãnh hải tranh chấp cũng xuất phát từ chính những quan ngại an ninh của Bắc Kinh. Trung Quốc đang ngày càng lệ thuộc vào lượng dầu khí nhập khẩu mà nước này lo ngại rằng có thể xảy ra tình trạng gián đoạn vì một lý do nào đó. Vì vậy, việc khai thác chung các nguồn dầu khí ngoài Biển Đông là một lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh.

Các nước Đông Nam Á muốn đơn phương khai thác dầu khí ở vùng tranh chấp phải đong đếm những rủi ro địa chính trị không chịu “nghe lời” Trung Quốc, một đối tác đầu tư và thương mại chính của họ vốn sẵn sàng dùng vũ lực để đe dọa và khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình. Mỹ cũng đã tỏ ra chẳng hứng thú gì khi bảo vệ quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên mà các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có được theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc và các nước thuộc ASEAN đã thảo luận về khả năng hình thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thế nhưng COC sẽ không thể giải quyết được những tuyên bố chủ quyền chồng lấn mà chỉ nhằm giúp đưa ra một số quy tắc và luật lệ được hai bên cùng nhất trí nhằm giúp ngăn tranh chấp Biển Đông leo thang căng thẳng.

Việc công bố văn bản dự thảo đàm phán hồi tháng 8/2018 là một bước đi quan trọng dẫn đến một số ẩn ý chính sách đáng lưu tâm. Quan trọng nhất là việc Washington bày tỏ quan ngại về các điều khoản dự thảo do Trung Quốc đưa ra nhằm đặt ra giới hạn cho các bên liên quan COC trong việc tiến hành các cuộc tập trận chung với các đối tác an ninh bên ngoài và ngăn chặn các công ty dầu khí từ các nước thứ ba tiến hành khai thác ở vùng lãnh hải tranh chấp. Tuy nhiên, các bên dường như phải trải qua cả một chặng đường dài mới có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng và có thể sẽ có nhiều thay đổi xảy ra.

Vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc ở Đông Nam Á có thể ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực như thế nào?

Bắc Kinh coi Biển Đông là vùng biển chiến lược đối với những lợi ích an ninh của mình, xét về khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, song quan trọng hơn, Bắc Kinh coi đây là tuyến hải vận trung chuyển dầu khí nhập khẩu của mình từ Trung Đông và châu Phi. Ý nghĩa chiến lược của vùng biển này giải thích vì sao Bắc Kinh lâu nay triển khai các hoạt động quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Sự thành công trong chiến lược “lát cắt salami” của Bắc Kinh là rõ ràng khi Đô đốc hải quân Mỹ Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, thừa nhận Trung Quốc hiện có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi viễn cảnh nếu xảy ra một cuộc chiến. Sự thừa nhận này là một cú đấm chí mạng vào vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực, trong khi đó, Washington lại chưa thể vạhc ra được một chiến lược thống nhất về vấn đề Biển Đông để có thể đảo ngược những lợi ích chiến lược mà Bắc Kinh đã đạt được ở vùng lãnh hải này.

Nguồn: The Diplomat
TKNB – 14/12/2018

Khai thác dầu khí chung ở Biển Đông và mưu đồ của Trung Quốc

Nguồn: Fanpage Cờ Đỏ Tp. Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây