Những bộ óc bệnh hoạn thêu dệt những chuyện rùng rợn, hoang đường, phi nhân tính trước cái chết của bé trai 6 tuổi trường Gateway nhằm thỏa mãn tính đố kỵ.
Những bộ óc bệnh hoạn thường tin vào những điều bệnh hoạn. Họ cổ suý cho nó và chỉ tin vào nó, bất chấp sự thật là những gì đơn giản, hợp logic.
Cháu bé 6 tuổi đã mất sau vụ tai nạn bỏ quên trên xe buýt. Điều thương tâm đó lay động cả triệu con người, nhưng nó cũng là chủ đề bàn tán, thêu dệt hoang đường, phi nhân tính của không ít người.
Họ tung tin cháu bé bị ông lái xe đánh chết, rồi cô chủ nhiệm, cô Monitor, bạn trên xe đánh chết, hay cháu bé bị đập đầu vào bàn, hoặc đánh bằng chai, bằng gậy…
Không có bằng chứng thì họ dựa vào hội Kinh Dịch để xem quẻ, dựa vào các chi tiết vụn vặt báo chí đăng để hệ thống hoá chứng minh luận điểm đó… Họ suy luận ra một âm mưu nhằm che giấu tội ác của lãnh đạo trường Gateway.
Nhiều đồn đoán nhẫn tâm, vô căn cứ xuất hiện sau cái chết của bé trai 6 tuổi tại trường Gateway.
Để thêm phần ly kỳ, chiều qua (19/8) họ nói ông lái xe đã chết một cách không rõ nguyên nhân và là dẫn chứng cho việc bịt đầu mối.
Nói đi cũng phải nói lại, chính sự chậm trễ trong việc đưa ra kết luận điều tra của cơ quan chức năng chính là mảnh đất màu mỡ để những bộ óc bệnh hoạn thoả sức thêu dệt các câu chuyện hoang đường, phi nhân tính.
Đã 2 tuần trôi qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn im lặng, còn trường Gateway vẫn hoạt động và thu tiền như chẳng có chuyện gì xảy ra. Dư luận được thể râm ran câu hỏi liệu sự việc có bị chìm xuồng?
Tại sao con người Việt Nam vốn hiền lành chất phác lại luôn nghĩ về cái ác, mong muốn một kịch bản thương tâm với đứa trẻ xấu số nhằm thỏa mãn tính đố kỵ ăn sâu vào bản tính dân tộc?
Từ lâu nay các nhà văn hoá khi nghiên cứu về thói xấu của người Việt thường nhắc tới tính đố kỵ, ích kỷ và cực đoan trong tư duy của đại bộ phận dân chúng.
Trần Trọng Kim cho rằng người Việt ưa nói dối, có khi quỷ quyệt và hay bài bác chế nhạo. Phan Bội Châu đúc kết người Việt thiếu đoàn kết và hay nghi kỵ lẫn nhau.
Người phương Tây thì nhận xét người Việt ưa nịnh nhưng lại ít khi khen ngợi người khác coi như đó là sự đương nhiên, ngược hẳn với văn hoá Phương Tây ưa động viên, khen ngợi và cầu tiến.
Trong không gian mạng, thói xấu của người Việt được nhân lên, chỉ cần một tin tiêu cực, lập tức hàng vạn người chia sẻ, bình luận với hàng loạt thuyết âm mưu. Không ai tỉnh táo để suy luận theo chiều hướng tích cực mang tính nhân văn và phù hợp logic sự việc.
Một tư duy tiêu cực, luôn dẫn tới hành động tiêu cực. Cần lắm những thông tin tích cực, nhân văn để cứu vãn cái xã hội này đang méo mó và lệch chuẩn từ lâu.
Lê Đoàn Quân (độc giả Hà Nội/VTC News)
Nguồn: Đấu trường dân chủ