Trong tháng 7-2019, nhà cầm quyền Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc đến hoạt động tại khu vực bãi Tư Chính, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đến đầu tháng 8-2019, tàu Hải Dương 8 được rút đi nhưng chỉ ít ngày sau thì họ quay trở lại. Trong thời gian này, các cơ quan chấp pháp của Việt Nam đã kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, một số cá nhân tổ chức đã tự phát tổ chức các cuộc tụ tập lẻ tẻ trên dưới 10 người ở vài nơi, đồng thời kêu gọi người dân thực hiện cái gọi là “biểu tình” để phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Xét ở góc độ tinh thần yêu nước, điều này hoàn toàn có thể chia sẻ được, nhưng xét ở góc độ thực tiễn, việc tuần hành hay biểu tình không giúp giải quyết được vấn đề. Đồng thời, nếu nhìn lại quá khứ, hành động này có thể tạo ra những hệ lụy không nhỏ cho người dân, cho đất nước. Đó là bài học rút ra từ vụ việc của giàn khoan Hải Dương 981 từ 5 năm trước.
Ngày 2-5-2014, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa đến khu vực biển cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng của Việt Nam) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý 180 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngay khi xảy ra vụ việc, phía Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của mình, như cử nhiều tàu bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư tới các khu vực gần giàn khoan, tổ chức bảo vệ các tàu cá của ngư dân Việt Nam bị các tàu của Trung Quốc đâm va, đánh chìm, cướp tài sản; hai bên đã có nhiều cuộc làm việc để giải quyết vấn đề trên cơ sở hòa bình; trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tàu hộ tống… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lúc ấy cũng đã tố cáo hành động này của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng định ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhiều lần thực hiện các cuộc điện đàm về vụ giàn khoan Hải Dương 981, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vị trí tranh chấp. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác cùng các cơ quan báo chí. Tại Đối thoại ASEAN – Mỹ lần thứ 27 diễn ra tại Yangon, Myanmar, Việt Nam tố cáo Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời liên tục gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hại các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Sở Ngoại vụ TP.HCM mời Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và của Việt Nam.
Chúng ta cũng đã tổ chức nhiều đợt đưa phóng viên nước ngoài ra tác nghiệp tại thực địa, qua đó nhiều hình ảnh về các hoạt động sai trái, thô bạo của phía Trung Quốc được lan truyền khắp thế giới, tạo nên làn sóng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam rộng rãi ở nhiều nước.
Do sự đấu tranh quyết liệt của phía Việt Nam, sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, ngày 16-7-2014, toàn bộ tàu của Trung Quốc cùng với giàn khoan đã rút khỏi khu vực hạ đặt và di chuyển về phía đảo Hải Nam.
Trong thời gian này, một số cuộc tuần hành, biểu tình đã diễn ra ở vài nơi trong nước và một số nước khác. Đặc biệt, các cuộc tuần hành tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam… vào ngày chủ nhật. Ở một vài nơi, có tình trạng một số kẻ lợi dụng tuần hành để trưng các khẩu hiệu khác với tính chất của cuộc tuần hành, làm số đông người dân tham gia bức xúc và phản đối.
Tuy nhiên, từ chiều tối 12, tiếp đó là trong các ngày 13, 14-5-2014, nhiều công nhân tại các khu công nghiệp ở Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM bỏ việc và biểu tình tuần hành phản đối Trung Quốc. Trong đó, tại Bình Dương, trà trộn vào công nhân, một số người đã gây hấn, đập phá các công ty của người Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, kể cả Nhật Bản, gây hỗn loạn cục bộ ở vài nơi. Trong vụ việc này, có nhiều công ty nước ngoài bị đập phá, đốt cháy; nhiều nơi xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản; hiện tượng các phần tử xấu kích động công nhân phá hoại tài sản, bỏ việc, xuống đường biểu tình xảy ra khá phổ biến ở các công ty, khu công nghiệp… Có trên một số chiến sĩ công an bị thương khi làm nhiệm vụ, chủ yếu do các đối tượng quá khích dùng gạch đá ném. Trong các vụ bạo động này, đã xảy ra tình trạng chết người và nhiều người bị thương.
Sau vụ việc, nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp phải ngưng hoạt động dài hạn, do nhà xưởng, máy móc, thiết bị bị hư hỏng, mất mát. Một số doanh nghiệp cũng đã chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Nhiều đối tượng quá khích và có hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Chính quyền các địa phương phải thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ công nhân bị mất việc và các doanh nghiệp bị thiệt hại do bạo động gây ra.
Một số bài học rút ra từ vụ việc này là:
Thứ nhất, nhìn chung, các cuộc tuần hành phản đối hành động sai trái của phía Trung Quốc đã góp phần khơi gợi và lan tỏa tinh thần yêu nước của người dân. Tuy nhiên, gần như đằng sau vụ tuần hành nào cũng có hiện tượng lợi dụng, phá rối. Đó là các phần tử cơ hội chính trị, phản động, khủng bố tranh thủ đưa các khẩu hiệu “lạc quẻ” với nội dung và tính chất của cuộc tuần hành. Đó là hiện tượng kích động hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật của một số phần tử xấu đối với người tham gia tuần hành. Đó là việc lợi dụng hỗn loạn để cướp phá tài sản, trả thù cá nhân… Những điều này gây tác động xấu về nhiều mặt đến đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội…
Thứ hai, bên cạnh việc khẳng định lòng yêu nước của người dân thì thiệt hại đến nhiều đối tượng cũng diễn ra với mức độ không nhỏ. Không chỉ các doanh nghiệp bị thiệt hại tài sản, đình đốn sản xuất mà chính công nhân – những người vô tình hay cố ý tham gia các vụ đình công, tuần hành, phá hoại – và nhiều người khác, bị mất việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ và gia đình. Việc đi lại, sản xuất, kinh doanh của nhiều người dân ở khu vực có tuần hành, bạo động cũng bị ảnh hưởng.
Thứ ba, nhà nước phải tốn nhiều chi phí để hỗ trợ công nhân và các doanh nghiệp bị thiệt hại, thất thu thuế do nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động… Qua vụ việc này, uy tín về bảo đảm an ninh, về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh ít nhiều bị ảnh hưởng dưới mắt một số nhà đầu tư nước ngoài. Hình ảnh thân thiện, hòa bình của Việt Nam cũng bị giảm sút trong nhìn nhận của khách nước ngoài…
Hiện nay, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta tại bãi Tư Chính, khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đảng và Nhà nước chỉ đạo các lực lượng chức năng của Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Sự quan tâm của người dân đối với vụ việc này là rất rõ, qua đó thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc. Tuy nhiên, việc thể hiện tinh thần đó cần bằng những cách thức và thái độ phù hợp, cần hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tránh thực hiện các hành vi, hoạt động có thể gây kích động hoặc lây lan các biểu hiện mất kiểm soát, dẫn đến càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Người dân các ngành, các giới, trong nước cũng như ngoài nước, cần đoàn kết chặt chẽ với nhau, với các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để củng cố sức mạnh của đất nước, nhằm đấu tranh thắng lợi vụ việc này.
NGŨ YÊN