Trang chủ Biển - Đảo Từ Scarborogh đến Tư Chính – bài học ở biển Đông

Từ Scarborogh đến Tư Chính – bài học ở biển Đông

187
0

Trong vụ việc xảy ra ở bãi cạn Scarborough, lấy cớ Philippines ngăn cản tàu đánh cá của họ, Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh vào để tham gia vào tranh chấp.

Từ Scarborogh đến Tư Chính  - bài học ở biển Đông

Chúng ta phải thấy đằng sau những hành vi này là mục đích bao trùm của Trung Quốc. Họ muốn trở thành cường quốc đứng đầu thế giới. Để làm được việc đó thì một trong những yếu tố quan trọng là phải trở thành cường quốc trên biển. Có hai vùng biển có tầm quan trọng chiến lược mà họ cho là để trở thành cường quốc biển thì phải nắm được quyền kiểm soát. Đó là biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Vì mục tiêu bao trùm đó nên chiến lược của họ đối với Biển Đông là luôn luôn tìm đủ mọi cách để có thể làm bá chủ, nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực biển này. Để làm được việc đó, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp mà họ thấy thích hợp, thậm chí bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế theo kiểu mục đích biện minh cho phương tiện.

Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là tiến hành xâm lấn từng bước nhưng rất quyết đoán. Trên thực tế, có thể coi Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược này ngay từ năm 1974 khi họ đã tận dụng thời cơ đục nước béo cò dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam từ bao đời. 

Qua thời kỳ náu mình chờ thời, đến khi đã đủ lớn mạnh, Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy và, trái với cách mà họ vẫn tuyên truyền là trỗi dậy “một cách hòa bình”, thực tế đã chứng minh, trong quan hệ với một số nước ở châu Á, họ đã không hành động như vậy, mà trái lại, họ đang hành động theo phương cách cổ xưa nhiều đời của tổ tiên họ là: “Viễn giao, cận công”.

Năm 2012, nhân việc việc tàu Philippines ngăn cản tàu cá Trung Quốc xâm phạm và đánh cá trong vùng biển mà Philippines đang kiểm soát, Trung Quốc đã lợi dụng biến sự việc trở thành xung đột và từ đốm lửa nhỏ, Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang rồi triển khai tàu vũ trang phong tỏa bãi cạn Scarborough. Rốt cuộc họ đã biến Scarborough thành của họ.

Sau đó, dần dần họ tìm cách xây dựng trái phép các đảo đá, quân sự hóa, biến các thực thể này thành những tiền đồn để bành trướng ở Biển Đông.

Đỉnh điểm là 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa của Việt Nam. Lúc đó, vì vấp phải sự phản ứng rất mạnh của Việt Nam và cộng đồng quốc tế nên Trung Quốc đã phải chùn bước và rút lui. Chính sách của họ là từng bước leo thang nhưng cố tránh không để dẫn đến tranh chấp nóng và bị mất thể diện của một nước lớn trong phạm vi có thể. Phương thức, cách hành xử của Trung Quốc là như vậy.

Việc họ đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực EEZ và thềm lục địa của Việt Nam lần này, theo tôi, là bước tiếp theo nguy hiểm hơn.

Như vụ việc xảy ra ở bãi cạn Scarborough, lấy cớ Philippines ngăn cản tàu đánh cá của họ, Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh vào để tham gia vào tranh chấp. Lần này, họ đưa tàu khảo sát kèm theo tàu hộ tống rất lớn, lộ rõ ý đồ không phải chỉ là đưa tàu vào khảo sát mà còn mang tính chất đe dọa.

Nếu Việt Nam và cộng đồng quốc tế không có thái độ cương quyết, mạnh mẽ như vừa qua, thì hoàn toàn có khả năng Trung Quốc lại sử dụng phương sách họ đã sử dụng với Philippines ở bãi cạn Scarborough trước đây.

Và nếu như không cảnh giác thì câu chuyện không chỉ có ở bãi Tư Chính mà sẽ như vết dầu loang bùng nổ ra cả Biển Đông. Những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines rồi Malaysia… cũng sẽ lâm vào cảnh tương tự.

Nếu các nước không có thái độ mạnh mẽ, quyết liệt thì Biển Đông sẽ bị Trung Quốc chi phối và hệ lụy sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

Biển Đông có vai trò quan trọng về lợi ích kinh tế, lợi ích quân sự. Nếu Trung Quốc khống chế được Biển Đông sẽ khống chế được cả một vùng rộng lớn ở châu Á.

Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu.

Các đảo, quần đảo ngoài khơi, như Hoàng Sa và Trường Sa thuốc Biển Đông đều nằm ở vị trí trung tâm – một trong những nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua nhất trên thế giới. Các quần đảo này đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là các vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm soát các tuyến hàng hải đi qua lại trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra-đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền, v.v.. 

Xâm phạm vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đang mang tư duy bành trướng lục địa ra biển

Tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Biển Đông, đầu tiên phải kể đến là dầu mỏ, khí đốt có trữ lượng rất lớn. Bên cạnh đó là băng cháy. Cục Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tổng trữ lượng băng cháy trên toàn thế giới có thể lên đến 2.800.000 tỉ m3. Một khi khí đốt cạn kiệt, băng cháy đủ khả năng cung cấp nguồn nhiên liệu sử dụng dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong khoảng 800 năm theo mức tiêu thụ hiện nay.

Ngoài ra, có thể Trung Quốc còn nhòm ngó đến nguồn đất hiếm ở Biển Đông. Theo như khảo sát của một số nước thì dưới đáy Biển Đông tồn tại trữ lượng rất lớn đất hiếm. Đất hiếm là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng để phát triển các sản phẩm công nghệ cao.

Với việc chiếm tới 95% tổng giá trị xuất khẩu trên toàn thế giới, Trung Quốc có thể biến đất hiếm trở thành một vũ khí hữu dụng sử dụng trong các cuộc chiến tranh thương mại với phần thế giới còn lại, đặc biệt là với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước thuộc EU…

Đã từng có dự báo rằng, nếu chiến tranh thế giới thứ 3 nổ ra thì nó sẽ nổ ra ở Biển Đông, mà nguyên nhân chính của nó không gì khác mà là cuộc tranh giành khai thác đất hiếm ở đây. Nếu như Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, vô hình chung, nước này sẽ chiếm phần lớn nguồn cung đất hiếm trên toàn cầu và như vậy, họ sẽ nắm “yết hầu” của nhiều nền kinh tế. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các nước, phải chung tay chung sức không để Trung Quốc tự tung tự tác ở Biển Đông. 

Một nước Trung Quốc lớn mạnh, thượng tôn pháp luật và có đóng góp vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế sẽ được toàn thể cộng đồng quốc tế mong đợi và ủng hộ. Tuy nhiên, cho tới nay, chí ít là ở Biển Đông, Trung Quốc đã không thể hiện được những gì mà mọi người chờ đợi.

Dù Trung Quốc luôn tuyên bố muôn biến Biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định nhưng rõ ràng cách hành xử của họ luôn đi ngược lại những tuyên bố đó. Trong thế giới phẳng hiện nay, chẳng ai có thể che giấu được điều gì. Với cách hành xử mà Trung Quốc đã thể hiện trong thời gian qua, nước này sẽ phải hứng chịu hệ quả từ chính những hành vi của mình.

Thứ nhất, là một nước lớn, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cơ quan có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Trung Quốc có trách nhiệm lớn trong việc thượng tôn pháp luật quốc tế, hành xử một cách có trách nhiệm nhằm mục đích duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu cũng như khu vực. Nhưng trên thực tế, bằng cách sử dụng vũ lực, áp chế nước khác theo kiểu lấy thịt đè người ở Biển Đông, rõ ràng là họ đã không hành xử đúng với vai trò và trách nhiệm quốc tế của họ.

Thứ hai, họ chà đạp lên pháp luật quốc tế. Bãi Tư Chính nằm cách xa lục địa Trung Quốc tới khoảng trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS, khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa Việt Nam, không phải vùng tranh chấp. Hiện nay Việt Nam đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại đây. 

Trung Quốc đã cãi lý khi đưa ra yêu sách tranh chấp với Việt Nam là bãi này năm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa”. Tuy nhiên, phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực PCA đã bác bỏ tính pháp lý và chỉ rõ, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Trường Sa” để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính, thuộc chủ quyền của Việt Nam, là vùng tranh chấp. 

Vì vậy, việc Trung Quốc ngang nhiên điều tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống có trang bị vũ khí đến Bãi Tư Chính và thậm chí vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. 

Thứ ba, họ đã phá vỡ lòng tin của các nước. Trung Quốc nói trỗi dậy hòa bình nhưng dùng vũ lực xâm phạm và chiếm đóng bãi cạn của Philippines, dùng tàu thăm dò có kèm theo tàu vũ trang xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì lời tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” có còn được minh chứng bằng thực tế hành động hay không? 

Lòng tin sụt giảm là điều rất không có lợi đối với một nước lớn. Hành động này làm ảnh hưởng đến lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì rõ ràng phía Trung Quốc đã đơn phương vi phạm cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc cố gắng duy trì hòa bình, ổn định, hữu nghị ở Biển Đông.

Ngoài ra, cách hành xử của Trung Quốc còn ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Với hành xử như vậy, các nước ASEAN càng thấy nhu cầu có COC càng sớm càng tốt nhưng mặt khác cũng sẽ e ngại vì những động thái có thể làm ảnh hưởng đến bầu không khí đàm phán COC. Khi đàm phán, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải có lòng tin. Lòng tin bị sụt giảm thì sẽ nguy hiểm cho cả tiến trình đàm phán. 

Năm 2016, Philippines đưa vụ việc lên tòa án quốc tế và tìm cách phủ nhận yêu sách vô lý của Trung Quốc khi đưa ra Đường 9 đoạn. Đây là bước đi đúng đắn, khôn ngoan của Philippines. Với một nước nhỏ mà phải đối đầu với một nước lớn có tiềm lực kinh tế, quân sự dồi dào nhưng lại có xu hướng chuyên đi đàn áp, bắt nạt thì đây rõ ràng là phương thức nên được sử dụng: Dựa vào dư luận của cộng đồng quốc tế, dựa vào sự chính trực, vô tư của luật pháp quốc tế để qua đó có thể có thêm sức mạnh bảo vệ lợi ích của mình.

Philippines đã làm được điều đó. Kết quả này đã tạo nên một án lệ tốt để ta có thể vận dụng và căn cứ vào đó để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và bác bỏ Đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc.

Ta luôn cố gắng giải quyết bất đồng về chủ quyền trên biển cũng như trên đất liền với các nước thông qua đàm phán, hòa giải. Nhưng nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu đi, nếu như Trung Quốc không từ bỏ những hành động mang tính chất hung hăng, đe dọa, thì Việt Nam cũng không nên loại trừ khả năng đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.

Nước nhỏ khi đối đầu với nước lớn thì phải dựa vào cộng đồng quốc tế, dựa vào cơ chế pháp lý mà cả cộng đồng quốc tế đã lập ra. Đó chính là công cụ hữu hiệu mà những nước nhỏ có thể dựa vào để chống lại những hành vi đe dọa, ức hiếp và xâm phạm chủ quyền của những nước lớn. 

Năm 2016, sau khi có phán quyết của tòa, chúng tôi đã đến chúc mừng bạn, chúc mừng Ngoại trưởng Del Rosario và Tổng thống Aquino.

Sau đó, tôi được mời đến ở Câu lạc bộ tướng lĩnh để nói chuyện, trao đổi bàn thảo về vấn đề an ninh hàng hải và vấn đề liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông. Có lẽ, đây cũng là bài thuyết trình ở nước ngoài dài nhất của tôi từ trước đến nay.

Tại sao lại mời Đại sứ Việt Nam mà không phải là Đại sứ nào khác? Giới quân sự Philippines vốn rất tôn trọng Việt Nam vì đã sống bên cạnh Trung Quốc nhiều thiên niên kỷ và đã luôn kiên cường, bất khuất chống lại mọi hành động muốn đô hộ, thần phục của Trung Quốc. Họ muốn hỏi về kinh nghiệm xử thế với Trung Quốc của Việt Nam từ xưa đến nay, đặc biệt ở Biển Đông.

Tôi cũng trao đổi thẳng thắn rằng, vì sao chúng tôi chiến thắng được tất cả các thế lực muốn thôn tính, áp đặt ách đô hộ lên Việt Nam? Chúng ta chiến thắng vì có sự đồng lòng của mọi người dân, các cuộc kháng chiến chống xâm lược của ngoại bang của chúng tôi là kháng chiến toàn dân. Chúng tôi thắng vì điều đấy.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn cho rằng chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và phải do chính quốc gia đó bảo vệ bằng mọi giá và có thể tranh thủ sự hỗ trợ nhưng không nên trông chờ vào nước khác. Mình có thể dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhưng mình chủ yếu vẫn phải dựa vào sức mạnh tự thân là quan trọng.

Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Nếu các nước nhân nhượng, Trung Quốc sẽ lấn tới. Nhưng nếu như ta cương quyết thì họ rồi cũng sẽ phải lùi. Sự việc giàn khoan Hải Dương 981 là một ví dụ.

Cho tới nay, về tranh chấp ở Biển Đông, ta đã có những bước đi và phản ứng khôn ngoan, đúng mực. Ta đã giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ vấn đề, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các nước biết tình hình thực tế ở Biển Đông, rằng khu vực này đang đối diện nguy cơ lớn từ Trung Quốc, chứ không hề êm dịu, hòa bình như nước này vẫn tuyên truyền. Mặt khác, ta vẫn luôn kiềm chế, không để căng thẳng leo thang tạo thành cớ cho Trung Quốc lợi dụng và có thêm những hành động gây bất lợi cho ta.

Một mặt phải cương quyết đấu tranh mạnh mẽ, tận dụng mọi diễn đàn đòi Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nhưng phương thức phải khôn khéo, không để tranh chấp bị thổi bùng lên để thành cái cớ để họ lợi dụng biến thành đối đầu nóng.

Đại sứ Trương Triều Dương

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây