Đầu tháng 08/2019, Trung Quốc tuyên bố tập trận bắn đạn thật tại Hoàng Sa trong hai ngày 06 và 07, và Carl Thayer đưa tin rằng có 80 tàu Trung Quốc tại bãi Tư Chính, khiến dư luận mạng xã hội quan tâm. Nhân đó, trưa 06/08, khoảng 10 thành viên của nhóm No-U Hà Nội đã biểu tình 20 phút trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc. Các biểu ngữ giấy và khẩu hiệu miệng của họ bao gồm 3 nội dung: đòi Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Việt Nam, đòi Chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc tại tòa PCA, và quy kết Chính phủ Việt Nam “bán nước”. Sau cuộc biểu tình, nhóm người này ra về, không bị ngăn chặn cũng như bắt giữ.
Qua tìm hiểu, được biết nhóm người biểu tình bao gồm Lê Nguyên Hoàng, Nguyễn Thúy Hạnh, Mai Phương Thảo, Hoàng Thị Hồng Thái, Nguyễn Văn Phương, Bùi Tiến Hưng, người yêu của Thái và một “dân oan”. Trong đó, Nguyễn Thúy Hạnh đã tiết lộ một biểu ngữ, và Mai Phương Thảo đã nói bóng gió về biểu tình trên Facebook cá nhân trong buổi tối và đêm 05/08. Nguyễn Tường Thụy viết rằng cuộc biểu tình được chuẩn bị một cách đột xuất và bí mật, chỉ người trong cuộc mới được biết, bản thân Thụy không được báo trước dù cũng tham gia nhóm No-U.
Dù cuộc biểu tình này mang tính đột xuất và cục bộ, nó cũng không phải là một hoạt động tự phát, đơn lẻ và thiếu chuẩn bị. Trong thực tế, các tổ chức liên quan đến cuộc biểu tình đã liên tục theo đuổi yêu sách chính, là “kiện Trung Quốc ra tòa PCA”, được nửa tháng. Cụ thể, từ cùng ngày 23/07, các thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (như Hoàng Việt, Dương Danh Huy) liên tục viết, trả lời phỏng vấn về yêu sách này, còn Diễn đàn Xã hội Dân sự đưa ra yêu sách này trong “Tuyên bố Biển Đông lần thứ 3”. Đến ngày 31/07, Nguyễn Xuân Diện (thành viên No-U) công bố một mẫu áo phông in yêu sách đó. Các comment dưới ảnh chụp của Diện cho thấy Lê Nguyên Hoàng, một người biểu tình hôm 06/08, đang giữ và phân phát số áo phông này. Sau cuộc biểu tình, ngày 08/08, một số đại diện Diễn đàn Xã hội Dân sự tiếp tục mặc áo phông có chữ “Kiện Trung Quốc”, rồi đi bộ đến Văn phòng Quốc hội để trao bản tuyên bố.
Vì Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Diễn đàn Xã hội Dân sự và No-U cùng mỗi liên kết/liên minh chặt chẽ từ trước đến nay với nhóm ông Nguyễn Quang A và Viện IDS cũ nên việc họ thống nhất theo đuổi yêu sách “kiện Trung Quốc” trong suốt 2 tuần qua, và sẽ tiếp tục vin vào yêu sách này trong thời gian tới là dễ hiểu
Hôm 09/08, Tạ Văn Tài nói với VOA rằng Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ ngay từ bây giờ, để kịp thời kiện Trung Quốc “khi họ bắt đầu ngăn cản hoạt động khai thác của liên doanh Việt Nam – Nga tại khu Tư Chính, hoặc khi họ bắt đầu khoan trong thềm lục địa Việt Nam”. Vì vậy, nhiều khả năng 3 tổ chức vừa nêu sẽ gia tăng tuyên truyền, biểu tình khi xảy ra các diễn biến mà Tài đề cập.
Ngoài No-U, nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng tham gia kích động biểu tình trong suốt tuần qua. Hoạt động tuyên truyền của họ có tính kế thừa, dùng truyền thông về cuộc biểu tình trước để kích cuộc biểu tình kế tiếp.
Cụ thể, hôm 04/08, Nguyễn Văn Phước (giám đốc công ty FirstNews) đưa tin về cuộc biểu tình của nhóm Zombie Nguyễn tại Nhật vào cùng ngày, để gợi ý biểu tình trong nước. Sau khi đăng lại bài của Phước, Nguyễn Xuân Diện (thành viên No-U) cũng bắt đầu cài ảnh biểu tình cũ vào những bài đăng trên Facebook cá nhân của mình, nhằm kích động độc giả.
Tiếp đó, Hoàng Ngọc Giao, Ngô Anh Tuấn và BBC sử dụng thông tin về cuộc biểu tình của No-U hôm 06/08 để tiếp tục kích động biểu tình. Cụ thể Hoàng Ngọc Giao nói với BBC rằng đây là cuộc biểu tình “của người dân” nhằm thể hiện sự “căm phẫn” trước Trung Quốc; rằng “sẽ có những cuộc biểu tình khác do người dân tự đứng lên tổ chức” trong những ngày tới, nếu tình hình tại bãi Tư Chính không dịu đi; và rằng lần này chính quyền sẽ “không có thái độ trấn áp” như trong các cuộc biểu tình trước. Ngô Anh Tuấn viết một bài trên Facebook cá nhân, được BBC đăng lại, để kêu gọi Nhà nước Việt Nam chủ động tổ chức biểu tình chống Trung Quốc, hoặc tạo hành lang pháp lý cho “người dân” biểu tình.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, “kiện Trung Quốc ra tòa PCA” là một giải pháp còn đang để ngỏ. Theo cái nhìn chủ quan của chúng tôi, nếu đơn kiện của Việt Nam chỉ khiến tòa PCA đưa ra một phán quyết giống hệt phán quyết mà họ đã đưa ra trong vụ kiện năm 2016 của Philippines, thì việc khởi kiện dường như chưa thực sự cần thiết. Hy vọng Quỹ Nghiên cứu Biển Đông có thêm nhiều bài phân tích về vấn đề này, để độc giả có cái nhìn rõ hơn.
Thứ hai, qua biểu ngữ trên tay Mai Phương Thảo trong cuộc biểu tình ngày 06/08, có thể thấy nhóm No-U có dụng ý tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam. Với bằng chứng này, No-U không thể tiếp tục tuyên truyền rằng họ bị Nhà nước Việt Nam “bắt giữ”, “kết án” chỉ vì “yêu nước”, “chống Trung Quốc xâm lược”. Mặt khác, vì việc tuyên truyền chống Nhà nước là trái pháp luật, cơ quan chức năng có quyền xử lý nhóm biểu tình nếu họ gia tăng kích động trong tương lai.
Thứ ba, suy cho cùng, Nhà nước mới là bên đang cố giữ cho Việt Nam một thế đứng độc lập, đồng thời có những biện pháp ngoại giao hiệu quả để ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông. Khi giới “dân chửi” đang hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn tiền và quan hệ với nước ngoài, họ không có tư cách quy kết Chính phủ Việt Nam “bán nước”.
Nguồn: Loa Phường