Ngày 31/07/2019, chương trình “Đối diện” của Ban Thời sự đài VTV1 đã lên sóng số đầu tiên, với chủ đề “Mặt trái của truyền thông xã hội”. Chương trình chứa một đoạn tổng hợp các nội dung nhằm “lật tẩy” những ý đồ “kích động”, “gây rối xã hội”, “chống phá Nhà nước”. Nhân đó, trong tuần qua, các gương mặt chống đối được nhắc đến trong chương trình này đã trả lời phỏng vấn và viết bài để công kích chương trình nói riêng và báo chí chính thống Việt Nam nói chung.
Các công kích của họ nhắm vào 3 vấn đề, là mục đích, chất lượng, và khía cạnh đạo đức của chương trình “Đối diện”.
Cụ thể, về mặt mục đích, Bùi Thanh Hiếu và Lê Trung Khoa viết rằng chương trình này chỉ là một phản ứng chống chế của Chính phủ Việt Nam trước thông tin đa chiều trên mạng xã hội, sau khi “cấm mạng xã hội không được”. Nguyễn Văn Đài viết rằng chương trình này nhằm “bao biện cho những sai trái, hủ bại, tham nhũng của chế độ và quan chức”, “bao biện cho sự lừa dối của những doanh nghiệp sân sau”.
Về mặt chất lượng, Phạm Chí Dũng tố chương trình “Đối diện” vu cáo mình, vì mình chỉ đưa tin đúng sự thật. Dũng thách báo chí chính thống “chỉ ra bất kỳ một chi tiết nào” mang tính “sai sự thật”, “xuyên tạc hay kích động” trong các bài viết, bài phỏng vấn của Dũng. Lê Trung Khoa viết rằng việc gạch chéo ảnh nhân vật, tương tự cách làm của “dư luận viên”, cho thấy “chất lượng truyền thông của Đài truyền hình Việt Nam các cơ quan tuyên truyền của Đảng đã đã xuống cấp một cách rất nghiêm trọng”.
Về khía cạnh đạo đức, giới chống đối đồng loạt công kích việc chương trình “Đối diện” che mờ một nửa biểu ngữ có dòng chữ “Hãy xuống đường phản đối bán đất Việt 99 năm cho ngoại bang” Nguyễn Thúy Hạnh, để chỉ còn lại chữ “Hãy xuống đường phản đối”. Họ viết rằng vụ này cho thấy chính VTV1 không dám đối diện với sự thật, vì vậy không có tư cách công kích mạng xã hội đưa tin sai sự thật. Nhiều cá nhân cũng nhắc lại các “phốt” đưa tin sai của VTV1, để đưa ra cùng thông điệp vừa nêu.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.
Thứ nhất, theo quan điểm của chủ nghĩa tự do, thì báo chí sẽ phản ánh đúng sự thật hơn nếu tồn tại như một “thị trường tự do của các ý tưởng” – nơi các nguồn thông tin và quan điểm trái ngược có dịp cạnh tranh, va chạm, bổ túc cho nhau. Trên tinh thần này, dư luận “lề trái” nên nhìn chương trình “Đối diện” của VTV như một nguồn tin trái chiều, giúp họ tiến gần hơn đến sự thật. Sau nhiều năm kiếm sống bằng nghề “phản biện”, không lẽ các “nhà đấu tranh dân chủ” không thể chấp nhận một bài phản biện của VTV? Qua thái độ của họ trong vụ việc này, có thể thấy họ đã quen sống trong môi trường thông tin một chiều của những đám đông kích động và thù hận, thứ không hề thúc đẩy “dân chủ hóa”.
Thứ hai, thành thực mà nói, thì chương trình “Đối diện” phán có sai không? Trong những nhân vật bị “Đối diện” gọi là “chống Nhà nước”, có ai dám tuyên bố với dư luận rằng mình không chống Nhà nước? Năm 2018, Phạm Chí Dũng viết rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “bao che” cho ông Trương Minh Tuấn, giúp ông Tuấn không bị đi tù; vậy có phải là đưa tin sai sự thật không? Và khi Dũng viết về cuộc biểu tình “chống Trung Quốc” ngày 10/06/2018 như thế này, có ai cho rằng Dũng không “kích động”?
Nguồn: Loa Phường