Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) là một dự án lớn, phức tạp, được kỳ vọng sẽ được xây dựng thành một đô thị mới, hiện đại, có thể trở thành một biểu tượng mới về sự phát triển năng động của TP.HCM. Dự án này còn nhằm một mục đích quan trọng khác là chuyển một phần trung tâm thành phố hiện hữu sang quận 2 để giảm áp lực về xây dựng, lưu thông, mật độ dân số… cho khu vực này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện diễn ra nhiều năm, có nhiều thay đổi về chủ trương, chính sách, một số điều kiện khách quan, cùng với các sai sót của những người trực tiếp thực hiện, dự án này còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ, trong đó có quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân.
Vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức họp báo về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong cuộc họp báo này, lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng một lần nữa đã khẳng định sẽ bảo đảm quyền của người dân có liên quan đến dự án. Chẳng hạn, thông tin về việc xác định khu vực 4,3 ha, ngày 13-8-2019, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt ranh quy hoạch khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trước đây) để làm cơ sở có phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Theo đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân khu 4,3 ha sẽ rất tốt, áp dụng hệ số quy đổi có lợi cho người dân; giá bồi thường là giá hiện nay chứ không phải 10 năm trước, được xác định dựa trên giá bồi thường ở các dự án lận cận theo khung giá nhà nước. Đồng thời, giá bán nền đất, nền nhà tái định cư cho người dân cũng được tính theo giá nhà nước.
Hay nói về việc bồi thường “thiệt hại vô hình” (thiệt hại do một số vấn đề có liên quan đến dự án), lãnh đạo thành phố khẳng định chia sẻ về những thiệt hại về tinh thần của người dân, không có điều kiện an cư lạc nghiệp, mất thời gian, tiền của để giải quyết những vấn đề bức bách do thiếu sót khi thực hiện dự án… Vấn đề này trên thực tế không có cơ sở xác định thiệt hại và nằm ngoài chính sách bồi thường; dù vậy, thành phố cũng đã xây dựng 10 chính sách hỗ trợ thêm để giải quyết cho thấu tình đạt lý…
Hiện nay, nhắc đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều người hay nghĩ đến các sai sót trong quá trình thực hiện hơn là đến những kết quả đạt được tích cực của dự án quan trọng này. Từ một vùng nông thôn thưa dân, một số khu vực còn hoang hóa, đến nay, sau gần 20 năm thực hiện dự án, hệ thống đường sá, cầu, hầm vượt, các khu đô thị, trung tâm thương mại… đã thay đổi gần như toàn diện bộ mặt của Thủ Thiêm và các khu vực lân cận. Kỳ vọng về một khu đô thị hiện đại đến giờ đã có những bước đầu thành hình.
Ngay đầu tháng 8-2019, UBND TP.HCM đã cấp vốn cho dự án đầu tư xây dựng 6 tuyến đường ở 9 lô đất trong khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm,
nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, tạo điều kiện đầu tư phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội thành phố.
Trước đó, theo bản đồ quy hoạch tổng thể, Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có nhiều công trình mang tính điểm nhấn. Hiện nay, các công trình này đang trong quá trình xây dựng và một số dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020.Các công trình này được xây dựng dựa trên ý tưởng chủ đạo là các “công trình công cộng” không tập trung lại thành một cụm công trình trong một khu vực mà được phân bổ đều trên toàn bộ Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đó là: Bảo tàng Thủ Thiêm, Trung tâm hội nghị triển lãm Thủ Thiêm, Khu phức hợp khách sạn Thủ Thiêm, Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, Trung tâm Thông tin quy hoạch, Khu phức hợp Tháp quan sát, Nhà thi đấu đa năng Thủ Thiêm, Sân vận động Thủ Thiêm, Cung thiếu nhi Thủ Thiêm, Cơ quan hành chính đô thị Thủ Thiêm, Bệnh viện quốc tế Thủ Thiêm, Khu phức hợp bến du thuyền Thủ Thiêm, Khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, Khách sạn nghỉ dưỡng vùng châu thổ phía Nam, Công viên nước Thủ Thiêm, Viện nghiên cứu Châu thổ phía Nam… Trong số này, bên cạnh một số công trình mang tính thương mại, dịch vụ trong định hướng phát triển khu vực quận 2 trở thành một trung tâm thương mại – tài chính của thành phố và khu vực trong tương lai, phần nhiều các công trình là nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.
Đặc biệt, ở đây sẽ xây dựng một quảng trường lớn, tương xứng với vị trí và vai trò của một thành phố lớn. Quảng trường Thủ Thiêm (dự kiến sẽ được đặt tên là Quảng trường Hồ Chí Minh) sẽ là quảng trường đa chức năng, sẽ đảm nhiệm các chức năng: chính trị (là nơi mít tinh trong các ngày lễ quốc gia, các sự kiện trọng đại của dân tộc, của thành phố, các cuộc đại mít tinh, diễu hành, diễu binh…); kinh tế (là nơi tổ chức các hội chợ thương mại, các triển lãm thành tựu khoa học – kỹ thuật mang tầm quốc tế); văn hóa – xã hội (là nơi tổ chức các lễ hội, các liên hoan ca múa nhạc, thể dục thể thao ngoài trời); vui chơi giải trí…
Có ý kiến đề cập việc xử lý trách nhiệm của một số cán bộ sai phạm. Ưu tiên hiện nay của lãnh đạo thành phố là giải quyết nhanh, đúng quy định của pháp luật thấu tình đạt lý các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân có liên quan đến dự án. Xử lý được vấn đề này không chỉ bảo đảm các quyền lợi của người dân, để ổn định trật tự trên địa bàn mà còn thúc đẩy dự án tiếp tục được triển khai để có những tác động tích cực đến sự phát triển của thành phố.
Nói như vậy không có nghĩa là lãnh đạo thành phố không quan tâm việc xử lý trách nhiệm. Từ cuối năm 2018, ngay sau khi có Thông báo số 1483/TB-TTCP ngày 4-9-2018 của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm một số cá nhân có liên quan. Thế nhưng trong một vụ việc kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều đời lãnh đạo, liên quan đến rất nhiều người, lại có những yếu tố khách quan tác động, việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý trong một sớm một chiều là điều không dễ dàng. Hồi tháng 7-2019, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không thể chậm giải quyết quyền lợi cho người Thủ Thiêm, đồng thời sẽ xử lý cán bộ làm sai trong vụ việc này. Trước đó, trong tháng 6-2019, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, từ khi có Thông báo 1483, thành phố đã chủ động tổ chức các tổ, đoàn công tác trực tiếp xử lý bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Như vậy, từ cách tiếp cận vấn đề và các chỉ đạo cụ thể của các vị lãnh đạo, có thể thấy rõ, thành phố đang nỗ lực và ưu tiên giải quyết quyền lợi và nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong bối cảnh đó, các bên liên quan cần cầu thị lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau để sớm giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý!
Ngũ Yên