Sáng ngày 9/8 vừa qua, tại Thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đã lắng nghe những chia sẻ của các chức sắc, chức việc tôn giáo với một tinh thần chung khẳng định tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Tất cả đều thống nhất các nội dung về đóng góp của tôn giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là những kết quả trong lĩnh vực y tế và giáo dục mà các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đề cập đến những thực tiễn chứng minh sự tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý với quy định pháp luật. Thủ tướng cũng nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái, Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi, Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”.
Đồng thời khẳng định những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của tôn giáo đã góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta.
“Có thể nói không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo, tín đồ tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam chúng ta. Một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo”- Thủ tướng nói.
Với phương châm xây dụng Chính phủ liêm chính, kiến tạo hành động để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, Thủ tướng nêu ra hai mong mỏi gởi đến các tổ chức tôn giáo là: Các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện đúng phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc; Chức sắc, chức việc tôn giáo hãy là một tấm gương giá trị văn hóa từ bi, bác ái để quần chúng tín đồ noi theo, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng còn nhấn mạnh đến việc các thế lực thù địch bên ngoài luôn tìm cách lợi dụng tôn giáo, khoét sâu gây mâu thuẫn giữa tôn giáo và chính quyền để phục vụ mục đích kích động tín đồ tuần hành, biểu tình gây bất ổn trong nước.
Có thể thấy điển hình đó là những chức sắc, tín hữu có hoạt động vi phạm pháp luật hoặc không thừa nhận chế độ ở Việt Nam đã có những ngôn từ biểu thị sự coi thường đối với cuộc gặp gỡ này.
Dương Kim Khải – mục sư thuộc một hội Thánh Tin Lành không được Nhà nước công nhận – từng lãnh án 5 năm tù và 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đã trả lời đài RFA với những lời lẽ vu cáo hết sức trắng trợn:
“Lời phát biểu của ông Phúc thì tôi không tin được. Ông Phúc kêu gọi như vậy cho biết rằng nhà cầm quyền đang đi đến chỗ như thế nào rồi. Họ làm những chuyện tai ác, bất công thì làm sao mà chúng tôi kết hợp được.
Tình hình xã hội hiện nay ở Việt Nam hiện đang rất bác nháo về mặt tôn giáo, tôn giáo bị lợi dụng, giữa các tôn giáo với nhau thì mất đoàn kết. Ngay cả nhà nước, người dân, và các tổ chức cũng lợi dụng chuyện đó, và không có sự hiểu biết chuẩn mực về tôn giáo.”
Một số đối tượng khác thì lại lu loa rằng việc Thủ tướng gặp gỡ các tôn giáo là màn che mắt để “phục vụ cho mục đích của cộng sản” và “tôn giáo được phát triển không phải mục đích vì nhân loại”.
Đối với quan điểm cho rằng tôn giáo là hình thức, là màn che mắt thiên hạ của chính quyền thì có thể thấy rằng tôn giáo ở Việt Nam trong lịch sử đến nay luôn được sự quan tâm của toàn xã hội, chế độ nào cũng coi tôn giáo là một phần quan trọng để thúc đẩy giá trị văn hóa, xây dựng con người.
Cũng chưa bao giờ như hiện nay các khóa tu mùa hè của Phật giáo, hoạt động của hội đoàn Công giáo, lễ trọng trong Phật giáo hòa hảo, Cao Đài…. luôn được chính quyền đảm bảo, tôn trọng cho thực hiện để nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần vừa để giáo dục đạo đức cho tín đồ trong các tôn giáo đó.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định tôn giáo là giá trị, nhu cầu tinh thần không thể thiếu của bộ phận quần chúng nhân dân, tôn giáo có nhiều điểm tương đồng trong xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, đó chính là đạo đức tôn giáo.
Những công trình tôn giáo, các lễ hội tôn giáo, số lượng tôn giáo được công nhận, đăng ký sinh hoạt tăng lên là những bằng chứng sống cho thấy sự quan tâm của chính quyền đối với tôn giáo. Còn những ý kiến nhỏ nhặt, vị kỷ của thiểu số những kẻ đã và đang lợi dụng tôn giáo vì mục đích đê hèn cũng chỉ là gió thoảng mây qua mà thôi; và lẽ đương nhiên, chúng sẽ không bao giờ có thể tô lem được bức tranh tươi sáng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay./.
Hoa sữa
Nguồn: Người con Đất Mẹ