Trang chủ Luận bàn - Phản biện Vụ bé trai trường Gateway: Xin đừng cào xới thêm nỗi đau!

Vụ bé trai trường Gateway: Xin đừng cào xới thêm nỗi đau!

188
0

Lái xe không kiểm tra, cô giáo giám sát không đếm sỉ số, cô chủ nhiệm thờ ơ trước sự vắng mặt của học sinh lớp mình. Từng sự cẩu thả của mỗi người, mỗi vị trí đã gây ra “sự việc Gateway” đầy thương tâm.

Vụ bé trai trường Gateway: Xin đừng cào xới thêm nỗi đau!

Sự ra đi của bé trai kia để lại nỗi đau không gì có thể bù đắp được cho những người thân ở lại. Trên mạng xã hội mấy ngày qua, rất nhiều phụ huynh đã lên tiếng bày tỏ sự xót xa và đồng cảm. Một người làm mẹ như tôi hiểu được nỗi đau mất con, nó kinh khủng như thế nào. Ngày ấy, khi đứa con trai duy nhất của tôi đang học lớp 8, tôi đã dự tính cho học ở Sài Gòn học để cháu có điều kiện phát triển toàn diện hơn về cả học thức lẫn kỹ năng hơn nữa. Bởi ở cái nơi mà tôi đang sống, thì cháu khá nổi bật với vóc người cao to, đẹp trai, hát hay, đá bóng, đá cầu tốt và học giỏi. Mọi dự định của tôi và ước mơ của cháu ấp ủ đều tan vỡ trong một ngày đi tắm biển với bạn bè, thầy cô. Và thế là tôi đã mất con mãi mãi. Vừa uất nghẹn, trách móc thầy cô, vừa khó thở ở lồng ngực, ngất lên xỉu xuống, khóc hết nước mắt không tin vào sự thật và chính mình cũng muốn đi theo con nhưng không thể.

Với sự việc diễn ra ở trường Gateway, hầu như mọi người cũng đã biết và hiểu vấn đề. Xót xa lắm nhưng cuối cùng chúng ta buộc phải chấp nhận sự thật nó đã như vậy, không thể làm gì khác hơn để em ấy có thể sống lại. Mọi người càng bàn tán, báo chí càng có đà phân tích, lên tin kéo view, kéo talk và càng làm những ông bố bà mẹ mất con như chúng tôi nhìn ảnh, nhìn bài viết mà đau xót thêm một lần nữa. Hãy để thời gian và không gian bình yên xoa dịu đi phần nào nỗi đau. Càng cào xới càng làm nỗi đau sưng tấy lên mà thôi.

Vụ bé trai trường Gateway: Xin đừng cào xới thêm nỗi đau!
Rất đông báo chí đến buổi họp báo vụ việc để săn tin, viết bài.

Chúng ta đã nhìn thấy các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra. Tất cả các cá nhân, tổ chức liên quan trực tiếp đã được triệu tập để phục vụ công tác truy tìm chân tướng sự việc, làm rõ hành vi, trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định pháp luật. Bước ban đầu, công an đã công bố kết quả giám định tử thi, tổ chức họp báo công khai mọi tình tiết vụ việc. Bản thân tôi nghĩ, bây giờ chúng ta không cần làm gì cả, cộng đồng mạng động viên quan tâm gia đình cháu bé những ngày qua như vậy cũng đủ rồi, nói nhiều đâm ra mất hay, cứ giao lại mọi việc cho các cơ quan chức năng xử lý. Như thế vừa hợp lý vừa hợp tình.

Vụ bé trai trường Gateway: Xin đừng cào xới thêm nỗi đau!
Công an công bố kết quả khám nghiệm tử thi.

Tuy nhiên, sau sự việc này, không chỉ riêng Gateway mà các trường tư thục khác cũng cần xem lại công tác quản lý và giáo dục con trẻ của mình. Không chỉ là công tác đưa đón, cho ăn uống mà chính ở trong khuôn viên trường cũng cần sự sát sao. Vì các em là trẻ nhỏ. Chúng chưa có được khả năng tính toán đến hệ quả trực tiếp và gián tiếp trước khi hành động; không cân nhắc được lợi ích đạt được và rủi ro phải đối mặt. Vì thế bắt buộc phải có sự cân nhắc, dẫn dắt, chỉ bảo, chăm sóc, trông nom của người lớn. Nếu người lớn bất cẩn thì trẻ em có khả năng sẽ rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm vô cùng.

Thật đáng buồn là ở Việt Nam, sự bất cẩn của người lớn đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày. Ở một số bệnh viện, bác sĩ, y tá cứ im lặng làm ào ào, không cần giải thích, xác minh với bệnh nhân nên đầy trường hợp mổ nhầm người, tiêm nhầm thuốc, cắt nhầm thận. Ra đường, có người phóng bạt mạng, chẳng biết nhường nhịn, đúng sai. Có tài xế xe buýt và phụ xe chỉ cần biết đủ giờ, đủ vé chứ chẳng thèm quan tâm đến an toàn của khách và người đi đường. Ở trường học, có người nấu ăn chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không hề lo lắng cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Bởi vậy người Việt khi làm việc người Nhật thường chê họ làm quá cứng nhắc, kỹ càng, mất thời gian và thích thú với sự làm tắt của mình khi có thể đẩy năng suất lên cao. Những con người đó đâu biết rằng người Nhật thừa biết rằng cắt đi một vài công đoạn có thể nâng cao năng suất nhưng sẽ có rủi ro. Rủi ro về sinh mạng là rủi ro khó lấy lại. Bởi thế nên người lái tàu, lái xe buýt, người soát vé tàu ở Nhật trước khi xuống tàu bao giờ cũng đi kiểm tra từ đầu xe tới cuối xe kiểm tra từng hàng ghế xem khách có bỏ quên vật dụng gì, có ai ngủ quên không. Chuyện lái xe đánh thức hành khách nhậu say ngủ quên là chuyện thường xảy ra ở Nhật.

So với người Nhật thì một số người Việt cực cẩu thả, để cải thiện tính xấu này của một số giáo viên, tài xế, y bác sĩ, công nhân nhà máy thì cần phải có một tiêu chuẩn an toàn, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi một số nội dung đảm bảo an toàn đã được quy định sẵn trong Luật. Trong giáo dục, từ gia đình đến nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để cùng nhau bảo đảm sự an toàn, dạy con trẻ cách sống và sinh tồn bên cạnh những bài học tri thức chứ không thể để chúng chết oan vì sự cẩu thả của người lớn được.

Hoài Thương 

Nguồn: Ngọn Cờ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây