Trang chủ Luận bàn - Phản biện Về "trường quốc tế" nhân vụ Gateway

Về "trường quốc tế" nhân vụ Gateway

197
0

Nói gì thì nói, sự cố đau thương tại trường Gateway cho thấy công tác quản lý nhà nước của ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương đối với các cơ sở giáo dục đào tạo tư nhân là yếu kém. Thay vì biện minh, hãy nhìn nhận sự việc khách quan để tự chỉnh đốn vì không chỉ có một Gateway.

Sáng nay, tờ Tiền Phong có bài “Vì sao trường Gateway loè mác quốc tế ngay sát phòng GDĐT quận Cầu Giấy” phản ánh chủ đề trên. Cho dù cái tiêu đề có hàm ý chê trách phòng Giáo dục quận Cầu Giấy nhưng nó phản ánh đúng sự thật và có giá trị cảnh tỉnh các địa phương khác trong toàn quốc.

Bỏ qua thuyết âm mưu về hiện tượng đầu tư vào giáo dục để rửa tiền chứ không phải vì lợi nhuận như ở một số nước trên thế giới thì việc thu học phí cao kiểu “quốc tế” làm cho chúng ta tin rằng, các trường kiểu “Gateway” về bản chất là một doanh nghiệp kinh tế, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Đã là doanh nghiệp thì họ phải quảng cáo, phải lòe bịp để thu hút người học nhằm có được lợi nhuận cao nhất. 

Thế nên tôi tin số lượng trường xưng danh quốc tế có lẽ cũng không ít ở Hà Nội. Cơ quan chức năng cấp phép một đằng nhưng trường xưng danh một nẻo vẫn là câu chuyện không hiếm. 

Về "trường quốc tế" nhân vụ Gateway

Trưởng phòng giáo dục quận Cầu Giấy cho biết, trong quyết định thành lập, Trường liên cấp quốc tế Gateway có tên là Trường tiểu học Gateway. Chữ quốc tế có thể do trường tự gắn vào để tự quảng cáo nhằm thu hút người học. Xem ảnh bên thì thấy, dòng chữ Internation School là do trường tự gắn vào. 

Vấn đề là, nếu phòng Giáo dục của quận Cầu Giấy trách nhiệm hơn một chút trong kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục, hoặc công khai thông tin cấp phép các trường… thì hẳn sẽ không có câu chuyện người dân hiểu lầm đó là trường quốc tế để rồi “tiền mất tật mang”.

Tôi có người bạn thân cho con học trường quốc tế đến hết phổ thông, nhưng khi kiểm tra trình độ mới biết phông kiến thức lịch sử và địa lý của cháu không đảm bảo ở mức tối thiếu. Cái lõi của văn hóa dân tộc là lịch sử mà không nắm được là điều cực kỳ nguy hiểm.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết “Trường quốc tế có nhiều loại, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ, tránh bị ngộ nhận. Thực chất đó là trường ở Việt Nam nhưng chỉ tên gọi có gắn chữ quốc tế mà thôi”.

Nói thêm về chữ “quốc tế”, GS Đào Trọng Thi cho hay: “Nói chung, chữ “quốc tế” gắn vào trường học thường có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, quốc tế có thể là mô hình của một ngôi trường quốc tế. Mô hình này thường phải có yếu tố quốc tế, ví dụ như đầu tư quốc tế hoặc chương trình quốc tế, do một trường quốc tế hoặc hệ thống giáo dục quốc tế nào đó cho phép sử dụng hệ thống của họ. Đó là một mô hình quốc tế đúng nghĩa. Thứ hai là tình trạng một số trường họ đưa chữ quốc tế vào trong tên gọi. Trường hợp này không phải mô hình quốc tế, mà đơn giản chỉ là tên gọi thôi”. 

So sánh đối chiếu với thực tế thì Gateway không phải là trường quốc tế như họ gắn mác. Có thể dễ dàng nhận ra, việc gắn mác quốc tế là để đánh vào tâm lý sính ngoại của phụ huynh, qua đó “móc tiền” dễ dàng hơn mà thôi.

Giáo dục là một thị trường, các cấp quản lý dù có công nhận hay không thì điều đó vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Nếu quản lý không theo kịp, chắc chắn phụ huynh Việt sẽ còn tiếp tục bị lừa phỉnh. Hậu quả không phải là chuyện phụ huynh mất tiền tỷ học phí mà nó còn kéo theo hàng loạt các hệ lụy như niềm tin vào ngành giáo dục bị giảm sút, tương lai con em bị ảnh hưởng bởi cái bóng đè quốc tế.

Dân gian có câu “Mất bò mới lo làm chuồng” quả nhiên đúng. Dù muộn còn hơn không, cũng sáng nay, tờ Infornet có bài “Hà Nội sẽ công bố danh sách 11 trường quốc tế, xử lý các cơ sở tự “gắn mác. Theo đó, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo thống kê đến thời điểm này Hà Nội mới chỉ có 11 trường quốc tế. Các trường còn lại chỉ có yếu tố nước ngoài chứ không phải là trường quốc tế. Sau khi rà soát, trường nào vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ công bố danh sách để phụ huynh, học sinh nắm rõ. Những trường không phải quốc tế nhưng tự “gán mác” quốc tế sẽ bị xử lý theo quy định. Theo ông Quang, tên gọi của các trường phải đúng theo quy định của pháp luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ quốc tế mà trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm. Sở GD-ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh hiểu lầm của cha mẹ và học sinh.

Khoai@

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây