Ai cũng từng đọc thơ Trần Đăng Khoa, người được coi là thần đồng thơ. Ông là một nhà thơ quân đội, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tuyên truyền. Về hưu và thường xuyên lên mạng, ông Khoa không quên lên tiếng như một người lính bảo vệ biển đảo. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, tinh thần người lính của ông đã biến thành một tinh thần cực đoan với nhiều tư tưởng sai lệch.
Trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn ở bãi Tư Chính, ông Khoa đã không ít lần kích động chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam trong khi chính quyền Việt Nam đang cố gắng xử lý tình huống bằng các phương thức ngoại giao. Trên facebook của mình, ông đã 2 lần kêu gọi chiến tranh: Lần 1 vào ngày 21/7/2019:
Lần 2 vào ngày 2/8/2019:
Ở cả hai lần này, ông đều hướng các lập luận dẫn đến khẳng định rằng cần thiết có một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam, và Việt Nam chẳng cần phải e dè những tiềm lực quân sự mà Trung Quốc sở hữu. Ông Khoa viết:
“Trung Quốc hiện đang xiêu điêu vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dân Trung Quốc đang ngao ngán. Biết đâu họ đẩy sự chú ý của dân họ ra ngoài nội địa. Cũng có thể họ phá ta không cho ta khai thác dầu khí cùng với các đối tác trong vùng đặc quyền kinh tế của ta. Hoặc cũng có thể họ gây hấn rồi lấy đó mặc cả, đòi ta cho họ đầu tư đường cao tốc Bắc Nam, rồi nhấn chìm chúng ta trong khối nợ nần, bắt ta phải phụ thuộc họ vĩnh viễn.
Ngay ở Trường Sa hay bãi Tư Chính đang tranh chấp, nếu máy bay quân sự của họ có ra được đến bơi để oanh kích thì cũng sẽ không còn nhiên liệu để quay về. Không lực chỉ phát huy được sức mạnh khi có tầu sân bay. Nhưng tầu sân bay lại là điểm yếu khi xảy ra chiến tranh thực sự. Tên lửa diệt hạm, tên lửa tầm xa của ta chỉ phóng ở bở biểm dọc từ Bắc xuống Nam cũng đã đủ thổi bay máy hòn đảo nhân tạo và mấy cái tàu sân bay rồi. Ấy là chưa kể sức mạnh của tình đoàn kết ở Việt Nam đã từng đánh bại nhiều kẻ thù sừng sỏ mà Trung Quốc từng sợ hãi.
Họ [TQ] tốt ở chỗ nào. Đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông họ là Đối tác đấy. Thật kinh hoàng. Chỉ có 13 km mà 16 năm không xong. Đã chết bao nhiêu người vì tai nạn khi làm con đường này. Chúng ta còn sống dở chết dở vì nó với đống nợ cao tày núi và đã phải trả nợ từ năm 2017 đến nay rồi, dù chưa sử dụng được và sẽ còn rất lâu mới sử dụng được. Tuyến đường này vẫn còn thiếu vốn để hoàn thành nhưng tôi nghĩ, chúng ta không nên chi thêm một xu nào vào cái công trình bẩn thỉu đó nữa. Nên để nguyên trạng làm bảo tàng ngoài trời.”
Mang tiếng là một nhà báo, một nhà thơ, một người lính, vậy mà ông Khoa lại viết những câu ngây ngô như đứa trẻ chưa trưởng thành như vậy. Một loạt các lập luận của ông về tình trạng điêu đứng của Trung Quốc không hề đưa ra được bằng chứng. Những lập luận của ông về việc máy bay Trung Quốc tấn công ta rồi không đủ xăng quay về là kiến thức chiến tranh cách đây gần 1 thế kỷ. Bây giờ là thời chiến tranh công nghệ cao rồi, thưa nhà thơ, và nếu nói về chiến tranh công nghệ cao thì Trung Quốc vẫn là một cường quốc sánh ngang với Mỹ. Đổ lỗi cho Trung Quốc “không tốt” với ta trong làm ăn kinh tế mới thấy ông “ngây thơ” quá mức, liệu ông có nghĩ trong kinh doanh đổ bể thì lỗi phải xem lại chính mình hay khư khư đổ lỗi cho đối tác “gian thương” làm cớ gây chiến tranh để phân định thắng thua?
Quan trọng hơn thế, trong bất cứ tình huống nào, chiến tranh luôn là thứ tệ hại nhất. Chiến tranh khiến người dân hai nước lầm khổ, mà khổ nhất vẫn là dân Việt thôi. Ông Khoa có còn nhớ những năm tháng chết chóc, loạn lạc, nghèo khổ trong chiến tranh chống Mỹ mà chính ông cũng đã trải qua? Đến nay, bằng tài ngoại giao, chính quyền Việt Nam đã khiến cho Trung Quốc rút khỏi Bãi Tư Chính mà không cần nổ một tiếng súng. Nhưng có lẽ ông không vừa lòng, vì qua những gì ông Khoa đăng tải trên facebook, người đọc dễ có suy nghĩ rằng ông Khoa thích chiến tranh và cần có chiến tranh. Ông bất chấp tính mạng của người dân Việt Nam, bất chấp nền hòa bình để cố gắng kích động một cuộc chiến, không rõ ông đã từng nghĩ tới những điều này chưa?
Những lời hô hào kích động như ông Trần Đăng Khoa – một người có cương vị, là điều đáng tiếc cho truyền thông xã hội. Mạng xã hội đã cho phép ông được thoải mái nói bừa, nói ẩu không suy nghĩ, nói cho sướng miệng mình, mà không nghĩ tới quê hương đất nước. Mong rằng trong tương lai, với vai trò là “bô lão” có công, được trọng vọng trong xã hội, các ông các bà như ông Trần Đăng Khoa sẽ suy nghĩ thật kỹ trước khi phát ngôn, không phải suy nghĩ cho riêng mình, mà suy nghĩ cho vận mệnh dân tộc.
Nguồn: Loa Phường