Trang chủ Luận bàn - Phản biện Game bài Sử hộ vương – chiêu trò kinh doanh phá hoại...

Game bài Sử hộ vương – chiêu trò kinh doanh phá hoại lịch sử

266
0

Game thẻ bài Sử Hộ Vương có lẽ là từ khóa hot nhất trên mạng xã hội nhiều ngày qua sau màn gọi vốn trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ” (Shark Tank) được phát sóng trên VTV3. Điều đáng nói, sự quan tâm của dư luận đến trò chơi này không phải ở chỗ nó là một tựa game được người Việt phát triển với mục đích lan truyền cảm hứng lịch sử Việt Nam, sự chú ý lại được dành cho những hình ảnh, nội dung lai tạp của trò chơi, cùng với đó là sự “khả ái” của hai người sáng lập khi đứng ra kêu gọi vốn.

Game bài Sử hộ vương – chiêu trò kinh doanh phá hoại lịch sử

Game bài này được ra mắt từ một dự án trong năm 2018 của hai người sáng lập là Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo với nội dung được quảng cáo là lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử có thật của Việt Nam, từ đó hướng đến mục đích tạo cảm hứng lịch sử cho người chơi. Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt game bài này đã phải hứng chịu không ít ý kiến trái chiều liên quan đến cả nội dung lẫn tạo hình nhân vật trong game. Và có lẽ viêc mang trò chơi đã bị lên án, chỉ trích rất nhiều trước đó đến chương trình “Thương vụ bạc tỷ” không gì khác ngoài mục đích thỏa mãn sự háo danh và marketing bằng việc tạo scandal của các tác giả.

Với hầu hết mọi người khi thoạt nhìn qua tạo hình các nhân vật trong game thật khó để nghĩ rằng đây là trò chơi có nội dung về lịch sử Việt Nam. Những nhân vật có thật trong lịch sử được tạo hình một cách tùy tiện, sao chép cách tạo hình từ truyện tranh Nhật Bản. Điều đáng nói hơn, người khai sinh ra trò chơi này lại ngụy biện rằng “chúng ta chưa có ai tận mắt nhìn thấy những nhân vật lịch sử này”. Điều này không hề sai, nhưng nên nhớ rằng không tận mắt nhìn thấy, nhưng văn hóa, lịch sử của chúng ta được truyền lại từ ngàn đời nay, dù không thể xác định chính xác tướng mạo, nhưng chí ít tạo hình nhân vật từ cách ăn mặc, khuôn măt cũng phải làm sao khiến cho người chơi chỉ cần nhìn qua đã thấy được đặc trưng của lịch sử Việt chứ không phải những hình ảnh ngoại lai căng văn hóa Nhật Bản. Không những thế, tạo hình các nhân vật nữ có thể nói rất dung tục, đi ngược hẳn với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Miệng thì nói muốn để các bạn trẻ thay vì vùi đầu vào văn hóa, lịch sử nước ngoài, sẽ thích thú hơn với lịch sử nước nhà, nhưng chỉ tiếc là nói một đằng làm một nẻo. Nói thì lại tự ái, nhưng mà cái mà những bạn này đang truyền bá là cho văn hóa truyện tranh Nhật đấy chứ, nhìn cả cách họ ăn mặc lên chương trình cũng thấy Nhật lắm. Đem lịch sử ra để “kinh doanh” thì trước hết phải tôn trọng nó, làm gì có cái kiểu thích vẽ thế nào thì vẽ, rồi đặt toẹt cái tên nhân vật ở đấy thế là thành nhân vật lịch sử.

Không chỉ bị lên án về mặt hình ảnh, mà về nội dung, cả những câu thoại của nhân vật cũng nhận không ít gạch đá. Những nội dung được dẫn dắt không đúng sự thật lịch sử, những câu thoại của các nhân vật được đưa vào một cách bừa bãi, những lời thoại, tên nhân vật được đặt một cách khá là tục tĩu, và có lẽ mục đích không gì hơn là câu view. Sự vay mượn từ tạo hình nhân vật cho đến lời thoại cũng không còn tính thuần việt, những từ ngữ lấy từ văn hóa Nhật Bản như “senpai” cũng được đưa vào.

Trong thời đại công nghệ thông tin, khi mà mọi thứ từ công việc, học tập cho đến hoạt động giải trí bị cuốn hút vào màn hình máy tính, smartphone, thì ý tưởng về một trò chơi giải trí hướng đến tương tác offline là hướng đi rất hay, và càng ý nghĩa hơn khi nó hướng đến việc giúp lan truyền cảm hứng về lịch sử nước nhà cho người chơi, đặc biệt là các bạn trẻ. Thế nhưng có lẽ những cái đẹp đẽ ban đầu đó chỉ nằm ở trên giấy. Những người phát triển đã quá “dung túng” cho cách làm của mình, họ cố tình quên đi cái quan trọng của việc tương tác với lịch sử đó là trước hết phải tôn trọng sự thật lịch sử. Hơn nữa, đây lại là cách truyền tải thông tin bằng hình ảnh, thì sự tôn trọng này càng cần quan tâm và thực hiện tốt hơn. Lan truyền cảm hứng lịch sử hay đang bóp méo lịch sử? Thử tưởng tượng tryền bá “lịch sử” theo kiểu lai tạp này, sau một vài năm nữa người ta còn nhắc đến người “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ nữa hay sẽ là “hot boy 8 múi” như hình ảnh của trò chơi đã vẽ ra. Xuất phất ý tưởng rất hay nhưng cái cách làm và suy nghĩ của người thực hiện thực sự có vấn đề có vấn đề. Đừng nhân danh giới trẻ, mượn danh yêu lịch sử để làm méo mó lịch sử.

Cho đến giờ, sau khi kết thúc chương trình, có thể kết luận một điều rằng mục đích lan truyền lịch sử nước nhà không đạt được, nhưng có lẽ đối với những người mang trò chơi này đến chương trình thì họ đã thực hiện thành công kế hoạch marketing bằng việc tạo scandal của mình. Họ đến kêu gọi vốn, nhưng khi được Shark Liên đầu tư theo ý muốn cùng với điều kiện sẽ thay đổi về mặt hình ảnh và một số nội dung theo đúng lịch sử thì họ đã từ chối điều mà chính miệng họ vừa đòi hỏi lúc đầu.

Người trẻ cần xông pha, dám nghĩ dám làm, nhưng theo ý kiến cá nhân người viết đối với những con người ở trên thì họ đang quá dung túng cho những suy nghĩ lệch lạc của mình. Và một câu rất hay mà Shark Liên đã nói trong chương trình đánh vào sự tự kiêu của hai con người đứng trên sân khấu lúc đó: “đừng nghĩ các bạn đang đi giải cứu thế giới”!

Phá cách nhưng xin đừng phá nát lịch sử!

LION

Nguồn: Nhân quyền, Biển đảo Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây