Nhiều bạn đọc cho biết hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu… của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng, nguồn tài chính cho tới mô hình tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ các quỹ khá phức tạp, chưa rõ ràng, thiếu thống nhất dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động của các quỹ.
Cụ thể, đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ ngay các quỹ: bảo trì đường bộ, hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, hỗ trợ vận động cộng đồng người VN ở nước ngoài, phòng chống thiên tai.
Đoàn giám sát cũng đề nghị xây dựng lộ trình bãi bỏ các quỹ: phòng chống tác hại thuốc lá, bình ổn giá xăng dầu, dịch vụ viễn thông công ích…
Nhiều quỹ nhưng hiệu quả không cao
Đa số bạn đọc (BĐ) đều ủng hộ đề nghị này, họ cho rằng hiện nay VN có quá nhiều quỹ, đây là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp nhưng đem lại hiệu quả không như kỳ vọng. “Ủng hộ ý kiến của ông Nguyễn Đức Hải, phải bỏ ngay các quỹ, vì tốn ngân sách và không hiệu quả. Như quỹ bảo trì đường bộ, đã thu phí giao thông rồi thì không cần quỹ nữa”, BĐ Ngọc Hạnh (TP.HCM) đưa ra quan điểm. Trong khi đó BĐ Văn Thảo (Phú Yên) nêu ý kiến: “Đã gọi là quỹ thì nhà nước không nên quy định. Muốn thu tiền thì theo luật Thuế, luật Phí và lệ phí. Bỏ đi là đúng nhất”.
“Bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu… là đúng. Dẹp càng sớm càng tốt, tôi hoàn toàn ủng hộ. Những quỹ này người dân chúng tôi không biết ai quản lý, chi tiêu ra sao. Trong khi đó đường sá thì hư hỏng xuống cấp, đầy ổ voi ổ gà”, BĐ Trần Thanh Tùng (TP.HCM) nêu ý kiến. Đồng quan điểm, BĐ Phương Vương (TP.HCM) viết: “Tôi ủng hộ việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thật sự thì cái quỹ này ai kiểm tra, kiểm soát được việc thu chi ra sao…”.
Mạnh dạn dẹp bỏ
Tuy nhiên, tại buổi báo cáo, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện các bộ, ngành cũng đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với đề nghị bãi bỏ các quỹ tài chính mà đoàn giám sát nêu trong báo cáo. Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, những quỹ mà đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ đều là những quỹ “có tên tuổi”, “có đóng góp cho xã hội”, do đó việc bãi bỏ phải hết sức cân nhắc và thận trọng.
Liên quan đến vấn đề này nhiều BĐ cũng đưa ra ý kiến, trong đó BĐ Việt Linh (TP.HCM) cho rằng: “để quyết định bỏ hay không, yêu cầu đầu tiên của người dân là phải công khai số tiền tính đến giờ của mỗi quỹ, ai quản lý, thu chi ra sao, có tham nhũng, tiêu cực hay không, có đem lại lợi ích đã được chứng minh như thế nào, phải công khai để dân biết, bàn và kiểm tra”.
BĐ Việt Linh cũng đưa ví dụ cụ thể: “Quỹ bảo trì đường bộ hiện nay có bao nhiêu, đã sử dụng bao nhiêu để bảo trì đường bộ nào? Người dân không biết việc sử dụng quỹ này ra sao nhưng thực tế vẫn phải đóng phí đường bộ cho các trạm BOT, tình trạng phí chồng phí như vậy là không thể chấp nhận được. Nếu cơ quan quản lý chứng minh được tính hiệu quả của việc quản lý quỹ thì tiếp tục duy trì, ngược lại, yêu cầu hủy bỏ ngay lập tức và đừng lấy lý do chung chung theo kiểu “ảnh hưởng xã hội” mà duy trì các quỹ này nữa. Nếu không có cơ sở thực tế chứng minh tính hiệu quả của các quỹ này thì hãy dừng ngay cho dân nhờ”.
Đồng quan điểm, BĐ Đinh Văn Tiến (Hà Nội) cho rằng: “Nền kinh tế của chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường tại sao chúng ta cần phải cân nhắc. Biết rằng quá khứ các quỹ đã có những đóng góp nhất định nhưng đến giai đoạn hiện nay nó không phát huy hiệu quả nữa mà chỉ làm cho sự phát triển thiếu minh bạch, đồng thời cũng là lỗ hổng trong tham nhũng thì mạnh dạn dẹp bỏ”.
Liệt kê ra mới thấy lắm quỹ trời ơi đất hỡi mà chưa thấy được lợi ích nào từ nó. Ủng hộ dẹp.
Minh Phương (Hà Nội)
Không hiểu chức năng của các quỹ này phục vụ cho ai, trong khi mục đích người dân phải được hưởng thì lại chẳng được lợi, thật khó hiểu.
Nguyên Bình (Hà Nội)
Nguồn: Thanh niên