Trang chủ Đấu trường dân chủ Điều ít biết về nhà giàn DK1 – cột mốc hiên ngang...

Điều ít biết về nhà giàn DK1 – cột mốc hiên ngang giữa biển khơi

221
0

Chúng ta đã xây dựng nhiều nhà giàn DK1 mới bên cạnh hơn chục nhà giàn cũ và có cầu nối giữa 2 nhà để tăng thêm độ ổn định và diện tích sử dụng, tiếp tục khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên khu vực thềm lục địa Nam Biển Đông.

Cùng với quá trình xây dựng, lực lượng đóng giữ trên hệ thống nhà giàn DK1 cũng được hình thành và phát triển, Tiểu đoàn nhà giàn DK1 thuộc Lữ đoàn Hải quân 171 được thành lâp để quản lý hệ thống nhà giàn. Hệ thống nhà giàn DK1 đã phát huy vai trò đúng như tên gọi của nó, còn là chỗ dựa cho ngư dân hoạt động trên biển, là công trình khẳng định và bảo vệ chủ quyền vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Điều ít biết về nhà giàn DK1 - cột mốc hiên ngang giữa biển khơi

Nhà giàn DK1 – cột mốc hiện ngang giữa biển khơi (ảnh dangcongsan.vn)

Tuy nhiên quá trình đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố. Có hai nhà giàn kết cấu đặt trên pông-tông bị đánh chìm, sau đó chuyển cả sang đóng cọc hết, nhưng những công trình xây dựng giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm nên chưa ổn đinh vững chắc trước bão tố.

Điều ít biết về nhà giàn DK1 - cột mốc hiên ngang giữa biển khơi

DK1 hiên ngang trước sóng to, bão lớn (ảnh IT).

Tháng 12/1990, một cơn bão lớn với gió giật cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK 1/3; Nhà giàn DK1/6 bị tàu nước ngoài đâm vào đến 13/12/1998 thì đổ; DK 1/5 bị bão lớn đánh đổ vào 23/12/1999; Hai chiếc DK1/1 và DK 1/4 xây dựng sớm, khi gần hết thời hạn sử dụng ( thời hạn 20 năm ) và độ ổn định không cao, ta không tiến hành bảo quản nên không chốt giữ nữa (DK1/4 tự đổ vào năm 2007, DK1/1 tự đổ vào năm 2009).

Như vậy tổng số có 5/19 nhà giàn bị loại, còn 14 nhà giàn chúng ta vẫn sử dụng tiếp.

Tìm giải pháp bảo vệ nhà giàn DK1

Trước tình hình như vậy, rất nhiều cuộc hội thảo được tiến hành, tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Kế hoạch triển khai, thiết kế, tiến hành gia cố các nhà giàn DK1 được triển khai từ năm 2000 đến năm 2009 hoàn thành. Hai phương án thiết kế gia cố được đưa ra đồng thời.

Điều ít biết về nhà giàn DK1 - cột mốc hiên ngang giữa biển khơi

Những chuyến hàng từ đất liền tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1 (ảnh báo quân đội nhân dân).

Phương án trọng lực: Mỗi chân đế được gia cố 400 tấn bê tông, tổng số 1.600 tấn, kết quả thi công xong có giảm độ rung lắc nhưng vẫn còn lớn. Sau đó phải chuyển sang phương án mở rộng chân đế.

Phương án mở rộng chân đế: làm thêm 4 chân phụ, mỗi chân có 2 nhánh liên kết vào cột chính. Mỗi nhánh đổ thêm 125 tấn bê tông, tổng cộng 1.000 tấn bê tông, đã giải quyết được cơ bản vấn đề rung lắc khi sóng lớn, nhưng khi bão lớn vẫn còn rung lắc khá mạnh. Lữ đoàn 171 phải đưa tàu ra sơ tán bộ đội trên một số nhà giàn mỗi khi sắp có bão lớn tràn qua, vô cùng khó khăn nguy hiểm.

Đã có hai hội nghị khoa học cấp Bộ quốc phòng diễn ra. Hội nghị lần thứ nhất vào năm 2002 tổ chức tại Bộ tư lệnh Công binh, do Trung tướng, GS -TSKH Nguyễn Hoa Thịnh – Giám đốc Trung tâm khoa học kỹ thuật – Công nghệ quân sự của Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng, kỹ sư Trương Quang Khánh – Tư lệnh Công Binh đồng chủ trì.

Hội nghị đã tập trung đánh giá các mặt từ thiết kế, thi công, nghiệm thu những nguyên nhân gây rung lắc và đổ công trình. Nhiều vấn đề được rút ra, trong đó có nguyên nhân cơ bản làm công trình bị rung lắc mạnh và nghiêng, đổ.

Các số liệu cung cấp về chiều cao sóng biển tối đa để thiết kế chưa phù hợp thực tế, hiện nay do biến đổi khí hậu nên chiều cao sóng lớn hơn so với số liệu đã quan trắc trước đây.

Các công trình xây dựng bằng kết cấu thép, đóng cọc trên nền san hô. Việc đóng cọc trên nền san hô cũng chưa có tiền lệ trên thế giới, do tác động của sóng gió, làm lay cột và tạo khe hở giữa cột với nền san hô, mất ma sát giữa cột thép với nền san hô là một nguyên nhân gây rung lắc mạnh và khi sóng to dội vào đáy nâng công trình lên gây đổ nhà giàn. Từ đó đề xuất việc gia cố chống rung lắc cho 14 công trình như đã triển khai.

Hội nghị lần thứ hai vào năm 2005 cũng tại Bộ tư lệnh Công binh, do Trung tướng, GS -TSKH Nguyễn Hoa Thịnh – Giám đốc trung tâm khoa học kỹ thuật – Công nghệ quân sự Bộ quốc phòng; Đại tá, kỹ sư Hoàng Kiền – Tư lệnh Công binh (sau là Thiếu tướng); GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn Phó giám đốc Viện khoa học công nghệ Việt Nam đồng chủ trì.

Hội nghị tổng kết toàn diện quá trình thiết kế, thi công, gia cố các công trình DK1. Các công trình đóng trên nền san hô còn lại bị rung lắc mạnh, đã gia cố bảo đảm độ ổn định, tuy vậy vẫn còn rung lắc khi bão lớn.

Sau hội nghị khoa học năm 2005, Bộ chỉ đạo sớm hoàn thành gia cố các công trình DK1, Ban quản lý dự án DK1 kết thúc nhiệm vụ. Việc duy tu bảo dưỡng giao về cho Bộ Tư lệnh Hải quân giải quyết, giải tán Ban quản lý DK1 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Bộ Tư lệnh Công binh đã đề nghị giữ Ban QLDA DK1 lại để làm các dự án trong nội bộ binh chủng, đồng thời dự kiến đón đầu nhiệm vụ xây dựng trong giai đoạn mới.

Điều ít biết về nhà giàn DK1 - cột mốc hiên ngang giữa biển khơi

Các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1 (ảnh vov).

Xây dựng hệ thống nhà giàn DK1 giai đoạn mới

Do các công trình đều bằng kết cấu thép, đến năm 2010 bắt đầu hết tuổi thọ, đã có các biện pháp duy tu bảo dưỡng chống ăn mòn kim loại nhưng vẫn phải tính đến phương án làm mới với qui mô phù hợp thực tế hơn.

Theo đề xuất của Bộ Tư lệnh Công binh, năm 2006, được sự chỉ đạo của Đại tướng Phạm Văn Trà, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Trung Kiên – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách nhiệm vụ Biển Đông – Hải Đảo của Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Công binh nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng mới.

Tổ công tác gồm: Thiếu tướng Hoàng Kiền – Tư lệnh Công binh chủ trì, Đại tá – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Hợi – Chủ nhiệm Khoa công trình quân sự – Học viện kỹ thuật quân sự, Đại tá Nguyễn Bá Hiểu – Trưởng ban quản lý dự án DK1 cùng tham gia.

Tổ công tác vào Vũng Tàu làm việc với Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt –Xô nay là Liên doanh dầu khí Việt -Nga Vietsovpetro tìm hiểu, sau đó bay ra giàn khoan dầu khí quan sát nghiên cứu thực tế các công trình giàn khoan dầu khí trên biển, đã lập phương án đề xuất mô hình nhà giàn DK1 mới với quy mô phù hợp và báo cáo Bộ Quốc phòng.

Chính phủ chỉ đạo xây dựng các nhà giàn DK1 mới với quy mô lớn hơn, độ bền vững ổn định lâu dài hơn như phương án đã báo cáo, có cầu nối giữa nhà giàn DK1 mới với nhà giàn DK1 cũ.

Toàn bộ công tác khảo sát thiết kế, thi công giao cho Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt – Xô làm tổng thầu.

Ban quản lý dự án DK1 do Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, tiếp theo là Đại tá Trần Anh Tuấn làm giám đốc tiếp tục thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án. Hội đồng nghiệm thu 3 cấp thực hiện nghiệm thu chặt chẽ. Từ 2010 đến 2017 hoàn thành cả 14 công trình, về trước kế hoạch 3 năm.

Chúng ta đã xây dựng nhiều nhà giàn DK1 mới bên cạnh hơn chục nhà giàn cũ và có cầu nối giữ 2 nhà để tăng thêm độ ổn định và diện tích sử dụng, tiếp tục khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên khu vực thềm lục địa Nam Biển Đông.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc về nghiên cứu khoa học, nhóm tác giả tham gia thiết kế, thi công đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2012.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong quản lý, xây dựng các công trình DK1 trong điều kiện vô cùng khó khăn nguy hiểm trên biển, Ban quản lý dự án DK1/BTL Công binh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014.

Hệ thống nhà giàn DK1 mãi mãi là những Trạm dịch vụ kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật, là những công trình khẳng định và giữ vững chủ quyền của Việt Nam. Thể hiện sự kiên trì và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, quân và dân ta trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa phía Nam Biển Đông.

Thiếu tướng Hoàng Kiền -nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh (Dân Việt)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây