Trang chủ Bản tin Dân chủ Vụ bãi Tư Chính: Việt Nam đã làm gì để bảo vệ...

Vụ bãi Tư Chính: Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền?

244
0

Vụ bãi Tư Chính: Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền?

Biên đội tàu cảnh sát biển Việt Nam đang thực hiện các hoạt động bảo vệ chủ quyền

Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, ngày 03/7/2019, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vào vùng biển gần rạn san hô ở gần bãi Tư Chính – Vũng Mây (phía Nam quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Vũng Tàu 370km, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam). Đi theo bảo vệ có 03 tàu hải cảnh Trung Quốc (trong đó có tàu hải cảnh 10.000 tấn, ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yuoo14). Trước đó, từ ngày 18/6, tàu Cảnh sát biển Haijing được trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc neo đậu cách bãi Tư Chính 40 dặm về hướng Tây. Việt Nam đã cử các tàu Cảnh sát biển thực hiện các hoạt động bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Ngày 12/7/2019, tàu Cảnh sát biển Haijing 35111 thực hiện hành vi khiêu khích xung quanh giàn khoan Hakuryu 5, ở lô 06-01 thuộc dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga. Ngày 14/7, Việt Nam cử thêm 02 tàu Cảnh sát biển ra đảo Trường Sa tiến hành các hoạt động bảo vệ chủ quyền.

Như vậy có thể thấy, các hành động của tàu thăm dò địa chất và tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển được cho là do Việt Nam cho phép Công ty dầu khí Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật là Hkuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển nằm ở phía Tây bãi Tư Chính. Trung Quốc muốn gây áp lực buộc Việt Nam phải ngừng các hoạt động thăm dò ở khu vực này, đồng thời qua đó đánh giá xem quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đến đâu để triển khai lực lượng đối phó.

Đáp lại sự ngang ngược xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc,  ngày 16/7/2019, khi trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng khẳng định:

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.

Ngày 19/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.

Cùng với những tuyên bố cứng rắn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng ta cũng đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Có thể thấy, với những gì đã và đang làm, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của mình đối với các vùng biển thuộc vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đến cùng. Điều này đã bác bỏ những luận điệu cho rằng, Việt Nam làm ngơ, nhân nhượng trước các hành động xâm phạm chủ quyền của tàu Trung Quốc, để Trung Quốc thực hiện các yêu sách phi lý về chủ quyền của họ.

Với chiến thuật “tằm ăn rỗi” – từng bước xâm chiếm toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc, nếu chúng ta không mạnh mẽ lên tiếng và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng và dư luận quốc tế, Trung Quốc sẽ từng bước đưa ra các yêu sách phi lý buộc chúng ta phải chấp nhận. Do đó, chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của quốc tế và đặc biệt cần chú trọng tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các lực lượng chuyên trách để đủ khả năng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Việt Nguyễn

Nguồn: Bản tin Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây