Việt Nam là một dân tộc không ngại va chạm với các nước lớn để bảo vệ nền độc lập, lịch sử không thiếu những khúc tráng ca như vậy.
Đọc tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại đền tưởng niệm người anh hùng Nguyễn Thái Học, tôi nhớ đến câu chuyện này đã tác động đến chúng tôi như thế nào?
Khi đó có câu chuyện biên giới Tây Nam bị tấn công, tiết dạy Văn, thầy đã bỏ qua giáo trình và nói về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, thầy dùng chính sử sau đó minh họa bằng một đoạn trong Tuấn chàng trai nước Việt của nhà văn Nguyễn Vỹ:
(trích) Tuấn, như chúng ta, sinh ra trong gia đình bình thường, cố gắng học để lập thân, có việc làm. Nhưng Tuấn khác chúng ta, sống ở những năm đầu 1900 khi mà VN còn là thuộc địa, khi ấy con người trẻ này quyết chí noi theo các bậc anh hùng cùng thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Cô Giang, Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp… Chính Tuấn và các bạn của mình đã chứng kiến cảnh Nguyễn Thái Học, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên bái bị hành quyết:
“Nguyễn Thái Học bước lên đoạn đầu đài có hơi khác Nguyễn Thái Học lúc hoạt động cách mạng. Lần này đầu anh bị cạo trọc, đôi mắt anh sâu hóm như hai cái lỗ thẳm. Má anh cóp và người anh gầy đi nhiều. Anh không ngó ai cả, đăm đăm bước rất mau lên bàn máy chém, hai tay bị trói còng sau lưng. Anh đứng trên bục sắt đen ngòm, la lên với một giọng run run mà những kẻ tò mò được chứng kiến đứng ngoài vòng lính,ít người nghe được rõ. Sương còn buông xuống nhiều, Tuấn cố gắng lắng nghe tiếng anh “Việt Nam vạn…vạn…vạn….tuế”. Hai tiếng Việt Nam và tiếng tuế sau cùng thì hét lớn lên, còn hai tiếng vạn vạn rất nhỏ chỉ nghe thoáng như hơi thở cuối cùng. Lưỡi dao sắc bén rơi mạnh xuống cổ anh, kêu một tiếng phập. Đầu anh rơi xuống thùng mạt cưa kê ở dưới bàn máy chém.
Chính trong phút đó, chị Nguyễn Thị Giang dưới lớp áo đàn ông, chùm chiếc pardessus đen biến đi đâu mất.
Tuấn và hai đứa bạn hình như bị nghẹn cổ, không thở được Tuấn lấy khăn tay lau sương và nước mắt chảy ướt đẫm trên trên đôi má tái mét rồi nhắm mắt đứng yên, không nhúc nhích như một pho tượng và không trông thấy gì nữa. Tuấn không thấy những người khác lần lượt chết sau anh Học, 6 giờ 20 phút,là xong. Tuấn và hai đứa bạn đi thật nhanh ra bến xe về Hà Nội.
Ít lâu sau hôm xử tử anh Nguyễn Thái Học,Tuấn được tin chị Nguyễn Thị Giang tự tử bằng súng lục ở ngay làng quê của người yêu”. (hết trích dẫn)
Thủ tướng dâng hương tưởng niệm nhà yêu nước Nguyễn Thái Học
Nguyễn Vỹ mô tả những người trẻ học hành và hình thành lý tưởng yêu nước như thế nào, mà ảnh hưởng quan trọng chính là các nhà hoạt động ái quốc đã nêu trên.
Khúc tráng ca của một dân tộc triền miên chiến tranh để giành độc lập không thiếu những anh hùng để ta thờ phụng và noi gương bằng cách đi chính trên con đường của các bậc đàn anh.
Thế hệ chúng tôi được dạy để khen rất hay và có điểm cao khi làm bài nhưng tôi vẫn không cảm nhận được họ là anh hùng của mình như cách mà Tuấn đã cảm nhận trực diện người anh hùng là như thế nào?
Cả lớp đã viết huyết thư xin thi hành nghĩa vụ quân sự, chỉ vài bạn được chọn, một trong số đó đã không trở về.
Chúng tôi may mắn được học quá nhiều điều tốt đẹp từ những người thầy năm đó, thầy Đỗ, thầy Công Khai, cô Nguyệt…là những thầy cô giảng dạy từ trước 30-4-1975….Đến bây giờ nghĩ lại, tôi chạnh lòng, với những khó khăn vô vàn , chỉ có lòng yêu nghề mới khiến các thầy cô phụng sự như vậy.
Tình hình Trung Quốc đang quấy nhiễu biển và thềm lục địa VN và việc Thủ tướng bất ngờ dâng hương tưởng niệm người anh hùng dân tộc chống xâm lược Nguyễn Thái Học cho thấy điều gì?
Hoàng Linh
Nguồn: Ngọn Cờ