Trang chủ Đấu trường dân chủ Trung Quốc dồn 'dân quân biển' trong căng thẳng Tư Chính (Kỳ...

Trung Quốc dồn 'dân quân biển' trong căng thẳng Tư Chính (Kỳ 4)

228
0

Có một phương diện mà ít người để ý trong sự kiện Tư Chính, đó là sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc tới từ Hoàng Sa, bên cạnh chủ lực là các tàu hải cảnh.

Mưu đồ của Trung Quốc

Dân quân biển là một bộ phận quan trọng của chiến lược vùng xám, là mũi nhọn giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa ở Biển Đông.

Chiến lược vùng xám còn được gọi là chiến lược tiệm tiến cưỡng bức, thường được các nước lớn có nhiều nguồn lực sử dụng để đạt được lợi ích mà không cần dùng tới vũ lực một cách quy mô và trực tiếp. Chiến lược này có hai đặc trưng căn bản.

Thứ nhất, không để xung đột vượt ngưỡng. Kiểm soát xung đột ở mức độ vừa phải, vừa gây sức ép lên đối thủ, vừa kiểm soát rủi ro trên thực địa một cách chấp nhận được.

Thứ hai, tiến từng bước nhỏ. Trung Quốc quan niệm rằng nếu tiệm tiến thì sẽ không tạo ra nguy cơ gây ra phản ứng quân sự, nhưng lại có thể từ từ khiến thực trạng tranh chấp thay đổi theo hướng có lợi. Rốt cuộc, tranh chấp lãnh thổ không thể giải quyết được chỉ trong một sớm một chiều. Với Trung Quốc, càng kéo dài thì càng có lợi.

Dân quân biển Trung Quốc được xây dựng như một nhành riêng biệt của lực lượng vũ trang. Sách trắng Quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc đã chỉ ra dân quân là “lực lượng hỗ trợ và dự bị cho quân đội”.

Lực lượng dân quân biển chủ yếu có mấy nhiệm vụ căn bản: (1) bảo vệ chủ quyền; (2) tiến hành tuần tra trinh sát; (3) phối hợp với các lực lượng chấp pháp biển; (4) tham gia cứu hộ cứu nạn và (5) hỗ trợ chiến đấu. Những nhiệm vụ giúp Trung Quốc chiếm ưu thế tại những khu vực tranh chấp.

Trung Quốc đầu tư rất lớn cho lực lượng dân quân biển. Chẳng hạn, dân quân biển mà họ gọi là Tam Sa, lực lượng chuyên nghiệp và cũng đóng vai trò quan trọng trên Biển Đông, khi họ được trang bị vũ khí cá nhân phù hợp, được sử dụng những con tàu hiện đại, và được trả lương hậu hĩnh.

Trung Quốc dồn 'dân quân biển' trong căng thẳng Tư Chính (Kỳ 4)

Hình ảnh qua tín hiệu vệ tinh cho thấy tàu cảnh sát biển xung quanh Haiyang Dizhi 8 và ít nhất 1 tàu dân quân biển Qiong Sansha Yu0012. Ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

Đầu năm 2016, Trung Quốc đã chi khoảng 1,5 triệu USD hàng năm nhằm khuyến khích ngư dân di chuyển tới những khu định cư mang tính lâu dài hơn trên quần đảo trong bối cảnh nguồn cá và thu nhập bị giảm sút.

Ngư dân sống ở quần đảo được trả thù lao tuỳ vào khu vực mà họ sinh sống. Ví dụ, mỗi người tại nhóm Lưỡi Liềm sẽ nhận được 6.79 USD một ngày, nếu như họ chịu hiện diện trên các đảo tổng cộng 180 ngày mỗi năm. Những ai sống trên đá Vành Khăn tổng cộng 150 ngày sẽ nhận được 12.07 USD mỗi ngày. 

Hiện tại ở Hoàng Sa có khoảng sáu đại đội dân quân biển với khoảng 1.800 người và 100 tàu cá. Ngư dân ở đây cũng tham gia vào các “nhóm phối hợp chấp pháp” bao gồm 30 thành viên và 5 tàu. Cho tới tháng 6 năm 2015, dân quân biển ở đây đã tiến hành tổng cộng 228 nhiệm vụ cung cấp thông tin, đẩy đuổi các tàu cá nước ngoài, ngăn cản người nước ngoài tiếp cận các đảo, thực hiện bảo vệ cái gọi là quyền và lợi ích của Trung Quốc trên biển.

Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập tại Hoàng Sa của Việt Nam một đội tàu cá kiêm dân quân biển có khả năng hoạt động xa bờ dưới danh nghĩa chính phủ. Theo đó, Công ty Phát triển Ngư nghiệp  được thành lập vào tháng 2 năm 2015. Công ty này sẽ tổ chức các đơn vị dân quân biển như sau: cả công ty được gọi là một chi đội, các công ty hay tổ chức thành viên sẽ được biên chế thành các đại đội, tổ sản xuất thì biên chế thành trung đội, mỗi tàu là một tiểu đội.

Có thể thấy, Trung Quốc đầu tư rất có bài bản cho lực lượng dân quân biển. Kể từ năm 2010 tới nay, hầu như tất cả các vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia có liên quan đều có sự xuất hiện của dân quân biển, từ quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009, cho tới chiếm giữ bãi cạn Scaborough năm 2012 và sự kiện dàn khoan HD-981 năm 2014. Bây giờ là sự kiện Tư Chính vẫn đang xảy ra với sự xuất hiện của các tàu của dân quân biển.

Việt Nam cần làm gì?

Trong khi Mỹ vẫn đang loay hoay chưa biết phải đối phó với vùng xám như thế nào, về mặt thực địa, Việt Nam cũng đang cố gắng tìm kiếm những biện pháp đối phó với chiến lược khó chịu này. Bên cạnh quá trình hiện đại hoá lực lượng cảnh sát biển tương đối thành công cho tới hiện tại, xây dựng được một lực lượng tàu cá có năng lực bảo vệ chủ quyền lại gặp nhiều khó khăn hơn.

Năm 2009, Quốc hội thông qua Luật Dân quân Tự vệ, mở đường cho việc hợp thức hoá dân quân biển. Đề án 1902 được thông qua năm 2010 xây dựng mô hình điểm cho dân quân biển, tuyển chọn từ những thanh niên là ngư dân địa phương, hoặc lao động hợp đồng, lựa chọn tối đa những người lao động trên tàu để xây dựng trung đội dân quân biển.

Đề án cũng nêu rõ dân quân biển “vừa kết hợp sản xuất và quan sát”, khi phát hiện hoạt động phi pháp thì “phối hợp với các lực lượng chức năng”.

Sau sự kiện HD-981 năm 2014, nhà nước đẩy mạnh việc hỗ trợ ngư dân đầu tư “trang thiết bị hiện đại, công nghệ hiện đại” có khả năng vừa đảm bảo khai thác nguồn lợi, vừa gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, thông qua Đề án 67.

Trong khi đó, nhiều tàu cá của chúng ta vẫn chỉ ở dạng vỏ gỗ và composite, chưa có nhiều tàu vỏ thép. Vì thế, trong tương lai, số lượng tàu vỏ thép cần phải được tăng cường cho ngư dân.

Khó khăn lớn nhất của Đề án 67 (và nghị định 17 sửa đổi sau đó) vẫn là vốn. Vốn để đóng tàu mới, và vốn để duy trì vận hành khai thác tàu, vốn để xây dựng bến bãi phụ trợ phù hợp với số lượng và chất lượng của những tàu mới. Đó là chưa kể, một số công ty đóng tàu cho ra đời những con tàu không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khiến cho các tàu không hoạt động hiệu quả, lãng phí.

Để đối phó với chiến lược vùng xám, hay nói cụ thể hơn là các hành động “tằm ăn dâu”, “mưa dầm thấm lâu” về mặt chủ quyền của phía Trung Quốc, việc hiệu quả nhất là khuyến khich ngư dân ra khơi bám biển bằng các phương tiện ngư cụ hiện đại, tàu cá hiện đại.

Song song với đó là hiện thực hoá lực lượng chấp pháp, vừa bảo vệ được ngư dân, lại vừa thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển chủ quyền.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển” và để bảo vệ chủ quyền một cách hiệu quả, chúng ta cần đề cao vai trò các lực lượng ngư dân và dân quân biển.

Nguyễn Thế Phương (Vietnamnet/thành viên cộng tác Dự án Đại Sử ký Biển Đông)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây