Nhiều người đã biết về những người lính Gạc Ma sống sót trong sự kiện bi hùng 31 năm trước. Nhưng tôi xin một lần được kể thêm về anh, làm thơ ca ngợi anh.
Về Quy Nhơn lần này, mục đích chính của tôi và họa sĩ Lê Thiết Cương là tìm hiểu nơi phôi thai chữ Quốc ngữ hơn 400 năm trước tại Nhà thờ Nước Mặn và sau đó đến tiểu chủng viện Làng Sông, đều thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ban đêm thì dành cho việc gặp gỡ bạn bè.
Vào một tối, tại quán Tam Quan, tôi bất ngờ ngồi trước một người đàn ông mà tôi không đoán được tuổi, gương mặt chữ điền rạng ngời cùng nụ cười trẻ trung luôn nở trên đôi môi đỏ mọng. Qua người bạn, tôi biết đấy là một người lính Gạc Ma còn sống sót sau sự kiện 14/3/1988. Anh là Lê Minh Thoa đã qua tuổi ngũ tuần. Ở Quy Nhơn thường gọi anh là “Thoa Gạc Ma”.
Lê Minh Thoa tại đảo Trường Sa Đông
Hóa ra nhiều người biết anh là chủ quán phở mang tên “Phở Gạc Ma – Trường Sa” ở tại số nhà 5D đường Tăng Bạt Hổ. Chúng tôi chuyện tếu, đọc thơ và ca hát luôn mồm. Riêng anh chỉ ngồi nghe và cười. Gương mặt chất phác, đáng yêu. Cuộc vui tàn, mọi người yêu cầu “Thoa Gạc Ma” đèo tôi về khách sạn. Trên đường đi, anh chỉ kể thoáng qua vài câu chuyện của sự kiện ngày ấy, của những ngày lao lý ở bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông- Trung Quốc, của những ngày lăn lộn kiếm sống sau khi xuất ngũ dù anh rất muốn ở lại quân đội. Chỉ thế thôi, anh đã phác thảo trong tôi chân dung một anh hùng vô danh.
Đêm ấy, tôi không tài nào ngủ được. Trong tôi vụt lên một tứ thơ: “Ngồi sau người anh hùng vô danh”. Hóa ra, đời tôi luôn luôn được đưa dẫn bằng những người anh hùng vô danh như thế. Tôi viết một mạch cả bài thơ ngắn.
Ngồi sau người anh hùng vô danh/là tôi Nguyễn Thụy Kha nghệ sĩ/đêm Quy Nhơn chạy lùi về tuổi trẻ/bi tráng thuở Gạc Ma/ ngồi sau người anh hùng thuở ấy/các anh đã vì nước hy sinh, còn sống thành tù binh/chỉ để chứng minh/Việt Nam yêu hòa bình không bao giờ nổ súng trước/ngồi sau anh thấy vết thương còn nhức/ trong cả nói cười/thấy tự tin để không bị lẫn giữa giả dối lên ngôi/cứ thành thật sống một đời thua thiệt/sống để được làm người đến chết/ để không là cầm thú hai chân.
Sáng hôm sau, anh đến tận khách sạn đón tôi tới quán phở. Quán bán từ sáng sớm tới 9 giờ sáng là hết. Chiều, anh bán nước mía từ 15 giờ. Bởi thế, sau khi rưng rưng đọc những dòng tôi viết, anh lại đưa tôi về khách sạn để chia sẻ nhiều hơn.
Lê Minh Thoa sinh 1968. Không biết những người đồng niên số phận ra sao, nhưng với Lê Minh Thoa, sự bi tráng của thời cha ông đã kéo anh đi theo nó cho đến tận bây giờ.
Quê Thoa ở xã Tây An thuộc huyện Tây Sơn – nơi khởi phát phong trào Tây Sơn lẫy lừng. Từ nhà anh đến quần tháp Dương Long thời Chăm Pa chỉ chừng hơn cây số. Cũng từ nhà anh đến bến Trần của thủ lĩnh Nguyễn Nhạc ngày xưa chỉ một loáng. Từ Tây An tới sân bay Phù Cát cũng chẳng mấy xa. Tôi đồ rằng anh đã sinh ra đời trong tiếng rú gào của phản lực B57, B52 át tiếng mẹ ru. Từ ấu thơ, Thoa đã được rèn luyện trong cái nôi võ thuật tạo nên “võ cổ truyền Việt Nam” độc đáo giữa những nhịp trống trận cũng rất dị biệt, khác lạ để tạo ra tác phẩm âm nhạc thuần bộ gõ mang tên Trống trận Tây Sơn mà Văn Cao từng viết: “Một lưỡi mác – rung trống trận Quang Trung”.
18 tuổi, Thoa nhập ngũ khi chiến tranh đã rình rập biên giới 7 năm ròng. Nhờ sức khỏe cường tráng, anh được tuyển vào quân chủng hải quân rồi ra huấn luyện ở Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Sau khi huấn luyện, anh được biên chế về Lữ đoàn 125 có “Đoàn tàu không số” huyền thoại, cũng là huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Ngày ấy, thiếu chút nữa anh đã thành rể đất Thủy Nguyên cũng nổi tiếng “miền gái đẹp”. Nhưng sự bi tráng đã đưa số phận anh cùng nhiều đồng đội đi theo hướng khác khi họ nhận nhiệm vụ ra Trường Sa xây cất những công sự phòng thủ trên biển vào tháng 3/1988.
Lênh đênh nhiều ngày, rạng sáng 14/3/1988 những con tàu hải quân Việt Nam đã tới khu đảo chìm đảo nổi của Trường Sa trong đó có các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Khi tàu các anh tới nơi thì Gạc Ma còn chìm dưới nước. Tới khoảng 3 giờ sáng đảo mới nổi lên. Vậy là các anh ở trên tàu chờ sáng để bơi xuồng vào đảo bắt tay vào công việc.
Vừa định triển khai thì xuất hiện những con tàu lạ. Lệnh của chỉ huy: “Có địch. Tất cả sẵn sàng chiến đấu, nhưng không nổ súng trước”. Và rồi cuộc chiến đấu không cân sức đã xảy ra như báo chí nhiều năm qua đã viết, đã kể qua nhiều nhân chứng. Riêng Thoa, trong hỗn chiến mà biển Trường Sa nhuốm đầy máu đồng đội, anh phụ trách máy tàu HQ604. Tàu bị bắn cháy, Thoa bị đạn bắn vào đầu, vai và chìm theo tàu, anh chỉ kịp ôm hai tay hai trái bí ngô làm phao bơi nhoài ra biển rộng.
Lại một cuộc lênh đênh, nhưng cuộc trước là lênh đênh trên tàu cùng đồng đội ra Trường Sa, còn cuộc này là lênh đênh cô độc chống chọi cùng sóng to gió lớn. Tuy thế, anh còn quan sát được một con tàu hải quân ta kịp lao lên đảo Cô Lin. Trong mắt anh còn nguyên hình ảnh đồng đội dựng cờ giữa đảo bị đâm bằng lưỡi lê, những đồng đội cuốn cờ kết thành “vòng tròn bất tử” trước khi hy sinh…
Nhờ có sức khỏe và hai trái bí ngô vừa như phao cứu sinh vừa cho anh có thể gặm ăn đỡ đói, Thoa cứ thế trôi dạt không biết ở hải phận nào nữa. Đến khi thấy “tàu lạ” xuất hiện, anh ngỡ sẽ lại chuẩn bị “ra đi” cùng đồng đội. Anh chờ một loạt đạn nổ khi nhắm mắt lại. Đến khi mở mắt ra, anh thấy người trên tàu thả xuống chiếc sào dài. Thấy hai trái bí ngô, tưởng anh ôm thủy lôi, họ ra hiệu thả vật lạ. Rồi vớt anh lên tàu. Sau này Thoa mới biết cùng số phận như anh còn 8 đồng đội khác. Họ đưa 9 người về vùng đất lạ…
Cuộc chiến đấu không cân sức đã xảy ra như báo chí nhiều năm qua đã viết, đã kể qua nhiều nhân chứng. Riêng Thoa, trong hỗn chiến mà biển Trường Sa nhuốm đầy máu đồng đội, anh phụ trách máy tàu HQ604. Tàu bị bắn cháy, Thoa bị đạn bắn vào đầu, vai và chìm theo tàu, anh chỉ kịp ôm hai tay hai trái bí ngô làm phao bơi nhoài ra biển rộng.
Đoàn thủy thủ Gạc Ma về an dưỡng tại Bãi Cháy tháng 11/1991
Nguyễn Thụy Kha (Tiền phong)
Nguồn: Đấu trường dân chủ