Từ sau Hội nghị Trung ương 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra vào giữa tháng 05/2019, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống bắt đầu đăng các bài viết đòi cải tổ chính trị trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, sẽ diễn ra vào đầu năm 2021. Trong xu hướng này, nổi bật nhất là các hoạt động của nhóm”Lập Quyền Dân”, do Nguyễn Khắc Mai đại diện.
Cụ Nguyễn Khắc Mai
Cụ thể, ngày 19/06/2019, Nguyễn Khắc Mai đã viết tuyên bố thành lập nhóm “Lập Quyền Dân”, và đăng trên blog cùng tên. Nhóm này coi vấn đề “lập quyền dân”, tức trao quyền cho người dân, là “món nợ” mà Đảng Cộng sản phải trả người dân, đồng thời là “là chìa khóa vạn năng để mở lối ra cho mọi vấn đề của dân tộc ta trong thời hiện đại”… Trên cơ sở đó, họ đòi “từ bỏ chủ nghĩa Marx – Lenin”, “thừa nhận quyền tư hữu”, “đổi mới chính trị”, “xây dựng những đảng chính trị hiện đại”, xây dựng Hiến pháp mới và bầu Quốc hội mới… Nguyễn Khắc Mai kêu gọi độc giả tham gia nhóm này bằng cách gửi bài viết đến 2 hộp thư [email protected] và[email protected].
Qua tìm hiểu, được biết cụm từ “Lập Quyền Dân” được trích từ một bài hát của nhạc sĩ Văn Cao. Trước đây, hai cựu cán bộ bất mãn là Bùi Minh Quốc và Nguyễn Khắc Mai từng dùng cụm từ này để tuyên truyền trong một số bài viết. Phải đến ngày 04/07/2019 (tức Quốc khánh Mỹ), báo Tiếng Dân mới đăng 2 bài viết của Nguyễn Khắc Mai, và 1 bài viết của Nguyễn Đình Cống về nhóm này. Dù “nhóm Lập Quyền Dân” đồng ký tên vào “Tuyên bố Thủ Thiêm 4”, do CLB Lê Hiếu Đằng và Diễn đàn Xã hội Dân sự soạn ngày 07/07, các trang của Diễn đàn Xã hội Dân sự chưa đăng bài viết nào về “nhóm Lập Quyền Dân”.
Đến nay, blog của “nhóm Lập Quyền Dân” đã đăng 7 bài viết – gồm một bài ông Nguyễn Trung viết năm 2018, một bài ông Vũ Trọng Khải viết ngày 07/06/2019, và một bài ông Lê Hữu Khóa viết ngày 18/07/2019. Nguyễn Khắc Mai cho biết Lê Hữu Khóa (giáo sư Đại học Lille, Pháp) chủ động gửi bài hưởng ứng “nhóm Lập Quyền Dân”, nhưng lại không cho biết các ông Nguyễn Trung, Vũ Trọng Khải có quan hệ với nhóm này hay không. Dù vậy, trong một bài giới thiệu nhóm đăng trên trang Tiếng Dân, ông Mai nói rằng ông đồng ý từ lâu với bài viết của ông Vũ Trọng Khải.
Trong số bài viết vừa nêu, bài của ông Vũ Trọng Khải đáng chú ý nhất, vì nó trình bày cách sửa đổi Hiến pháp Việt Nam.
Cụ thể, ở mảng chính trị, ông Khải đề xuất chuyển Đảng Cộng sản Việt Nam thành “đảng của toàn dân tộc”, và nhân sự Đảng phải tập hợp “giới tinh hoa”. Ông đòi chuyển từ mô hình hiện nay sang mô hình dân chủ lưỡng viện một đảng, vận hành theo pháp quyền, trong đó ba nhánh Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp có sự độc lập tương đối.
Về Lập pháp, ông đòi chuyển Ban Chấp hành Trung ương Đảng thành Thượng viện, Tổng Bí thư thành Chủ tịch Thượng viện. Ông đòi để Đại hội Đảng, thay vì Trung ương Đảng, bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương; và đòi Ủy ban giữ chức năng của Tòa Bảo Hiến. Ông đòi chuyển Quốc hội hiện nay thành Hạ viện; tỉ lệ Hạ nghị sĩ của các vùng trùng với tỉ lệ dân thay vì do “Đảng cử”; và Hạ nghị sĩ ở mọi cấp không được tham gia các nhánh Lập pháp, Tư pháp, đồng thời không nhất thiết là Đảng viên. Mọi nghị sĩ đều bình đẳng với nhau, và không có Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về Hành pháp, ông đòi bỏ chức Chủ tịch nước, để Thủ tướng đứng đầu nhánh Hành pháp và bổ nhiệm Bộ trưởng. Các Bộ trưởng không nhất thiết là Đảng viên Đảng Cộng sản; không được tham gia nhánh Lập pháp, có thể bị hai viện bỏ phiếu bãi miễn; và được xem là cấp trên của cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ông đòi thay Ủy ban Nhân dân các cấp bằng các Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Quận trưởng… do người đứng đầu cấp hành chính cấp trên trực tiếp bổ nhiệm và kỉ luật, bãi miễn, có tham khảo ý kiến của Hội đồng Nhân dân. Bí thư Đảng các cấp giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cùng cấp.
Về Tư pháp, ông đòi trao quyền ký lệnh bắt giam cho các thẩm phán của tòa, trao các trại giam cho ngành Tư pháp quản lý, và thực hiện chế độ thẩm phán suốt đời với cả thẩm phán buộc tội lẫn công tố viên.
Ở mảng kinh tế, ông Khải đòi thành lập 7 Hội đồng Kinh tế Vùng trực thuộc Chính phủ trung ương; với thành viên gồm đại diện các Bộ, Ngành ở cấp trung ương và tỉnh trưởng các tỉnh thuộc vùng. Việc của Hội đồng là trình Chính phủ phê duyệt các sản phẩm chiến lược quốc gia, cùng quy hoạch kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất… của Vùng mà mình đảm nhận. Các sản phẩm, quy hoạch vừa kể do các viện, trường, tổ chức nghề nghiệp… nghiên cứu soạn thảo, Hội đồng chỉ thẩm định, tổ chức đấu thầu để chọn phương án được trình lên. Các tỉnh không quản lý kinh tế, mà chỉ quản lý an ninh, nội chính, môi trường, văn hóa – xã hội.
Ông Khải đòi tập trung vào 3 ngành kinh tế trọng điểm – là “công nghệ thông tin”, “du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo phương pháp Đông – Tây y kết hợp”, và “nông nghiệp công nghệ cao”. Ông đòi công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, để tạo tiền đề phát triển nông nghiệp.
Ngoài vấn đề trên, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đỗ Ngà tuyên truyền rằng bà Ngân “đang đi một chuyến cầu viện nhằm mưu cầu một sự bảo kê của quan thầy dành cho bà vào kỳ Đại hội XIII sắp tới”. Tương tự, Đường Văn Thái và Bùi Thanh Hiếu cũng tung tin đồn về quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng. Cáo buộc của Đỗ Ngà là vô lý, bởi chuyến đi Trung Quốc của bà Ngân nằm trong nghị trình giữa 2 chính phủ, chứ không phải là chuyến thăm cá nhân; và chuyến đi này đã được lên lịch từ trước.
Công bằng mà nói, bài viết của ông Vũ Trọng Khải đã được soạn bởi một, hoặc một số người có trình độ luật học không tồi. Tuy nhiên, qua việc “nhóm Lập Quyền Dân” không được trang Bauxite Việt Nam giới thiệu, cũng không nhận được sự ủng hộ của nhiều người, có thể thấy dư luận phi chính thống không đặt nhiều hy vọng vào họ. Nhiều khả năng họ sẽ không nổ to như dự định, mà chỉ trở thành một trong những “quả pháo xịt” trước Đại hội Đảng lần thứ XIII. Có ít nhất 2 lý do khiến họ thất bại.
Thứ nhất, họ gắn kết với nhau do tình thế, chứ không phải do cùng tư tưởng. Tác giả của bài viết ký tên Vũ Trọng Khải là người duy lý, theo khuynh hướng kỹ trị, và có hiểu biết nhất định về các thể chế chính trị, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Ngược lại, dù Nguyễn Khắc Mai chém gió bừa phứa về cả “minh triết phương Đông” lẫn “nhân quyền”, “dân chủ” của phương Tây, bản tuyên bố mà ông soạn cho thấy ông hiểu biết rất hời hợt và sai lệch về cả hai vấn đề này. Đặt Vũ Trọng Khải vào một tổ chức do Nguyễn Khắc Mai đại diện thì cũng như đem bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu, chẳng mấy mà tự vỡ.
Thứ hai, dù “kịch bản cải tổ” của ông Vũ Trọng Khải được thiết kế rất “khéo”, nó không ăn nhập với nhu cầu chính trị hiện tại của Việt Nam. Giới công chức, cán bộ, Đảng viên không cần kịch bản này, vì họ hiểu rằng trong tình thế hiện nay, phương án tốt nhất cho đất nước là “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”, do Đảng là lực lượng duy nhất có khả năng thiết lập pháp luật ổn vững. Hầu hết giới chống đối cũng không cần kịch bản này, bởi ông Khải đòi sửa Hiến pháp theo lối độc đảng, còn họ thì nợ Việt Tân và Mỹ những lời kêu gọi đa đảng, đa nguyên. Khi cả dàn siêu sao của Diễn đàn Xã hội Dân sự còn bị Đoan Trang dán mác “phò chính thống”, và kêu gọi làng “dân chửi” tẩy chay, thì người như ông Khải không có đất sống trong làng “dân chửi”.
Loa Phường
Nguồn: Tre làng