Thời gian qua, nhiều vụ việc như Khaisilk, Asanzo… được báo chí phản ảnh có hành vi nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác, nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam khiến người tiêu dùng hoang mang, nghi ngờ về những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vốn đã có uy tín trên thị trường. Trong khi khái niệm “Hàng hóa Việt Nam” hay hàng “Made in Vietnam” hiện nay vẫn còn được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau khiến các doanh nghiệp (DN) cũng như người tiêu dùng thực sự khó nhận biết và phân biệt.
Có sản phẩm không xác nhận được xuất xứ
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhãn hiệu “Made in Vietnam” cần phải phân biệt hết sức rạch ròi liên quan đến quy trình gia công sản phẩm tại DN. Một số hành vi phá bỏ để thay đổi như cắt nhãn mác của các nước khác và thay vào đó bằng nhãn mác của DN vào được quy là gian lận thương mại và lừa dối người tiêu dùng và không bao giờ được chấp nhận.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Cụ thể để xem xét 1 sản phẩm được thực hiện gia công lắp ráp tại DN như thế nào để trở thành sản phẩm của Việt Nam, bà Hương cho biết cần phải đi vào mổ xẻ đối với quy trình sản xuất, gia công lắp ráp tại DN đó. DN cần phải công khai dây chuyền công nghệ để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh từ các bộ phận linh kiện nhập khẩu tư nước ngoài về, những bộ phận linh kiện nào DN có thể tự sản xuất được tại Việt Nam.
“Nếu toàn bộ linh kiện nhập khẩu chỉ dùng công nghệ đơn sơ như gá lắp để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh cũng không được chấp nhận, bởi rơi vào quy định về hoạt động gia công đơn giản. Khi quá trình sản xuất vượt qua được quy trình gia công đơn giản bởi có sự tham gia hoạt động của máy móc, trang thiết bị chuyên dụng để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh được coi là có xuất xứ Việt Nam”, bà Hương cho biết.
Đề cập thực trạng một số doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm Trung Quốc nhưng đội lốt hàng Việt Nam, hoặc sản phẩm của DN được làm từ Trung Quốc, khi về Việt Nam họ chỉ gia công chế biến đơn giản rồi ghi nhãn “Made in Vietnam”, luật sư Trần Ngọc Trung, Công ty Luật Baker & Mckenzie cho rằng, khi người tiêu dùng không tin tưởng chất lượng của hàng Trung Quốc thì họ sẽ phản đối nếu DN ghi sản phẩm “Made in Vietnam”, nếu sản phẩm có nguồn gốc từ quốc gia khác thì chưa chắc người tiêu dùng đã phản đối.
“Giả dụ cũng với quy trình sản xuất và hàm lượng nhập khẩu như thế, nhưng DN nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản và ghi là “Made in Vietnam” thì có được coi là lừa dối người tiêu dùng hay không? Đây là câu hỏi mà bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ rất khó có thể tìm ra một câu trả lời tuyệt đối”- luật sư Trung phân tích.
Luật sư Trung cũng cho biết, quy định về xuất xứ hàng hóa thực tế hiện nay ở Việt Nam có cả “rừng” quy định mà không phải bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể hiểu hết được. Đặc biệt, quy định về việc dán nhãn của Việt Nam không phải là không có và đã trao quyền cũng như trách nhiệm xác định xuất xứ cho các nhà sản xuất cũng như các nhà nhập khẩu. Việc tự xác nhận xuất xứ đó phải tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các hiệp định mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, trong nhiều tình huống sẽ có sản phẩm không xác định được xuất xứ, khi sản phẩm đó có nhiều nguyên liệu không xác định được xuất xứ. Bản thân các cơ quan chức năng cũng không đặt vấn đề trách nhiệm cho nhà sản xuất buộc phải xác định được xuất xứ của nguyên liệu đó. Chính vì thế, đánh giá ở góc độ người tiêu dùng hay chung quy về vấn đề xuất xứ thì cuối cùng vẫn là vấn đề chất lượng của sản phẩm hàng hóa.
Xuất xứ hàng hóa gắn liền với chất lượng
Luật sư Trần Ngọc Trung cho rằng, việc ghi nhãn mác sản phẩm và xuất xứ từ đâu có thể nói là muôn hình vạn trạng mang tính tùy biến rất cao, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với 1 sản phẩm nước ngoài dù có được “đội lốt” hàng hóa Việt Nam vẫn mang hàm lượng giá trị tạo ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm đó có đạt được các quy định hay không phải đưa về một hệ quy chiếu bằng quy định cụ thể của pháp luật để áp dụng.
“Chừng nào sản phẩm đáp ứng được một trong các quy định của pháp luật hiện hành thì có nghĩa sản phẩm đáp ứng được quy tắc xuất xứ, còn không là có sự gian lận xuất xứ và có hành vi lừa dối người tiêu dùng. Trong khi vấn đề xác định xuất xứ không hề đơn giản, nếu có một quy định khó tuân thủ thì DN sẽ coi đấy là thủ tục gây cản trở. Còn ở góc độ người tiêu dùng vẫn luôn yêu cầu sản phẩm đảm bảo chất lượng nên xuất xứ hàng hóa nhiều khi không quan trọng bằng vấn đề chất lượng hàng hóa”, luật sư Trung chia sẻ.
Luật sư Trần Ngọc Trung, Công ty Luật Baker & Mckenzie (bên trái)
Chính vì thế theo Luật sư Trung, khi đánh giá vấn đề về nhãn mác sản phẩm, mỗi người cũng cần có cái nhìn khách quan và có sự chia sẻ với các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi nếu có một quy định hết sức chặt chẽ và buộc các DN phải tuân thủ, thì vấn đề xuất xứ hàng hóa gắn liền với chất lượng có thể gây ra phiền hà cho DN.
Để giải quyết các hành vi gian lận thương mại có hiệu quả, theo bà Trần Thị Thu Hương cần phải có sự hợp tác rất chặt chẽ của các Bộ, ngành cũng như các địa phương và DN, trong đó đặc biệt là cơ quan Hải quan là cơ quan đầu tiên khi tiếp nhận các nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài và cũng là cơ quan cuối cùng kiểm tra kiểm soát sản phẩm hoàn thiện xuất khẩu.
Đặc biệt theo bà Hương, cần tăng cường kiểm tra kiểm soát những lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam được khai báo dưới dạng linh kiện, bởi đây rất có thể sẽ là những sản phẩm bán thành phẩm hoặc thành phẩm mà DN nhập khẩu về Việt Nam sau đó xuất khẩu đi./.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):
Hiện nay, vẫn chưa có có quy định rõ ràng về việc như thế nào là “Hàng hóa Việt Nam” và “Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”. Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Dự thảo và dự kiến sẽ ban hành Thông tư về vấn đề này trong thời gian sớm nhất./.
Nguồn: VOV