Trong tuần qua, trên nhiều mạng xã hội rầm rộ đưa những tin như “Tàu Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đối đầu trên Biển Đông”. Riêng trang “Việt Tân” còn đưa những thông tin “động trời” hơn “SOS: Trung Quốc đưa dàn khoan xâm lược thềm lục địa Việt Nam” kèm theo cả thông tin “trứng vịt” về việc tàu Hải cảnh CCG 3911 của Trung Quốc có mớn nước 12.000 tấn, có pháo 76 mm và máy bay trực thăng hạm cũng tham gia vào vụ việc. Và thậm chí, có kẻ đã gắn việc này với sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đi thăm lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam rồi từ đó hô hoán lên rằng Cảnh sát Biển Việt Nam đã được báo động đỏ?! Ngoài ra, có kẻ lại còn lợi dụng việc một cô dâu ở Hải Phòng phải tổ chức đám cưới mà không có chú rể vì chú rể đang… chiến đấu ở Bãi Tư Chính? Trong khi sự thật lại là chú rể này công tác trên bộ ở Trường Sa, đã được nghỉ phép về cưới vợ nhưng vì biển động nên tàu biển bị trễ hẹn. Nghe qua đã thấy quá kinh khủng rồi! Nếu chỉ đọc những thông tin này mà không kiểm chứng và phân tích kỹ lưỡng thì bất kỳ ai cũng có thể cảm thấy “ngọn lửa chiến tranh” sắp bùng phát đến nơi trên Biển Đông.
Nhưng có thật thế không ?
Nghiên cứu toàn bộ lộ trình của thông tin này, không khó để thấy nó xuất phát từ địa chỉ trang mạng Twitte của nickname “Ryan Martinson”, người được cho là giáo sư Trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College) và cũng được cho là chuyên gia theo dõi tình hình Biển Đông. Ngày 11-7-2019, nickname này đăng một dòng tin ngắn trên địa chỉ Twitte của mình: “The survey operations of the Haiyang Dizhi 8 (July 3-11, 2019)” (tạm dịch là “Các hoạt động khảo sát của ‘Hải Dương Địa chất 8’ từ ngày 3 đến 11-7-2019”). Kèm theo là một đồ hình mô tả hải trình của “Haiyang Dizhi 8” và có địa chỉ tọa độ cuối cùng vào ngày 11-7-2019 tại N10 (tức 10 độ vị Bắc) và E112 (tức 112 độ kinh Đông). Tất cả chỉ có vậy.
Những phóng viên ngồi trong phòng máy lạnh của tờ báo “South China Morning Post” (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) xuất bản ngày 11-7-2019 tại Hồng Kông, Trung Quốc đã nhanh tay chộp lấy thông tin này và đăng lên cùng với bức ảnh chụp hải trình mà nickname Ryan Martinson đã đăng nhưng lại cắt xén phần tọa độ được ghi trên góc trên, bên phải ảnh. Thế là sự việc bắt đầu rối tung lên theo cái cách mà người tạo ra thông tin này mong muốn. Thông tin được chia sẻ chóng mặt trên mạng không chỉ bởi các dân mạng mà còn bởi hàng loại trang tin, tờ báo mạng bằng tiếng Việt như đã kể trên.
Vậy, chúng ta hãy bình tĩnh để xem xét toàn bộ sự việc.
Thứ nhất, có khả năng tàu “Haiyang Dizhi 8” đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam hay không?
Khả năng này là có. Bởi lâu nay, tàu Trung Quốc cũng như tàu của các nước khác đều có thể đi qua EEZ của Việt Nam mà không gây hại theo quy định tại các điều 18 và 19 của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982). Và tàu biển của Việt Nam (kể cả tàu chiến) vẫn có thể đi qua EEZ của Trung Quốc và các nước khác theo quy định này. Và nếu chỉ như vậy thì không có gì đáng bàn.
Thứ hai, tàu “Haiyang Dizhi 8” của Trung Quốc có dừng lại để tiến hành cái gọi là “khảo sát địa chấn” như các một số trang mạng và đối tượng đã nói hay không ?
Nếu đồ hình hải trình mà nickname Ryan Martinson đưa ra là đúng thì chúng ta có thể thấy trong suốt 9 ngày hoạt động, tàu Haiyang Dizhi 8 không dừng lại mà liên tục di chuyển. Chỉ có điều là lộ trình của nó dích dắc. Và cũng theo quy tắc đi qua không gây hại, Việt Nam có quyền cử các tàu của mình theo dõi để bảo đảm rằng Haiyang Dizhi 8 không có hành động nào vi phạm quy định về việc “đi qua không gây hại”. Trong trường hợp này, các tàu kiểm ngư KN468 và KN472 của Việt Nam luôn theo sát hành trình của Haiyang Dizhi 8. Phía Trung Quốc chỉ có các tàu Hải cảnh 3402, 3412 và 37111 đi kèm và cũng tuân thủ nguyên tắc đi qua không gây hại. Không hề có cái tàu khủng CCG-3911 như “tin vịt” mô tả.
Trong suốt 9 ngày hoạt động, tàu Haiyang Dizhi 8 không dừng lại mà liên tục di chuyển theo hình dích dắc.
Thứ ba, tàu “Haiyang Dizhi 8” có tiến hành khảo sát địa chấn tại EEZ của Việt Nam không?
Câu trả lời là không! Bởi vì muốn khảo sát địa chấn đáy biển hay đại dương, tàu khảo sát phải dùng các thiết bị khoan nông, phải dừng lại nhiều lần để khoan và lắp đặt các thỏi thuốc nổ kèm theo các dây điểm hỏa. Sau đó kích nổ và dùng radar dobler để thu các sóng phản xạ, qua đó xác định cấu tạo của nền địa chất. Nếu tàu không dừng lại, không tiến hành các mũi khoan thì không thể làm được việc này. Tuy nhiên, các “phóng viên kỳ tài” của các tờ báo, trang tin nêu ở trên đã cố ý dịch sai từ “Dizhi” (có nghĩa là “địa chất”), biến nó thành “địa chấn” (tiếng Trung Quốc phải là “Dizhen”). Rõ ràng là họ đã cố ý thêm dầu vào lửa để làm cho thông tin về sự việc có thêm “màu sắc” nghiêm trọng. Tồi tệ đến thế là cùng!
Thứ tư, hải trình của tàu Haiyang Dizhi 8 có phải là xâm phạm vào Bãi Tư Chính trong EEZ của Việt Nam để từ đó suy diễn rằng đã có một cuộc đối đầu, thậm chí là đụng độ cực lớn giữa các tàu Cảnh sát Biển Việt Nam và các tàu Hải cảnh Trung Quốc tại đây hay không?
Câu trả lời là không! Bởi chính các “phóng viên bàn phím” của tờ “South China Morning Post” (SCMP) đã cố tình làm sai lệch thông tin do nickname “Ryan Martinson” cung cấp. Họ đã cố tình cắt xén thông tin về tọa độ của Haiyang Dizhi 8 mà Ryan Martinson đã ghi trên ảnh của đồ hình đề rồi áp đồ hình đó vào đồ hình vệ tinh không tọa độ (không phải ảnh vệ tinh) của khu vực Bãi Tư Chính.
Tất cả chỉ có như vậy! Đã không hề có và không thể có một cuộc đụng độ dữ dội, một tiếng súng nổ nào về quân sự diễn ra ở khu vực Bãi Tư Chính. Và các chiến sĩ Hải quân trực canh trên hệ thống nhà dàn DK1 đã nhắn về cho bà con ta trên đất liền rằng “Chúng tôi vẫn bình an, không hề có những chuyện gì cả. Anh em vẫn trực canh và làm việc bình thường, ăn ngủ tốt …”
Nhà giàn Tư Chính (DK1/12) vẫn bình yên giữa biển khơi
Lãnh đạo Việt Nam luôn theo dõi rất sát sao tình hình bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, nhất là chủ quyền biển đảo trong tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, phản ánh quan hệ không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà còn giữa Việt Nam với các nước cùng có quyền lợi trực tiếp cũng như gián tiếp ở Biển Đông.
Việc va chạm lợi ích giữa các nước có chung đường biên giới trên bộ và trên biển là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới này chứ không chỉ riêng gì ở Việt Nam. Trong những trường hợp ấy, các chính khách tỉnh táo, các quốc gia có trách nhiệm luôn tìm lối thoát cho các va chạm, mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình. Điều quan trọng là không làm phức tạp thêm tình hình. Trong quan hệ thông thường giữa những người dân với nhau, giữa các gia đình hàng xóm láng giềng với nhau, giữa những tổ chức kinh tế với nhau vẫn còn luôn theo nguyên tắc ấy, huống hồ là trong các vấn đề quốc gia đại sự.
Sáng nay (11/7), Thủ tướng làm việc, nói chuyện trực tiếp với các cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ
Thế nhưng không ít kẻ mang tiếng là người Việt Nam ở cả trong nước và ngoài nước lại không muốn như vậy. Và đương nhiên là những thế lực chống Việt Nam ở nước ngoài cũng không muốn như vậy. Những kẻ đó chỉ mong muốn khoét sâu, mở rộng mâu thuẫn giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc để thừa cơ đục nước béo cò.
Công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dừng lại. Nhưng ngoài việc đối phó với các thế lực bên ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo, người Việt nam còn phải đối phó với những kẻ ngoài mồm thì nói bảo vệ, nhưng thực chất bên trong là phá hoại. Vì vậy, luôn cảnh giác với những kẻ này không bao giờ thừa.
Nguyễn Minh Tâm
Nguồn: Ngọn Cờ