Nói thẳng việc CSGT dừng xe của người phóng nhanh

Nói thẳng việc CSGT dừng xe của người phóng nhanh

Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng ngập hình ảnh vụ việc một Cảnh sát giao thông bị húc văng lên trời trong khi ra hiệu dừng một nam thanh niên điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại huyện An Lão, Hải Phòng. Bên cạnh việc lên án hành vi vô nhân tính của nam thanh niên, bày tỏ xót thương cho chiến sĩ Cảnh sát giao thông; dư luận cũng tồn tại những quan điểm rất “tồi”!

Nói thẳng việc CSGT dừng xe của người phóng nhanhCảnh sát giao thông bị tông trực diện khi ra lệnh dừng xe vi phạm

Cụ thể, một số tờ báo và một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đã khai thác vụ việc theo hướng “chỉ trích ngược”. Thay vì phân tích đúng sai sự việc, họ đặt ra vấn đề rằng “Cảnh sát giao thông có nên dừng xe khi người vi phạm phóng xe như bay”? Đáng lạ, một số người còn cho rằng lỗi một phần cũng thuộc Cảnh sát giao thông. Theo họ, Cảnh sát giao thông cần nhận ra được trường hợp nào phóng nhanh không thể dừng xe để tự bảo vệ bản thân rồi phạt nguội sau; không nên “cố gắng” bắt bằng được…Nói thẳng, trong một vụ việc đau lòng như thế này mà vẫn có những suy nghĩ thiển cận như thế thì quả là kém duyên, bất lịch sự, thiếu suy nghĩ.

Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông là đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, xử lý người vi phạm là một trong những nội dung quan trọng cần phải thực thi để đảm bảo sự an toàn cần thiết cho hành lang giao thông công cộng.

Trong trường hợp một cá nhân điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, không tuân thủ các quy định của pháp luật, thì sẽ đe dọa gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của những người tham gia giao thông khác. Cảnh sát giao thông cần ngay lập tức ngăn chặn những hành vi này để bảo đảm an toàn cho mọi người. Xử phạt nguội có thể hiệu quả, an toàn đấy, nhưng lại không thể ngăn cản những nguy cơ mất an toàn ngay trước mắt.

Đối chiếu với trường hợp xảy ra tại An Lão, Hải Phòng, nếu anh Cảnh sát giao thông không ra hiệu dừng xe, ngăn cản thanh niên đi mô tô phóng nhanh, đi ẩu thì cũng chẳng ai dám khẳng định anh ta sẽ không tông vào những người đi đường khác. Nguy hiểm vẫn còn đó và đe dọa đến tính mạng bất cứ người nào khi trên đường còn những cá nhân vô tổ chức, vô kỷ luật như thế. Vậy, việc ra hiệu dừng xe là nhất thiết phải làm để bảo đảm an toàn chung.

Cùng đó, Cảnh sát giao thông có cần phải phân định xe nào đi nhanh, xe nào đi chậm để ra hiệu dừng xe hay không? Giả sử, nếu xe vi phạm đi chậm thì Cảnh sát giao thông mới dừng xe thì có lẽ sẽ chẳng còn ai đi chậm nữa. Người ta sẽ lấy cái đó để cứ khi vi phạm thì sẽ rồ ga hết cỡ mà trốn. Cách nghĩ này như đang cổ vũ cho người vi phạm trốn thì đúng hơn.

Thực tế, Cảnh sát giao thông đứng trên đường cũng chẳng thể nào đoán được xe nào đi nhanh có thể dừng và xe nào không thể dừng. Họ cũng sẽ chẳng thể đoán được kẻ manh động nào sẽ cố ý rồ ga để phóng thẳng, tấn công nhằm trốn tránh xử lý…

Đừng chỉ trích anh Cảnh sát giao thông “cố dừng xe bằng được” kẻ vi phạm hay chê trách anh ấy không biết lường trước nguy hiểm. Đó là nhiệm vụ, đó là tình huống thực tế mà một Cảnh sát giao thông phải đối mặt hằng ngày. Họ làm như vậy cũng chỉ vì sự an toàn cho chúng ta tham gia giao thông mà thôi. Sự chỉ trích dù nhỏ nhất cũng không thể chấp nhận được.

Mặt khác, hãy nhìn lại hành vi của thanh niên vi phạm đâm thẳng vào anh Cảnh sát giao thông đi. Đây chẳng khác nào hành vi giết người khi lỗi là cố ý, và người thực hiện thì đủ nhận thức để biết mức độ nguy hiểm của hành vi anh ta thực hiện là như thế nào. Hậu quả cũng thật trái ngang, anh Cảnh sát giao thông thì đang trong tình trạng nguy kịch trong khi tên thanh niên kia chỉ bị thương nhẹ.

Giữa một kẻ vi phạm pháp luật, thiếu đạo đức với một người thi hành nhiệm vụ lâm vào cảnh nguy kịch thì đâu mới là mục tiêu để chúng ta lên án đây? Báo chí, truyền thông, đáng lý ra phải tấn công mạnh mẽ vào cái sai, người sai để mang ý nghĩa giáo dục đến cộng đồng mới đúng.

Những năm qua, hành vi chống lại mệnh lệnh của Cảnh sát giao thông ngày càng nhiều, trường hợp Cảnh sát giao thông bị thương, thậm chí là mất tính mạng khi đang thực thi nhiệm vụ cũng không ít. Điều ấy há chẳng phải do cách truyền thông, báo chí đang định hướng hay sao?

Thay vì lên án cái ác, thay vì phê phán trực tiếp vào những kẻ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác, thì truyền thông lại bỏ ngỏ để rồi quay “mũi dùi” sang hướng Cảnh sát giao thông. Họ mặc nhiên cho mình cái quyền phán xét xem Cảnh sát giao thông phải làm gì, được sử dụng những công cụ hỗ trợ nào, làm ở đâu, kế hoạch ra sao…. Để rồi, cái ác vẫn nhen nhóm và có dấu hiệu bùng phát nhiều hơn còn người thi hành công vụ như Cảnh sát giao thông thì dần sợ sệt báo chí, truyền thông mà chùn bước trước những kẻ vi phạm giao thông gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Tùng Lâm

Nguồn: Ngọn Cờ

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *