Trang chủ Tin tức Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm?

Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm?

164
0

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và không đạt mục tiêu đề ra được các vị đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.

Chiều 10/7, Kỳ họp thứ 11- HĐND TP Đà Nẵng bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Những vấn đề nóng về “số phận” 2 nhà máy thép được các đại biểu chất vấn, đề nghị làm rõ hướng xử lý. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm so với cùng kỳ năm ngoái và không đạt mục tiêu đề ra cũng được các vị đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.

Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm?

Kỳ họp thứ 11- HĐND TP Đà Nẵng Khóa IX.

Các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng nhận định, kinh tế thành phố vẫn duy trì ổn định, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 khoảng 1%. Với tốc độ phát triển này thì rất khó đạt được tốc độ tăng trưởng theo Nghị quyết của HĐND thành phố đề ra trong năm nay là 8,86%. Các vị đại biểu HĐND thành phố đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích nguyên nhân vì sao tăng trưởng thấp? Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng: Một số ngành công nghiệp tăng trưởng khá nhờ thuận lợi về thị trường và phát huy năng lực các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng; Khu vực dịch vụ tăng 7,69%, lượng khách lưu trú tăng 19,4%. Theo ông Trần Phước Sơn, 6 tháng đầu năm nay, thành phố Đà Nẵng thu hút hơn 2.300 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 540 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó cấp mới 68 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 363,9 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi cấp phép, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã khởi công, đảm bảo kế hoạch tiến độ đầu tư đề ra.

Tuy nhiên, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp giảm sâu, như dệt giảm 37% do Công ty Vinatex dừng hoạt động phân xưởng dệt vải; chế biến sữa giảm hơn 20% do hàng tồn kho nhiều và doanh nghiệp đang triển khai đầu tư mặt hàng mới; chế biến thủy sản giảm 12% do thiếu nguyên liệu. Từ đó Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đối với ngành công nghiệp 6 tháng chỉ tăng 5,68%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết: “Thực hiện chủ đề ‘Năm tiếp tục đầy mạnh thu hút đầu tư’, Lãnh đạo TP và các sở, ngành thường xuyên nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án… Thành phố cũng đang triển khai kế hoạch thăm và làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển sản xuất; tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc theo Kết luận Thanh tra 2852/KL-TTCP để khơi thông nguồn lực đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Chiều 10/7, các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đã chất vấn 4 Phó Chủ tịch UBND thành phố. Các Phó Chủ tịch UBND thành phố: ông Lê Trung Chinh trả lời về biện pháp quản lý tour “0 đồng”; ông Đặng Việt Dũng trả lời về nguyên nhân một số dự án chậm tiến độ; ông Trần Văn Miên trả lời chất vấn về các biện pháp chống thất thu thuế; ông Hồ Kỳ Minh trả lời chất vấn về giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm hướng giải quyết của chính quyền thành phố sau khi tạm dừng hoạt động đối với 2 nhà máy thép Đa Na – Ý và Đa Na – Úc.

Đại biểu Trần Tuấn Lợi nói: “Tôi đề nghị lãnh đạo thành phố cho biết sẽ giải quyết đối với 2 nhà máy này như thế nào trong thời gian tới. Đối với các kiến nghị của 2 nhà máy về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của 2 nhà máy từ đất sản xuất phi nông nghiệp sang đất ở để lập dự án khu đô thị. Về vấn đề hỗ trợ di dời sản xuất của 2 nhà máy này, các xử lý các vấn đề nêu trên của Lãnh đạo thành phố trong thời gian đến như thế nào?”.

Về nội dung này, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, 2 nhà máy thép hoạt động từ năm 2008 và 2009, việc bố trí 2 nhà máy không phù hợp với quy hoạch; khoảng cách giữa bờ rào nhà máy với khu dân cư quá gần, không đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Vì vậy quá trình sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn; người dân liên tục phản đối yêu cầu di dời nhà máy hoặc di dời dân. Đầu năm 2018, thành phố đã tạm dừng hoạt động đối với 2 nhà máy thép này. Không đồng ý với chủ trương của thành phố, tháng 5/2019,  công ty thép Đa Na – Ý và  công ty Đa Na – Úc đã khởi kiện chính quyền thành phố ra tòa án.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, thành phố đang có chủ trương di dời phân xưởng cán thép vào các khu công nghiệp, làm việc với các ngân hàng, khoanh nợ và tiếp tục tài trợ vốn cho dự án di dời phân xưởng cán thép.

“UBND TP cũng đã giao Quỹ Đầu tư phát triển thành phố nghiên cứu để 2 Công ty này tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố khi thực hiện dự án di dời cán thép. Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu trình HĐND thành phố hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết của HĐND thành phố trong việc di dời dự án này”, ông Minh cho biết./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây