Như thành lệ hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2019), nhiều tổ chức, cá nhân chống đối lại rầm rộ tung ra các bài viết, bài phỏng vấn công kích ngành báo chí chính thống Việt Nam và công kích Ngày Báo chí Cách mạng. Năm nay, có thể điểm qua vài nội dung công kích của giới này như sau:
Để công kích báo chí chính thống, họ nêu ra 2 vấn đề:
Một, là việc báo chí chính thống Việt Nam phải đóng vai trò “cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội”, phải chịu kiểm duyệt chặt và làm chức năng tuyên truyền; thay vì không bị kiểm duyệt, được đứng trung lập như trong hệ thống báo chí Mỹ.
Hai, là việc báo chí chính thống đang có quá nhiều tiêu cực – như chuyện phóng viên tống tiền doanh nghiệp, phóng viên đăng tin nhảm, tin phiến diện để câu tiền quảng cáo…
Những bài quan trọng nhất trong phần này được viết bởi những gương mặt chống đối, bất mãn từng làm việc trong hệ thống báo chí chính thống Việt Nam. Trong nhóm người này, cánh lớn tuổi viết nhiều về các hạn chế của báo chí chính thống trong lĩnh vực chính trị, còn cánh trẻ viết nhiều về các tiêu cực kinh tế.
Cụ thể, trong cánh lớn tuổi, Lê Phú Khải, Tống Văn Công, Hoàng Hưng kể lại nhiều kỷ niệm trong đời làm báo của họ, để thể hiện rằng người làm báo ở Việt Nam phải đối mặt với một hệ thống kiểm duyệt chính trị – văn hóa rất ngặt nghèo, khiến trong nhiều trường hợp không thể viết ra sự thật hoặc “làm báo đúng nghĩa”. Bài viết của các ông này có sức nặng nhất định, vì gắn với người thật việc thật, đồng thời phản ánh nhiều hiện tượng quen thuộc trong thời bao cấp ở Việt Nam.
Trong cánh trẻ, Mai Quốc Ấn và Trương Châu Hữu Danh nhắc đến chuyện phóng viên tống tiền doanh nghiệp, báo chí cấu kết với những nhóm lợi ích chính trị, kinh tế.
Khi xây dựng hình tượng nhà báo mẫu mực, cánh lớn tuổi mô tả những nhà báo đưa tin chất lượng, làm tiếng nói của giới trí thức và văn nghệ sĩ; trong khi cánh trẻ mô tả những nhà báo gần gũi với “nguồn tin nhân dân”, với các “nạn nhân” và “người chịu bất công”.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, như cuốn sách “Bốn học thuyết truyền thông” của Fred Siebert, Theodore Peterson và Wilbur Schramm đã chỉ ra, truyền thông là dây thần kinh của xã hội. Vì vậy, mô hình truyền thông của một quốc gia gắn liền với chế độ chính trị của quốc gia đó. Đòi báo chí chính thống ngừng đóng vai trò “cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội” thì cũng chẳng khác gì đòi thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam. Thay vì đặt ra đòi hỏi không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, vì thế không thể thực hiện được này, những phóng viên tự cho mình là tiến bộ nên tập trung phát triển 2 chức năng còn lại của báo chí được nêu trong Luật Báo chí 2016. Đó là chức năng “phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội”, và chức năng “diễn đàn của nhân dân”.
Thứ hai, việc kiểm duyệt báo chí, để ngăn báo chí đăng tải những nội dung đe dọa an ninh quốc gia, thực ra không phải là điều mới lạ về mặt lịch sử và pháp luật.
Về mặt lịch sử, trước thế kỷ 19, mọi chính phủ đều cấm báo chí đăng tải các thông tin trái với quan điểm, chính sách của mình, và hầu hết các chính phủ còn cấm báo chí công kích các quan chức. Trong suốt 2 cuộc Thế chiến, Tòa án Tối cao của Mỹ giữ quan điểm rằng cần kết án những cuộc thảo luận “có dấu hiệu gây cản trở nỗ lực chiến tranh”, và cần xử phạt những người tham gia. Tiếp đó, trong Chiến tranh Lạnh, Ủy ban Hạ viện Kiểm tra Hành động Chống Hoa Kỳ (HUAC) đã cấm ngành phim ảnh Mỹ làm việc với một “danh sách đen”, gồm 325 nghệ sĩ bị nghi ngờ là “thân Cộng sản”. Như vậy, ngay tại “thiên đường tự do” là nước Mỹ, cán cân giữa an ninh quốc gia và tự do ngôn luận vẫn còn khá bấp bênh.
Về mặt luật, theo Khoản 3 Điều 19 “Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”, quyền tự do ngôn luận có thể bị giới hạn để “Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng”, miễn là các giới hạn này thật sự cần thiết và được luật hóa.
Như vậy, xét luật quốc tế và thực tế lịch sử, Nhà nước Việt Nam có quyền kiểm duyệt báo chí để gỡ bỏ những nội dung đe dọa an ninh quốc gia. Qua các truyện kể của Lê Phú Khải và Hoàng Hưng, có thể thấy rào cản kiểm duyệt ở Việt Nam đã được điều chỉnh nhiều theo thời gian, để dần phù hợp với thực tế của xã hội và luật quốc tế.
Thứ ba, phải thừa nhận rằng báo chí Việt Nam đang có nhiều tệ nạn – như nạn đăng tin giả, tin nhảm để câu khách, nạn tống tiền doanh nghiệp, hay việc phóng viên cấu kết với những nhóm lợi ích chính trị, kinh tế… Những tệ nạn này phổ biến ở mọi nền báo chí hoàn toàn bị chi phối bởi thị trường tự do, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật, các chuẩn mực nghề nghiệp và các hội nghề nghiệp. Một ví dụ là nền báo chí Mỹ trước thập niên 1950 – khi mỗi nhóm lợi ích kinh tế, chính trị thường sở hữu hàng trăm tờ báo; và báo chí đăng nhiều tin giả, tin nhảm, bài quảng cáo để kiếm tiền. Một ví dụ khác là “báo chí lề trái” của Việt Nam – nơi Phạm Chí Dũng, Bùi Thanh Hiếu, Lê Anh Hùng đăng toàn tin đồn nhảm về chuyện nội chính, mà diễn biến sau đó đã chứng minh là sai sự thật; Mai Quốc Ấn luôn nói tốt cho một “người quen” làm Bộ trưởng; và Việt Tân đăng tin “chính quyền Hà Nội đang hấp hối” mỗi tuần một lần.
Đã đến lúc “báo chí lề trái” tập trung giảm độ nhảm của bản thân, thay vì lo cho báo chí chính thống.
Loa Phường
Nguồn: Loa Phường