Trang chủ Luận bàn - Phản biện Về Chuyện Chặn Xe Ở Bãi Rác Nam Sơn (Sóc Sơn –...

Về Chuyện Chặn Xe Ở Bãi Rác Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội)

188
0

Từ nhiều năm nay, hơn 1.000 hộ dân sinh sống quanh Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chịu cảnh ruồi muỗi bám quanh nhà, hứng trọn mùi rác bốc lên hôi thối. Thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét của bãi rác.

Tuy nhiên, mỗi lần gặp những vấn đề vướng mắc kéo dài, bần cùng, người dân phải làm lều lán, ăn trực nằm chờ không cho xe rác vào khu vực này để mong chính quyền lắng nghe, giải quyết vấn đề đang tồn tại.

Theo những người dân ở xã Nam Sơn cho biết, nguyên nhân khiến họ chặn xe rác được đưa ra là do các cơ quan chức năng nói về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho dân nhưng chậm tiến độ, giải quyết đền bù không thỏa đáng về đất di dời. Do vậy, ngay từ chiều 01/7, hàng trăm người dân xã Nam Sơn gồm các thôn Liên Xuân, Xuân Bảng, Xuân Thịnh, Đông Hạ đã ra đường chặn xe rác.

Về Chuyện Chặn Xe Ở Bãi Rác Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội)

Người dân chặn không cho xe vào bãi rác Nam Sơn

Trước tình trạng này, sáng 3/7, tại Nhà văn hóa thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội), chính quyền địa phương và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã có buổi đối thoại với khoảng gần 100 người dân để mong muốn người dân đồng thuận việc đưa rác vào bãi Nam Sơn.

Sau buổi đối thoại diễn ra vào ngày 3/7 giữa chính quyền và người dân 3 xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội về việc di dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng môi trường khu Liên Hợp xử lý rác thải Sóc Sơn, người dân vẫn tiếp tục chặn đường không cho xe rác vào khu xử lý. Thậm chí đến ngày 4/7 (ngày thứ 4), người dân tiếp tục bám trụ tại lối ra vào cửa phía Nam của khu xử lý rác Sóc Sơn. Mặc dù trời mưa to, gió giật mạnh, tuy nhiên rất nhiều hộ dân tại 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ vẫn kiên quyết căng bạt chặn xe rác để đòi quyền lợi chính đáng cho mình.

Tình trạng các xe chở rác không thể đưa vào bãi rác Nam Sơn từ ngày 01/7 đã khiến nhiều quận nội thành bị tồn đọng lượng rác lớn. Nhiều khu vực như khu đất trống bên đường Phạm Văn Bạch (đoạn đối diện Viện Huyết học Truyền máu Trung ương), phố Dương Quảng Hàm, Trần Thái Tông… xuất hiện tình trạng rác thải bị ùn ứ, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân

Tại một khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm, quản lý chung cư đã thông báo: “Tạm ngừng phục vụ thu gom rác tại các tầng kể từ 12 giờ ngày 3/7 cho đến khi có kế hoạch thu gom rác trở lại. Đề nghị cư dân thu gom rác bỏ vào túi ni lon buộc kín, tránh phát tán mùi hôi, thối trong thời gian chưa được thu gom, xử lý và vận chuyển để tại phòng thu gom rác các tòa nhà”.

Thông báo là vậy nhưng biết tạm ngừng là tạm ngừng thế nào? Bao giờ thu gom rác trở lại? Cũng không phải lỗi tại quản lý chung cư vì chính họ cũng lúng túng không biết xử lý ra sao. Đã có đơn vị chuyên thu gom rác hàng ngày, không lẽ lại đứng ra thuê người khác đổ hộ rác. Rác nếu không dọn được, chỉ vài ngày thôi thì mọi chuyện sẽ rất khác. Ô nhiễm môi trường là cái chắc.

Thực tế cho thấy, thời gian qua không chỉ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… mà nhiều đô thị khác cũng bí đất để làm bãi rác. Dân số tăng lên nhanh chóng, mức sinh hoạt cũng tăng lên nên từ đó có nhiều rác hơn. Rồi rác từ xây dựng, rác bệnh viện… ngày càng nhiều loại rác và lượng rác. Nhưng đất chỉ có thể, không thể “nở” ra được nên chỗ để chứa rác cũng vì thế mà khó khăn. Người dân sống gần khu vực bãi rác rất khổ sở vì rác ngày ngày ùn ùn đổ về. Xe chạy rơi vãi rác. Cái mùi rất đặc trưng chỉ có thể gọi là “mùi bãi rác” khiến không khí rất khó tả. Người dân có lý khi lo sợ “sống chung với rác” lâu ngày sẽ sinh bệnh. Do đó, ở một số nơi, người dân đã chặn đường xe rác, nhằm gây áp lực lên chính quyền phải di dời bãi rác đi nơi khác; hoặc là đền bù để dân chuyển đi nơi khác.

Dẫu biết rằng người dân ở Sóc Sơn cũng “bần cùng lắm” mới phải làm như thế. Sung sướng gì cái cảnh ăn trực nằm chờ, đi chặn xe rác rồi đôi co với các công nhân môi trường. Nhưng cực chẳng đã, không còn cách nào khác nên mới có cơ sự này.

Theo tác giả, vấn đề xử lý rác, bãi rác không thể coi là chuyện… để mai tính, mà phải tính ngay, tính lâu dài. Thực ra, không chỉ chỗ xây dựng bãi rác, mà vấn đề rất quan trọng khác còn là việc xử lý rác thế nào chứ không thể để lưu cữu từ tháng này sang tháng khác. Do đó, cần phải có sự hợp tác, chung tay giải quyết từ cả người dân Sóc Sơn và phía chính quyền địa phương.

Trước hết, bà con nơi đây hãy nghĩ đến tình trạng ô nhiễm môi trường, rồi bệnh tật, nguồn nước sinh hoạt và ti tỉ cái hậu quả khác khi rác thải không được vận chuyển, chôn lấp xử lý theo quy định. Hãy vì lợi ích chung của cộng đồng, của người dân Thủ đô mà trong đó bao gồm cả chính lợi ích của những người dân nơi đây để không có những hành động đi quá giới hạn cho phép, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Còn về phía chính quyền, tác giả mong muốn sẽ tiếp tục có những cuộc đối thoại với bà con Sóc Sơn, lắng nghe nhân dân và cùng có tiếng nói chung về vấn đề đền bù thỏa đáng đối với đất di dời ở khu vực bãi rác. Từ đó có những động thái kịp thời, thích hợp để giải quyết nỗi bức xúc của nhân dân, chấm dứt tình trạng “chặn xe rác” và không để trở thành điểm nóng về an ninh trật tự./.

Hoa sữa

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây