Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sẽ luôn được nhớ đến như một trong những nhà ngoại giao xuất sắc nhất ở LHQ suốt những năm 1980…
Có lẽ là một sự tình cờ đầy cơ duyên khi Đại sứ Phạm Ngạc (Nguyên Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế và Đại sứ 5 nước Bắc Âu) cũng có mặt tại New York vào ngày 7/6 vừa rồi. Ông đang sống cùng gia đình con trai mình ở đó. Tôi đã rất may mắn tìm được ông vào đúng những ngày này, khi tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu về cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Đại sứ Phạm Ngạc là một nhân chứng lịch sử vô cùng đặc biệt của ngoại giao Việt Nam tại LHQ. Ông là người đã từng ngồi trong phòng họp Hội Đồng Bảo An LHQ, chứng kiến Mỹ hai lần “veto” phủ quyết đơn xin gia nhập LHQ của Việt Nam những năm 1975 và 1976.
Sau khi Việt Nam cuối cùng cũng vượt qua được những trở ngại để trở thành thành viên của LHQ, ông Phạm Ngạc được bổ nhiệm là trợ lý của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong những cuộc họp Đại Hội đồng LHQ suốt nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông.
Lịch sử đã có sự gieo vần! 30 năm sau, con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trở thành Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; còn con trai của Đại sứ Phạm Ngạc là Phạm Hải Anh – cũng đang là Đại sứ, Phó đại diện thường trực tại LHQ. Cả hai người con đều lựa chọn đi theo con đường ngoại giao và tiếp tục những phần việc dang dở của cha mình. Điều khác biệt là vị thế của Việt Nam lúc này đã thay đổi rất nhiều so với 30 năm về trước…
Trong cuộc trò chuyện với tôi từ New York, ông Phạm Ngạc nói: “Từ năm 1975 đến 1991, năm nào tôi cũng lăn lộn ở LHQ nên có quá nhiều kỉ niệm. Khi đến trụ sở LHQ ngày 7/6 vừa qua, tôi nhớ lại đầy đủ những nơi ông Thạch đứng, ngồi, những nơi ông gặp bạn bè, và cả những nơi ông đứng hàng giờ đấu trí và đấu lý với đối phương…vv..vv…mà những người khác không có cơ hội chứng kiến. Ở New York, tôi gặp lại những bạn bè ngoại giao cũ của mình, người Việt có, người Mỹ có. Chúng tôi nhắc rất nhiều đến ông ấy, nhất là trong những ngày này. Ông ấy là người đã phải đứng đầu sóng ngọn gió trong giai đoạn khó khăn nhất của ngoại giao Việt Nam thời hiện đại”.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của LHQ sau 2 năm liên tục bị Mỹ phủ quyết. Năm 1977 cũng là năm mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter rất thiện chí và tích cực thúc đẩy việc đàm phán bình thường hoá quan hệ với Việt Nam (đây cũng là lý do Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập LHQ sau những lần gây khó khăn, cản trở trước đây). Vào thời điểm này, nhiều người Việt Nam đã nghĩ về một tương lai tươi sáng: hội nhập với thế giới và phát triển kinh tế sau mấy chục năm chiến tranh.
Phái đoàn Việt Nam dự kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ ngày 20.9.1977. Ảnh: TTXVN
Nhưng những kỳ vọng và phấn khích ấy không kéo dài được lâu. Năm 1978, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn thách thức: quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày càng xấu đi. Quân Khmer Đỏ – với sự hậu thuẫn của Trung Quốc liên tục gây rối ở biên giới phía Tây Nam. Đỉnh điểm là vào năm 1979, Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Ông Nguyễn Cơ Thạch là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam giữa vòng xoáy của thế cuộc lịch sử đó!
John Mcauliff – Giám đốc Quỹ Hoà giải và phát triển Mỹ từng kể rằng: Vào năm 1978, ông gặp ông Nguyễn Cơ Thạch khi đến New York để tiến hành vòng đàm phán “cuối cùng” với Dick Holbrooke (Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về khu vực Châu Á) về bình thường hoá quan hệ với hai nước. Dù Việt Nam đã sẵn sàng và tha thiết với việc bình thường hoá quan hệ, nhưng ông Nguyễn Cơ Thạch ở lại New York vài tuần để rồi nhận được câu trả lời: Mỹ chưa sẵn sàng cho việc bình thường hoá.
Sự thực là khi đó, đã có một cái bắt tay xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Trung Quốc. Và việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trong thời điểm quan hệ Việt – Trung đang rất căng thẳng có thể sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của Washington Bắc Kinh.
Trong cuốn sách “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”, John Mcauliff viết: “Với Nguyễn Cơ Thạch, chuyến đi New York năm 1978 là chuyến đi thất bại (và có lẽ là cả thất vọng). Vì nếu như có thể bình thường hoá quan hệ với Mỹ, thì cuộc chiến tranh với Trung Quốc và việc bị bao vây, cô lập, cấm vận trong suốt hơn 10 năm sau đó, kéo theo vô vàn những hậu quả về kinh tế, là điều mà Việt Nam có thể đã tránh được”.
Năm 1979, Nguyễn Cơ Thạch trở thành Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng). Năm 1980, ông chính thức là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam dự Đại hội đồng LHQ (từ 1979 cho đến 1990 – khi ông chính thức nghỉ hưu). Ông bước vào nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình – phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại.
Đại sứ Phạm Ngạc vẫn nhớ, khi đó, với sự bắt tay của Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đã bị đối xử bất công tại LHQ. Mỹ – Trung cùng vận động các nước thông qua nghị quyết chống Việt Nam trong suốt 10 năm để phản đối việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, dù là để tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot. Nhưng cùng thời điểm đó, thì ở Châu Phi, Tanzania cũng đưa quân vào Uganda để lật đổ chế độ độc tài Amin Ada, Ấn Độ đưa quân vào Đông Pakistan và nước Bangladesh ra đời. Cả hai trường hợp này đều được LHQ hoan nghênh. Với ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, nhiều nước vốn có cảm tình với Việt Nam như các nước Châu Phi cũng bị lôi kéo lên án Việt Nam. Còn ở Đông Nam Á, một số nước tỏ thái độ chống Việt Nam gay gắt.
Đó là lý do vì sao mà những năm 1980, mỗi cuộc họp hàng năm tại Đại hội đồng LHQ thực sự là một cuộc chiến, một cuộc đấu trí của các thành viên phái đoàn Việt Nam khi “vấn đề về Campuchia” được đưa ra bàn ở Đại hội đồng.
“Có lần, đoàn Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết vu cáo Việt Nam sử dụng vũ khí hoá học ở Campuchia. Ông Nguyễn Cơ Thạch lập tức yêu cầu tôi đưa dự thảo bổ sung như sau: “nước sử dụng vũ khí hoá học phải bồi thường cho nạn nhân”. Dự thảo này của Việt Nam được đoàn Thuỵ Điển ủng hộ đầu tiên, rồi kéo theo các đoàn khác cũng ủng hộ. Cuối cùng, Mỹ phải cử người sang gặp tôi để hai bên cùng rút dự thảo” – ông Phạm Ngạc hồi tưởng.
Bà Phan Thị Phúc – phu nhân của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch – người thường xuyên theo ông trong những chuyến công du nước ngoài cũng từng thừa nhận, đã không ít lần trong những chuyến công du, bà chứng kiến lãnh đạo các nước khác chỉ trích chồng mình không một chút kiêng nể, rằng “Việt Nam xâm lược Campuchia”. Thậm chí có những lần họ còn không đón tiếp.
Nhưng bất kể lập trường quốc gia có thế nào đối với Việt Nam, ở phương diện cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn dành được nhiều thiện cảm của các nhà ngoại giao quốc tế.
Dù thời đó, quan hệ Thái Lan – Việt Nam rất căng thẳng, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan yêu quý Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến mức đã đề nghị ông kết nghĩa anh em.
Có lần, giữa giờ giải lao của các phiên họp, nữ đại sứ Seychelles – người được mệnh danh là hoa khôi của LHQ đã đưa ra lời nhận xét như sau về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: ” Ông Thạch đang thể hiện mình là nhà ngoại giao xuất sắc nhất LHQ thời điểm này”.
Ở New York, Nguyễn Cơ Thạch đã tranh thủ tất cả các cơ hội, kể cả chính thức và không chính thức để thay đổi nhận thức sai lầm của quốc tế về Việt Nam.
Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post ngày 8/11/1980, nữ nhà báo Elizabeth Becker đã miêu tả về những ngày ông Nguyễn Cơ Thạch ở New York như sau: “Nguyễn Cơ Thạch sử dụng chuyến đi của mình đến New York như cách mà một tác giả đang bán cuốn sách ăn khách mới xuất bản của mình. Ngoài những cuộc trao đổi chính thức với các quan chức nước ngoài, ông thường đi ra khỏi bức tường xám của Trụ sở LHQ và thực hiện rất nhiều cuộc tiếp xúc không chính thống theo một cách rất “Mỹ”. Ông trả lời phỏng vấn trên chương trình ‘Today’ vào buổi sáng. Ông ăn tối với các thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại – một nhóm những người được chọn lựa từ giới tinh hoa Bờ Đông (nước Mỹ). Đôi khi vào buổi tối, người ta thấy ông ngồi nói chuyện vui vẻ với một TNS Mỹ tại sảnh khách sạn Plaza. Ngày khác, ông lại xuất hiện ở lễ tiếp đón của nhóm Tín hữu Quakers.
Nguyễn Cơ Thạch toả sáng ở tất cả mọi nơi mà ông xuất hiện. Nên không có gì khó hiểu khi nhiều người Mỹ tò mò muốn gặp và bắt tay với một “kẻ thù cũ” đầy sức hấp dẫn như ông”.
Nữ ký giả của tờ Washington Post là người dành nhiều thiện cảm cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bà thường quan sát rất kỹ ông ở LHQ. Trong con mắt của bà, Nguyễn Cơ Thạch là người “Thông minh và khí phách như Chu Ân Lai, mộc mạc như Mahatma Gandhi. Bậc thầy về những cử chỉ bao quát lẫn sự khôn ngoan, tinh tế trong từng tiểu tiết.“
“Tôi chưa từng được gặp huyền thoại Nguyễn Cơ Thạch, nhưng tôi mong tôi có cơ hội đó” – một quan chức ngoại giao cấp cao – người có trách nhiệm lớn trong việc quyết định những chính sách ảnh hưởng tới bán đảo Đông Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải thốt lên với tờ Washington Post: “Ông ấy có tất cả những phẩm chất khiến các nhà ngoại giao cùng thời ngưỡng mộ: Thông minh, tế nhị, dí dỏm và vô cùng khéo léo”.
Một điều thú vị là ông Nguyễn Cơ Thạch vốn không được đào tạo để trở thành nhà ngoại giao. Năm 1956, khi lần đầu tiên được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Ấn Độ, Nguyễn Cơ Thạch vẫn là “kẻ ngoại đạo”. Trước đó, Nguyễn Cơ Thạch là trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao. Chuyến đi Ấn Độ là chuyến đi đầu tiên ông buộc phải trở thành một nhà ngoại giao thực sự. Trước chuyến đi sứ, ông đến gặp Bác Hồ và hỏi:
– Thưa Bác, tôi không có kiến thức về ngoại giao. Đến việc cầm dao dĩa tôi còn không biết. Tôi phải làm gì?
Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ chia sẻ với Nguyễn Cơ Thạch một câu đơn giản:
– Chú thấy người ta làm gì thì mình học theo.
Và bài học ngoại giao đầu tiên của Nguyễn Cơ Thạch là ở Ấn Độ – trong một bữa tiệc chiêu đãi của ĐSQ Pháp, khi ông buộc phải từ chối món ăn đầu tiên trong bữa tiệc, quan sát người khác để học cách cầm dao dĩa cho đúng kiểu. Sau này Nguyễn Cơ Thạch vẫn hay bông đùa với báo giới: “Tiếng Anh của tôi đầy mùi của món cà ri Ấn Độ”.
Nhưng nhà ngoại giao với xuất phát điểm “không biết cả việc dùng dao dĩa” đã rất nỗ lực để thay đổi chính mình.
Khi đi sứ Ấn Độ vào năm 1956, Nguyễn Cơ Thạch chưa thể nói một từ Tiếng Anh nào. Mọi giao tiếp của ông đều phải thông qua phiên dịch. Nhưng vài năm sau, ông đã nói thông viết thạo Tiếng Anh và Tiếng Pháp… Và cho đến năm 1973, Nguyễn Cơ Thạch đã nổi tiếng trong giới ngoại giao quốc tế, khi ông thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong vai trò người thương thuyết của ông Lê Đức Thọ suốt các vòng đàm phán ở Hiệp định Paris. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng nói rằng, ở Paris, Nguyễn Cơ Thạch chính là người khiến ông e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam, vì kĩ năng đàm phán xuất sắc.
Với báo chí quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng bẻ lại họ trước những câu hỏi hóc búa. Ông là một trong số rất ít chính khách Việt Nam thời kỳ đó có thể “đấu tay đôi” với phóng viên nước ngoài mà không cần thông qua phiên dịch. Suốt 12 năm làm Trưởng đoàn ở LHQ, Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao được các phóng viên vô cùng “ưa thích”. Họ dành cho ông biệt danh “con cáo hai đầu” – như một lời khen cho sự khôn ngoan, bản lĩnh và thẳng thắn của ông trước báo chí.
Một dịp, khi trả lời câu hỏi của báo chí Mỹ về thời điểm Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia, Nguyễn Cơ Thạch đã nói với một nhà báo: “Tôi có thể nói với bà điều này: Người Việt Nam sẽ rút khỏi Campuchia rất lâu trước khi người Mỹ rút khỏi Châu Âu”.
Dịp khác, vào năm 1989, thành phố New York rơi vào tình trạng rất thiếu nhà cho thuê, do Luật Kiểm soát giá nhà cho thuê. Nhiều người dân New York có hơn một cái nhà đã phải lựa chọn bỏ nhà vì không đủ tiền đóng thuế. Ông Nguyễn Cơ Thạch đã bình luận về tình trạng phi thị trường này, điều mà ông cho là New York đang mắc phải và Việt Nam cũng mắc phải (trước đổi mới). Tờ New York Times đã đăng tải ý kiến này của ông.
Sau này, Luật Kiểm soát giá nhà ở New York đã bị huỷ, các khu vực có nhà bị bỏ hoang đã được xây dựng lại. Chỉ cách đây vài tháng, vào tháng 2/2019, tờ Daily Signal khi nói về câu chuyện chính sách nhà đất ở Mỹ đã nhắc lại sự kiện này và trích đăng lời phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch 30 năm trước.
Không chỉ gây thiện cảm bằng những phát ngôn ấn tượng, Nguyễn Cơ Thạch còn chinh phục báo chí quốc tế bằng chính những hành động thực tế của ông.
Mùa thu năm 1979, một đoàn TNS và báo chí Mỹ đến Bangkok và muốn sang Phnompenh để thực hiện chuyến cứu trợ đầu tiên cho người dân Campuchia. Nhưng thời điểm đó, Bangkok và Phnompenh chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Hoa Kỳ lạị càng không. Dù mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ khi ấy không mấy tốt đẹp (nếu không muốn nói là vô cùng xấu), thì cuối cùng các TNS và báo chí Mỹ vẫn nhận định rằng: Cách duy nhất họ có thể đến Campuchia là nhờ ông Nguyễn Cơ Thạch giúp đỡ.
Chỉ vài giờ sau đó, chuyến thăm Campuchia được phê duyệt. Hai ngày sau, chuyến bay viện trợ lương thực đầu tiên vào Phnompenh. Nguyễn Cơ Thạch đã dùng uy tín của mình để giúp các đoàn viện trợ quốc tế vào Campuchia như thế!
Với những ấn tượng đặc biệt mà Nguyễn Cơ Thạch đã để lại, không có gì khó hiểu khi ông qua đời ở tuổi 75 vào ngày 10/04/1998, cả New York Times và Washington Post – những tờ báo hàng đầu của Mỹ đều đưa tin. Washington Post đã dành cho ông những lời ca ngợi: “Nguyễn Cơ Thạch là vị Bộ trưởng Ngoại giao xuất sắc nhất mà Hà Nội có thể có được trong giai đoạn phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế”.
Trong quá trình đi tìm hiểu về nhiệm kỳ Bộ trưởng của Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tôi cũng có may mắn trò chuyện với Học giả Vũ Quang Việt – một nhà kinh tế người Mỹ gốc Việt. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ, cũng là người có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam. Dưới thời Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Quang Việt được mời làm cố vấn về kinh tế cho cả chính phủ Việt Nam lẫn cá nhân ông Thạch.
Nhà kinh tế Vũ Quang Việt chia sẻ, điều mà ông ấn tượng nhất ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chính là tinh thần ham tìm hiểu: “Ông Thạch là lãnh đạo duy nhất mà mỗi lần đi họp Đại Hội đồng LHQ thì đều muốn gặp các chuyên gia và giáo sư người Mỹ để hiểu về các vấn đề từ năng lượng đến sản xuất thép cao cấp lò nhỏ, và nhất là các vấn đề phát triển kinh tế Mỹ và thế giới.
Nhiều người Mỹ, kể cả tôi đứng ra giúp ông tổ chức các cuộc gặp như thế. Tôi còn đưa cả GS đạt giải Nobel kinh tế Leontief đến gặp và nói chuyện với ông. Leontief là người được giải Nobel về kinh tế với công trình nhìn toàn bộ hoạt động sản xuất trong nền kinh tế như một bài toán đa ngành hỗ tương. Ông là người Nga và từng làm ở Uỷ ban Kế hoạch ở Liên Xô trước khi bỏ nước Nga đi sang Mỹ. Leontief tin tưởng rằng chỉ có thị trường mới giải quyết được các vấn đề. Và câu chuyện về thị trường là câu chuyện được trao đổi nhiều nhất giữa ba chúng tôi. Tôi kể ra điều này thì nhiều người sẽ nghĩ ông Thạch bị chúng tôi ảnh hưởng. Nhưng thực ra chính vì ông Thạch là người đọc nhiều (cả sách Tiếng Anh, tiếng Pháp) và luôn sẵn sàng trao đổi với các chuyên gia nên giữa chúng tôi có sự đồng cảm. Có nhiều vấn đề mà tôi không nắm kỹ, nhưng để trả lời những câu hỏi của ông Thạch, tôi buộc phải tìm hiểu.
Hàng tuần, ông Thạch đều yêu cầu tôi tổ chức các buổi nói chuyện bằng Tiếng Việt về kinh tế thế giới, về phương pháp quản lý của Mỹ – Nhật cho các thành viên phái đoàn. Chúng thành ra các buổi học, có bài soạn đàng hoàng. Các chuyên gia Việt Kiều cũng tham gia vào những buổi nói chuyện đó”.
Tỷ phú Mỹ Ross Perot (người từng tranh cử TT Mỹ năm 1992 và 1996) cũng là một trong số những người Mỹ dành cho ông Nguyễn Cơ Thạch rất nhiều tình cảm. Mỗi lần ông Nguyễn Cơ Thạch sang New York, ông đều trở thành thượng khách của Ross Perot. Họ thích ngồi cùng nhau, đàm đạo về những vấn đề kinh tế và chính trị. Và lần nào về, quà tặng của vị tỷ phú dành cho ông cũng là cơ man những sách kinh tế quý giá để ông mang về nước nghiên cứu.
Một trong những mối quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngoài ngoại giao chính là nền kinh tế Việt Nam. Ông luôn được biết đến như một chính trị gia Việt Nam ủng hộ tư duy kinh tế thị trường, nên sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới năm 1986, mỗi lần nói đến sự thay đổi của kinh tế Việt Nam với bạn bè quốc tế, khuôn mặt ông đều rất rạng rỡ.
Là người dí dỏm và hài hước, nên năm 1988, trong một lần làm việc ở Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ, ông bỗng nói:
-Tuy hết chiến tranh rồi, nhưng chúng tôi muốn nhập ít thuốc nổ.
Khi những người Mỹ có mặt ở đó chưa kịp hết ngạc nhiên trước câu nói của ông (vì ai cũng biết Mỹ vẫn chưa cho phép bán vũ khí cho Việt Nam thời điểm đó), thì Nguyễn Cơ Thạch tiếp lời:
-Chúng tôi muốn đặt thuốc nổ phá hết nhà máy in tiền của Việt Nam.
Thế là tất cả đều ồ lên cười. Đó là thời điểm Việt Nam đang lạm phát rất cao. Và khi tìm hiểu kinh tế, Nguyễn Cơ Thạch biết rằng một trong các biện pháp kiểm soát lạm phát của người Mỹ là không được in tiền.
Trong bài phát biểu trước Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ năm 1989, khi nói về sự thay đổi của Việt Nam mà thành tựu lớn nhất là giảm lạm phát từ gần 1000% xuống còn 40%, ông đã nói: “Nay chúng tôi có thể tự do trao đổi buôn bán. Trước đó có lẽ chúng tôi chỉ sử dụng hình thức hàng đổi hàng như thời Trung Cổ”.
Năm 1996, khi đã về hưu, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã viết cuốn sách “Thế giới trong 50 năm qua và Thế giới trong 25 năm tới”. Đó là kết quả của việc không ngừng nghiên cứu, học hỏi và những cuộc trò chuyện với các nhà kinh tế Mỹ. Cuốn sách đó, ông Nguyễn Cơ Thạch nhận định: “Động lực chính để phát triển văn minh nhân loại là các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ”. Nhưng theo nhà kinh tế Vũ Quang Việt, thì ông hiểu rằng thông điệp của cuốn sách còn sâu xa hơn thế!
Nguyễn Cơ Thạch có những tình bạn đặc biệt trong cuộc đời làm ngoại giao của mình. Có những người bạn của ông từng là những cựu thù của Việt Nam. Nhưng chẳng có điều gì ngăn cản họ gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Bởi cách hành xử phóng khoáng, cởi mở vừa lịch thiệp, vừa tình cảm của Nguyễn Cơ Thạch đã giúp ông chinh phục họ tuyệt đối!
Vào năm 1978, khi sang New York trong chuyến đàm phán “cuối cùng”, Nguyễn Cơ Thạch đã không đem về Việt Nam tin vui bình thường hoá với Mỹ. Nhưng các thành viên của phái đoàn Việt Nam tại LHQ thì nhớ mãi một câu chuyện: Khi ấy ở trong nước, tâm lý nghi ngại và bài Mỹ vẫn tồn tại trong đầu rất nhiều người. Nhưng mùa hè năm đó ở New York, ông đã đến chủ động đến thăm nhà rất nhiều người bạn Mỹ của Việt Nam. Với các thành viên của phái đoàn Việt Nam sống tại New York mà nói, hành động của Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã “cởi trói” cho họ về tư duy, giúp họ gạt đi những dè dặt, e ngại trong việc tiếp xúc với người Mỹ.
John Mcauliff (Giám đốc Quỹ Hoà giải và phát triển Mỹ ) bắt đầu đưa các giáo sư Mỹ tới Việt Nam từ năm 1985, dưới sự bảo trợ của tổ chức mà ông đứng đầu, với mục đích mở cánh cửa bình thường hoá thông qua việc cho phép các học giả Mỹ tự mình xem xét tình hình thực tế tại Việt Nam.
John Mcauliff vẫn kể đi kể lại một câu chuyện về ông Thạch: Trước khi tổ chức đám cưới ở Mỹ, John và vợ ông đã tổ chức lễ đính hôn ở Hà Nội vào thời điểm mà sự nghi ngại trong quan hệ Việt – Mỹ còn rất nặng nề. Lễ đính hôn của họ do Đại sứ Tây Đức đứng ra tổ chức. Trong bầu không khí ấy, John Mcauliff hoàn toàn không dám chắc trong số những người bạn Việt Nam của mình, ai có thể đến dự lễ đính hôn của ông.
Nhưng trái với lo lắng của John, trong lễ đính hôn của ông, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đến cùng phu nhân của mình. Bầu không khí của bữa tiệc đính hôn trở nên thoải mái hơn rất nhiều, khi những người Việt Nam khác tham dự bữa tiệc đó hoàn toàn yên tâm bởi không chỉ họ, mà một Uỷ viên BCT – ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng tham dự bữa tiệc này.
Còn nhà kinh tế Vũ Quang Việt cũng thừa nhận rằng, việc ông nghiên cứu và trở thành cố vấn kinh tế cho Chính phủ Việt Nam, xuất phát từ tình cảm yêu mến và sự nể phục mà ông dành cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Vũ Quang Việt rời Việt Nam đi du học năm 1968 từ Miền Nam. Mãi đến năm 1982, ông mới trở lại VN lần đầu sau chiến tranh. Khi trở về Mỹ, ông có viết một bài đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, và cho rằng nghèo đói, không ai muốn sản xuất, tài chính quốc gia kiệt quệ, lạm phát cao là kết quả đương nhiên của chính sách kế hoạch hóa phi thị trường. Vì bài viết đó mà trở về Việt Nam của ông sau này gặp khó khăn. Tuy vậy, Vũ Quang Việt vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với ông Nguyễn Cơ Thạch, giúp ông Thạch tổ chức các buổi nói chuyện với các chuyên gia kinh tế mỗi khi ông sang New York. Năm 1984, với sự can thiệp của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhà kinh tế Vũ Quang Việt mới có cơ hội trở lại Việt Nam lần thứ hai.
Vũ Quang Việt kể: “Khi về nước, ông Thạch giới thiệu tôi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi ông Đỗ Mười khi ông lên làm Thủ tướng. Ông cũng giới thiệu tôi gặp các nơi chuyên trách về kinh tế như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lúc ông Võ Văn Kiệt làm chủ nhiệm, Ủy ban Vật Giá, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước.
Ông tạo cho tôi nhiều cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về Việt Nam. Còn tôi vốn thích thú nghiên cứu nên coi đây là cơ hội vàng để nâng cao hiểu biết của mình. Tôi không giấu giếm điều này đã là động cơ mạnh hơn tinh thần yêu nước, thúc đẩy tôi làm việc không công, bởi lúc đó bản thân tôi nghĩ đất nước không phải là của những người như tôi. Năm 1990, Nguyễn Cơ Thạch đề nghị cấp Hộ chiếu Việt Nam cho tôi. Như vậy đã có một lãnh đạo coi tôi là người Việt Nam. Từ đó, tôi có thể nói tôi là người Việt Nam một nửa, vì vẫn còn phải xin thị thực vào Việt Nam. Từ năm 2000, thì tôi đã vào Việt Nam mà không cần thị thực…”
Bà Virginia B.Foote – Chủ tịch, đồng thời là người đồng sáng lập Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt Nam thì giữ mãi ấn tượng về tình bạn giữa Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ Mỹ Bill Sullivan.
Năm 1973 ở Hiệp định Paris , Bill Sullivan là nhà thương thuyết của Ngoại trưởng Kissingger, Nguyễn Cơ Thạch là nhà thương thuyết của ông Lê Đức Thọ.
Thông minh, tài giỏi, dí dỏm và đều có sức lôi cuốn, nên dù là đối thủ của nhau, Nguyễn Cơ Thạch và Bill Sullivan vẫn trở thành bạn bè. Vào năm 1989, khi Việt Nam tuyên bố rút quân vô điều kiện khỏi Campuchia, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã mời Sullivan đến thăm Việt Nam, cùng ông làm cầu nối cho tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Ý tưởng thành lập Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ cũng hình thành trong chuyến đi này.
Chỉ vài tháng sau chuyến thăm của Bill Sullivan đến Việt Nam, vào tháng 8-1989, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu có cuộc đối thoại chính thức đầu tiên tại New York về vấn đề Campuchia. Đó là những tín hiệu tươi sáng đầu tiên của tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.
Khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch qua đời, Đại sứ Bill Sullivan viết thư cho bà Phan Thị Phúc – phu nhân của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: “Chúng tôi thực sự đã là những người bạn của nhau. Dựa trên tình bạn này, chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực để hàn gắn hố ngăn cách và đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa hai đất nước. Chúng tôi đã phấn đấu thành công cho mục tiêu này cho đến khi ông ấy mất. Tôi sẽ luôn coi kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là tượng đài cho những công việc mà ông Thạch đã làm “.
Vào dịp Tết 2019 vừa rồi, John Mcauliff, Virginia B. Foote, Vũ Quang Việt và Đại sứ Phạm Ngạc đã hẹn nhau ở New York trong một bữa tiệc năm mới của người Việt đã cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Mà lẽ dĩ nhiên không thể thiếu những câu chuyện về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Cho đến giờ, vẫn có những ý kiến cho rằng Nguyễn Cơ Thạch là người rất cứng rắn trong vấn đề Trung Quốc.
Nhưng là người đi theo Nguyễn Cơ Thạch trong tất cả các chuyến đi kéo dài đến New York hàng năm để họp Đại hội đồng LHQ, ông Phạm Ngạc đã nhiều lần chứng kiến bản lĩnh và những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của ông Nguyễn Cơ Thạch trong thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong một cuộc họp báo năm 1984. Ảnh: Paul Wright/Fairfax Media | Getty
Ông Phạm Ngạc kể: “Sau khi Trung Quốc gây chiến ở biên giới phía Bắc và thúc ép các nước chống lại Việt Nam tại diễn đàn LHQ, dư luận trong nước rất bất bình. Thậm chí, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ còn tẩy chay không dự chiêu đãi Quốc khánh Trung Quốc. Tuy nhiên, hôm mà giấy mời từ phía Trung Quốc gửi sang, tôi vẫn đọc to cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nghe:
– Thưa Bộ trưởng, Trung Quốc mời Trưởng đoàn ta dự chiêu đãi Quốc khánh.
Lúc ấy, ông Thạch đang đọc tài liệu, ngẩng đầu lên nói:
– Tối nay ta đi dự. mình bắt tay với Ngoại trưởng Trung Quốc và nói mong muốn bình thường hoá quan hệ hai nước. Cậu cố dịch đầy đủ bằng tiếng Trung Quốc nhé”.
Bữa tiệc Quốc khánh Trung Quốc tối đó, việc Ngoại trưởng Việt Nam đến bắt tay với Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham gây sự chú ý đặc biệt cho các nhà ngoại giao quốc tế. Ở đó, ông vẫn gặp và chào hỏi những người bạn Trung Quốc mà ông biết trước đây bằng cái ôm đầy thân tình. Sau này, ông Thạch còn những cuộc tiếp xúc khác với các nhà ngoại giao Trung Quốc ở New York, với hy vọng thay đổi tình trạng quan hệ hai nước, nhưng không phải lúc nào, những nỗ lực của ông ấy cũng được các nhà ngoại giao nước bạn hưởng ứng.
Trong đám tang của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vào năm 1998, Lý Gia Trung (Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam ) đã lặng lẽ đến viếng với tư cách cá nhân – như một người bạn cũ đến viếng một người bạn cũ. Lý Gia Trung đã nói với bạn bè ngoại giao của mình trong đám tang ấy: “Không! Dù ai nói thế nào, tôi không bao giờ cho rằng Nguyễn Cơ Thạch là người chống Trung Quốc”.
Dù thế nào, chắc chắn không ai có thể nghi ngờ việc Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một nhà ngoại giao kiên quyết theo đuổi quan điểm mọi cuộc đàm phán đều phải đảm bảo những lợi ích của quốc gia – dân tộc.
Vào cuối năm 1990, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ James Baker III (cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai chính phủ Việt Nam – Hoa Kỳ từ sau Hiệp định Paris 1973) để tái khởi động lại cuộc đàm phán bình thường hoá dang dở 14 năm trước, James Baker đã mời ông Nguyễn Cơ Thạch đến thăm Washington DC với điều kiện: “Ông đừng gây khó cho Chính phủ Mỹ”. Và ông Nguyễn Cơ Thạch lập tức đáp lại: “Nếu Chính phủ Mỹ cảm thấy khó khăn, tôi sẽ không đến DC nữa”. James xuống nước và chuyến đi đó vẫn diễn ra sau đó.
Nhưng Nguyễn Cơ Thạch đã nhân chuyện đó nói với người đồng cấp về quan điểm đối ngoại của ông: “Không giống như các đường phố của New York, các Hiệp định quốc tế bao giờ cũng có hai chiều. Quan hệ quốc tế không giống như hoạt động của các cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi cũng có thể chờ đợi thêm để có các quan hệ thương mại và ngoại giao nếu cần thiết”.
Với Trung Quốc cũng tương tự! Ở bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hiểu rằng, việc có một mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng là điều Việt Nam nên làm và cần phải làm. Nhưng ông cũng cho rằng, để có thể đạt được mục đích đó, người ta có thể đi theo những con đường khác nhau.
Đó là lý do suốt những năm làm Bộ trưởng, Nguyễn Cơ Thạch theo đuổi đường lối ngoại giao đa phương. Ông lý giải rằng, vào thời điểm mối quan hệ Việt – Trung bế tắc, cái mà Việt Nam có thể làm là thúc đẩy mối quan hệ với các nước trên thế giới, cải thiện vị trí và tầm ảnh hưởng của Việt Nam, rồi dùng chính tầm ảnh hưởng có được đó để đem lại lợi thế và sức mạnh cho Việt Nam trong việc đàm phán bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.
Một trong những điều mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nỗ lực nhất chính là việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ. Khi Việt Nam bình thường hoá với Mỹ, tự khắc Trung Quốc sẽ phải bình thường hoá quan hệ với Việt Nam nếu không muốn vị thế của mình ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng. Mà một trong những điều kiện để tiến hành bình thường hoá với Mỹ chính là việc Việt Nam rút khỏi Campuchia.
Càng những năm về sau của nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình, nhất là khi trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngọai giao, Nguyễn Cơ Thạch càng ủng hộ việc Việt Nam rút khỏi Campuchia, bàn giao lại nhiệm vụ đó cho LHQ, để khai thông thế bế tắc cho ngoại giao Việt Nam, mở đường cho đất nước bước vào thời kỳ hội nhập.
Tháng 5/1986, Bộ Chính trị Khoá VI đã đưa ra Nghị quyết 13 về “Nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”. Nghị quyết nhấn mạnh chính sách “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hoá quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi. UVBCT- Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là người chủ trì Nghị quyết 13 đó. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 6, khoá VI (3/1989) đã ra nghị quyết chỉ rõ cần chuyển mạnh hoạt động ngoại giao từ quan hệ chính trị là chủ yếu sang quan hệ chính trị – kinh tế.
Sau khi Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau ở Hội nghị Thành Đô, đúng 3 tuần sau, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch được Bộ Chính trị cử lên đường sang New York dự phiên họp Đại hội đồng LHQ năm đó. Nhưng mục đích chính là gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ James Baker. Đó là cuộc gặp gỡ cấp cao chính thức đầu tiên của hai nước sau nhiều năm trời. Ở New York, Ngoại trưởng James Baker đã chủ động tổ chức hội đàm chính thức với quốc kỳ hai nước đặt trên bàn.
Ông Phạm Ngạc nhớ lại: “Ngoại trưởng Baker đã mời ông Thạch thăm Thủ đô Washington DC và gặp Quốc hội Mỹ sau cuộc gặp đó. Trong chuyến đi DC, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã gặp gỡ Thượng nghị sĩ Cộng hoà John McCain. John McCain đã mời ông Nguyễn Cơ Thạch vào phòng làm việc, và chỉ cho ông bức ảnh tượng của mình ở Hồ Trúc Bạch được treo trang trọng trong phòng và nói “It’s me”. Họ đã cùng bật cười và đều đã sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai!”
Dù đến năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ mới chính thức bình thường hoá quan hệ, nhưng chuyến đi của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch năm 1990 đã mở đầu cho tiến trình đó. Trên đường trở về Việt Nam, quá cảnh qua Nhật Bản và Thái Lan, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch được Nhật Hoàng và Chính phủ Nhật tiếp đón. Ông cũng được Thủ tướng Thái Lan mở tiệc chiêu đãi. Thái độ của các nước với Việt Nam đã thay đổi rõ ràng. Đó cũng là chuyến đi cuối cùng đến Liên Hợp Quốc của Nguyễn Cơ Thạch trên cương vị Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
GS.TS – Cựu Đại sứ Vũ Dương Huân (nguyên Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao) kể: “Vào thời điểm Đại hội VII đang họp tháng 6 /1991, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chủ trì một cuộc họp ở Bộ Ngoại giao mà tôi cũng có mặt. Hôm đó, khi đọc tin báo chí nước ngoài viết về Việt Nam, có một tin đồn đoán về việc Trung Quốc “hạ bệ” Nguyễn Cơ Thạch. Ông đọc xong và cười, nói nhỏ một câu: “Họ quên tôi chính là người chủ trì nghị quyết 13 đấy”! (Nghị quyết 13 là nghị quyết bàn về việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và rút quân khỏi Campuchia). Gương mặt ông ấy hoàn toàn thanh thản”
Tháng 10/1991, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chính thức về hưu. Ông dành những năm tháng cuối đời để tìm hiểu và nghiên cứu về kinh tế, đồng thời viết sách tổng kết về ngoại giao.
Năm 1995, Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Năm 2007, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Mỗi khi Việt Nam đạt được những thành tựu ngoại giao lớn như thế, những nhà ngoại giao kỳ cựu đều nhắc đến tên ông – ông “Bộ trưởng giải vây” của Ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Phạm Ngạc kể: “Vào những năm cuối đời, tôi thường hay đến gặp ông Nguyễn Cơ Thạch, khi thì giúp ông tập hợp tài liệu nghiên cứu, khi thì để hàn huyên. Có lần, tôi tâm sự với ông về những khó khăn mà đôi khi tôi phải đối mặt trong công việc và ngoài xã hội, ông nói với tôi một câu:
– Cậu phải biết tha thứ cho những người đối xử không tốt với mình.”
Nguồn: VOV