Sau vụ Trịnh Xuân Thanh đầu thú, đám “dân chủ” trong nước cùng một số phương tiện truyền thông nước ngoài bằng tiếng Việt (RFA, BBC, VOA…) cật lực tuyên truyền với các luận điệu nhằm làm xấu đi mối quan hệ giữa Việt Nam và EU theo đó các luận điệu được đưa ra đó là: “Việt Nam phải chấp nhận nhượng bộ nhân quyền để được ký kết EVFTA”, “Việt Nam sẽ hứng chịu một màn trừng phạt kinh hoàng từ các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, vì dám “vuốt mặt mà không nể mũi”… Thậm chí, nhiều “nhà dân chủ” còn “cất công lặn lội” đi thăm gặp các phái đoàn nghị viện Châu Âu; các tổ chức quốc tế hoạt động dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền cũng nhiều lần ra báo cáo, khuyến nghị về cái gọi là “thực trạng nhân quyền ở Việt Nam”… với hy vọng gây sức ép, cản trở Việt Nam trong quá trình đàm phán EVFTA.
Tuy nhiên, trước những cố gắng không biết mệt mỏi của các “nhà dân chủ” thì chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vừa được ký kết sau 9 năm đàm phán.
Rõ ràng với việc Việt Nam và EU ký kết hiệp định thương mại ự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) đã đạp tan những luận điệu chống phá của số đối tượng chống cộng thời gian qua.
Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và bà Cecilia Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu.
Tại buổi ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cuộc gặp bên lề G20 với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu và đại diện EU đã nhấn mạnh 30/6 là ngày mang ý nghĩa lịch sử quan hệ Việt Nam – EU. “Hiệp định mở ra chân trời mới cho sự phát triển của hai bên”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cảm ơn các đối tác EU. Ông cho rằng, EU với tầm nhìn hướng đông đã coi Việt Nam là đối tác, quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. “Hai hiệp định này quan trọng này như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng cam kết Việt Nam hợp tác chặt chẽ với EU để sớm phê chuẩn các hiệp định này.
Bà Cecilia Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu thì nhắc tới câu nói của người Việt Nam “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để cảm ơn sự chuẩn bị của các đối tác, đồng nghiệp ở Việt Nam trong suốt 9 năm qua. “Sẽ rất sớm thôi người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận được hàng hoá từ châu Âu và ngược lại”.
Cao uỷ thương mại của EU nhấn mạnh, EVFTA sẽ xoá bỏ 99% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU và 1% còn lại sẽ được gỡ bỏ thông qua hạn ngạch thuế quan. Điều này sẽ xoá bỏ tệ quan liêu mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối diện.
Bà cũng hoan nghênh Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm, nhờ đó các công ty Việt Nam có thể mua thiết bị, dịch vụ giá cạnh tranh. “Đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ các hiệp định này”, bà Cecilia nói.
Cao uỷ thương mại của EU hy vọng, cả 2 bên sẽ sớm phê chuẩn để các hiệp định thực thi, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. “Đây là tín hiệu gửi đi thế giới khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi. EU hướng tới những người bạn ở châu Á, và Việt Nam là trụ cột kinh tế ở ASEAN, nên hiệp định này là viên gạch nền tảng quan trọng trong hoạt động các bên”, bà Cecilia nhấn mạnh.
Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Công Thương chia sẻ thêm, việc ký kết EVFTA và IPA mới chỉ là bước khởi đầu và hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm để các hiệp định này được phê chuẩn, có hiệu lực.
Là cơ quan chủ trì đàm phán hiệp định IPA, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, và ngược lại. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức về hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ… trong quá trình thực thi hiệp định này.
Để hiện thực hoá hiệp định này, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế…
Những sửa đổi này nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển./.
-
Huyền Pha
Nguồn: Người con Đất Mẹ