[fb_vid id=”photo_id”:”470637310397628″”][fb_vid id=”470637310397628″]
Chiến tranh ủy nhiệm là loại hình chiến tranh được tiến hành bằng cách thông qua lực lượng của một hoặc nhiều nước khác, hay các tác nhân phi nhà nước (còn gọi là chiến tranh qua tay người khác). Loại hình chiến tranh này đang được một số nước, đứng đầu là Mỹ coi trọng sử dụng để can dự vào các cuộc xung đột nhằm đạt mục tiêu chiến lược mà không sử dụng lực lượng trực tiếp tham chiến.
1. Một số vấn đề chung về chiến tranh ủy nhiệm (CTUN)
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, CTUN có mầm mống từ rất sớm. Tuy nhiên, đến thế kỷ XX, nó mới trở thành một loại hình chiến tranh có tính phổ biến. Điển hình, trong những năm đầu của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Mỹ tuyên bố trung lập, nhưng đã cung cấp vũ khí, trang bị (VKTB) ồ ạt cho quân đồng minh nhằm thực hiện mục đích can thiệp vào các sự kiện tại châu Âu theo hướng có lợi cho Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Mỹ vẫn theo đuổi chiến lược tương tự cho đến năm 1941. Từ năm 1950, loại hình CTUN được định hình rõ nét hơn thông qua những quan điểm, học thuyết (tiêu biểu là “Học thuyết Tru-man”1) và được Mỹ áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, mang đến những hệ lụy vô cùng nguy hiểm, phức tạp. “Học thuyết Tru-man” đã đề cập những nội dung cơ bản của CTUN, với các phương thức tiến hành là: bảo đảm quân sự (bảo đảm hậu cần, chỉ huy kiểm soát, vận tải, bảo dưỡng, cấp dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật); cố vấn quân sự (huấn luyện, truyền đạt kinh nghiệm); viện trợ quân sự (cung cấp VKTB quân sự); bảo đảm an ninh (bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các cá nhân lãnh đạo của lực lượng được ủy nhiệm), v.v.
Thực tiễn từ sau những năm 1950 đến nay, đã diễn ra nhiều cuộc CTUN do chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ tiến hành. Điển hình là Chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ (1961 – 1965) trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, với công thức “Cố vấn Mỹ + vũ khí Mỹ + Quân đội ngụy quyền Sài Gòn”. Thời gian gần đây, loại hình CTUN được Mỹ và các nước phương Tây sử dụng phổ biến hơn (nhất là trong các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi), nhằm mở rộng lợi ích của họ tại các khu vực này nhưng không sử dụng lực lượng quân đội trực tiếp tham chiến. Theo đó, Mỹ đã cung cấp VKTB, hậu cần, tài chính, tin tức tình báo,… cho lực lượng đối lập ở một loạt các quốc gia để lật đổ chế độ đương nhiệm. Tại Xô-ma-li, Mỹ đã tiến hành chiến dịch chống lại lực lượng du kích Hồi giáo An-sa-báp thông qua các hoạt động tình báo, huấn luyện cho các đặc vụ người Xô-ma-li, sử dụng chính những người châu Phi để tiến hành CTUN hoàn toàn theo cách cổ điển. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp Mỹ tiến hành CTUN song song với can thiệp quân sự trực tiếp, như: Chiến dịch lật đổ Tổng thống Ca-đa-phi của Li-bi năm 2011. Tại Xy-ri, quốc gia đang phải đối mặt với một cuộc CTUN kể từ khi nội chiến bùng nổ, các nhóm nổi dậy được Mỹ, phương Tây và một số nước A-rập viện trợ VKTB, tài chính,… để chống lại chính quyền của Tổng thống Ba-sa An Át-xát. Đây được xem như một ví dụ điển hình về CTUN thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Mới đây nhất, ngày 11-9-2014, tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã công bố Chiến lược toàn diện làm suy yếu và tiêu diệt hoàn toàn IS (Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Xy-ri và I-rắc); trong đó, nội dung cốt lõi của Chiến lược là tăng cường hoạt động quân sự và hỗ trợ các lực lượng đối đầu với IS trên bộ (Quân đội I-rắc và lực lượng người Cuốc). Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, hiện nay, khu vực châu Phi được xem là nơi triển khai CTUN hàng đầu của Mỹ.
Nghiên cứu cho thấy, các cuộc CTUN là một trong những hình thái mới của chiến tranh xâm lược. Nó được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, song tựu trung có thể rút ra bốn hình thức cơ bản: cung cấp nhân lực, VKTB, tài chính và phương tiện phi quân sự (sức mạnh mềm). Trên thực tế, các nước “ủy nhiệm” có thể sử dụng một hay kết hợp các hình thức trên để hỗ trợ lực lượng “thế thân” cho họ trong cuộc chiến; trong đó, cung cấp VKTB cho lực lượng “được ủy nhiệm” là phổ biến nhất. Ngoài ra, các nước “ủy nhiệm” còn cung cấp thông tin tình báo, hỗ trợ lực lượng “được ủy nhiệm” xây dựng kế hoạch tác chiến, tiến hành chiến tranh thông tin, tâm lý nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín và làm suy yếu sức mạnh chính trị, tinh thần của nước đối tượng tiến hành CTUN, v.v.
Từ thực tiễn có thể rút ra một số điều kiện cơ bản để dẫn tới CTUN. Thứ nhất, tình hình nội bộ quốc gia xuất hiện những mâu thuẫn không điều hòa được, đặc biệt là giữa nhân dân và chính quyền. Chính quyền đương nhiệm yếu kém, xử lý không tốt các vấn đề nổi cộm, nhạy cảm hoặc mắc sai lầm nghiêm trọng trong đối phó với biểu tình, bạo loạn. Các thế lực bên ngoài lợi dụng, kích động biểu tình biến thành bạo loạn chính trị, thậm chí là bạo loạn có vũ trang, gây ra thương vong lớn, tạo cớ “can thiệp nhân đạo”, ủng hộ, viện trợ cho lực lượng đối lập gây bạo loạn. Thứ hai, một bộ phận quan chức trong chính quyền “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cùng với lực lượng biểu tình hình thành lực lượng vũ trang đối lập, đối trọng với chính quyền. Trong khi đó, chính quyền đương nhiệm chưa coi trọng đúng mức đến xây dựng lực lượng vũ trang hoặc không có khả năng xây dựng lực lượng này đủ mạnh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền, dẫn tới mất quyền kiểm soát, không trấn áp được biểu tình, bạo loạn có vũ trang do phe đối lập tổ chức. Thứ ba, lực lượng đối lập được nước ngoài hà hơi tiếp sức, chỉ đạo, hậu thuẫn, viện trợ tài chính, VKTB, gây ra nội chiến. Đây là cơ sở chủ yếu để bạo loạn chính trị quy mô lớn phát triển thành CTUN. Thứ tư, các thế lực bên ngoài tiến hành can thiệp quân sự hạn chế để hỗ trợ lực lượng đối lập. Can thiệp quân sự từ bên ngoài là mục tiêu chính yếu của các nước đế quốc gây CTUN. Trên thực tế, việc can thiệp từ bên ngoài hiện nay có đặc điểm mới, diễn ra phức tạp với nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự và ngoại giao; trong đó, can thiệp quân sự giữ vai trò quyết định. Mục đích chủ yếu của hoạt động can thiệp từ bên ngoài nhằm làm suy yếu đối phương về kinh tế, cô lập về chính trị và ngoại giao; trực tiếp chi viện cho lực lượng đối lập về quân sự, nhất là chi viện hỏa lực đường không; khi cần thiết và có điều kiện có thể can thiệp trực tiếp bằng các lực lượng đặc nhiệm, thậm chí bằng cả lực lượng tiến công trên bộ. Đây là những nấc thang cao nhất, nguy hiểm và quyết định nhất của CTUN.
Có thể nói, CTUN liên quan mật thiết đến chiến lược “Diễn biến hòa bình”, một thuộc tính quan trọng trong chiến lược của chủ nghĩa đế quốc, nhằm đạt “mục tiêu kép” (bảo vệ hay mở rộng lợi ích tại các khu vực trên thế giới; giảm thiểu tổn thất, thương vong, chi phí tài chính và giải quyết hậu quả chiến tranh) thông qua phương thức chiến tranh gián tiếp. Trong bối cảnh hiện nay, CTUN đã có bước phát triển mới cả về phương thức, thủ đoạn tiến hành, quy mô lực lượng, đã và đang tạo ra mối nguy hiểm cho nhiều quốc gia, dân tộc, nhất là các quốc gia có vị trí địa chiến lược, không cùng lợi ích, không chịu đi theo quỹ đạo của Mỹ và các nước phương Tây. Trong tương lai, loại hình chiến tranh này sẽ được Mỹ và các nước phương Tây vận dụng phổ biến hơn thay thế cho các kiểu can thiệp trực tiếp vừa tốn kém lại nhiều rủi ro, đúng như học giả Mỹ Phi-líp Bóp-bít – chuyên gia về chiến tranh tại Đại học Prin-xe-tô (Mỹ) – kết luận: “Trong tương lai, việc sử dụng các lực lượng quân sự ủy nhiệm sẽ thay thế cho các đội quân thường trực tốn kém và có thể giúp kiểm soát thực địa tốt mà không cần hy sinh nhiều tính mạng của người Mỹ như khi triển khai lực lượng đến thực địa”.
2. Một số giải pháp phòng, chống CTUN
Hiện nay, nguy cơ phải đối đầu với CTUN là một thực tế cần quan tâm đối với mỗi quốc gia khi chủ nghĩa đế quốc đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bằng nhiều thủ đoạn thâm hiểm. Nhận diện rõ nguy cơ và để chủ động phòng ngừa có hiệu quả CTUN cần coi trọng một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, chú trọng xây dựng, phát triển đất nước ngay từ trong thời bình, giữ vững ổn định chính trị – xã hội; đồng thời, chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh, trung thành với chế độ, sẵn sàng bảo vệ vững chắc tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Hai là, nắm chắc và dự báo chính xác tình hình, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhất là âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, ngăn ngừa và loại trừ mầm mống ý đồ can thiệp từ bên ngoài có thể dẫn tới một cuộc CTUN.
Ba là, tăng cường mọi mặt tiềm lực của đất nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội theo hướng phát triển bền vững gắn với tăng cường sức mạnh quốc phòng – an ninh, không để bị cô lập hoặc phụ thuộc vào nước ngoài. Bởi từ chỗ phụ thuộc về kinh tế sẽ dễ dẫn tới phụ thuộc về chính trị, khi đó sẽ khó giữ được sự ổn định đất nước và đây sẽ là điều kiện, thời cơ thuận lợi để các thế lực thù địch tạo cớ can thiệp.
Bốn là, thực hiện chiến lược đối ngoại khôn khéo, hiệu quả, nhằm xây dựng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Đây là nội dung cần đặc biệt quan tâm khi xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng; đối thoại, hợp tác, xây dựng và tạo sự tin cậy lẫn nhau đang là xu thế chủ đạo trên thế giới. Theo đó, cần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của mỗi quốc gia và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong công tác đối ngoại coi trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống và các nước lớn, đối tác quan trọng; xử lý đúng mối quan hệ “đối tác”, “đối tượng” trên từng lĩnh vực cụ thể, tránh để bị cô lập, đối đầu.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa, ngăn chặn với linh hoạt, khôn khéo xử lý mầm mống của CTUN. Vấn đề quan trọng là, tuyệt đối không mơ hồ mất cảnh giác, coi nhẹ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao năng lực quản lý của chính quyền đối với mọi mặt đời sống xã hội, nhất là đối với các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, như: dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, v.v. Trên cơ sở đó, tích cực chuẩn bị chu đáo về lực lượng, thế trận, có biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời những vấn đề bức xúc trong xã hội không để nổi cộm kéo dài, tạo các “điểm nóng” căng thẳng dẫn đến bùng phát biểu tình, bạo loạn trên diện rộng. Trường hợp xảy ra bạo loạn, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, linh hoạt, khôn khéo, kiên quyết xử lý không để lan rộng, hình thành lực lượng đối lập, bạo loạn vũ trang. Cùng với đó, có các biện pháp ngăn chặn không để các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp, gây ra “nội chiến” và chuyển thành CTUN. Quá trình thực hiện, kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng với quản lý chặt chẽ các phương tiện truyền thông, định hướng dư luận, phân hóa kẻ thù với sử dụng các biện pháp mạnh, kiên quyết, vô hiệu hóa bọn cầm đầu, nhanh chóng ổn định tình hình, không để kẻ địch bên ngoài tạo cớ can thiệp vũ trang.
Thiếu tướng, PGS. TS. TRẦN MINH SƠN, Viện trưởng Viện 70, Tổng cục II