Trang chủ Tin tức Xử lý sai phạm vụ 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn, Hà...

Xử lý sai phạm vụ 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn, Hà Nội – Bài 3: Khắc phục 'lỗ hổng' ở Minh Tân

161
0

Rừng ở Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ đơn thuần là vấn đề sinh thái, cải thiện môi trường hay phục vụ phát triển kinh tế, du lịch mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng cho Thủ đô.

Vì vậy, việc quy hoạch và quản lý rừng cần được thực hiện một cách bài bản nhằm phát huy tốt chức năng của rừng, cũng như để người dân yên tâm trồng và giữ rừng.

Xử lý sai phạm vụ 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn, Hà Nội - Bài 3: Khắc phục 'lỗ hổng' ở Minh TânMột góc hồ Đồng Đò thôn Minh Tân, Minh Trí, Sóc Sơn Hà Nội. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc quy hoạch và quản lý rừng của thành phố Hà Nội đã bộc lộ những hạn chế, kéo theo nhiều hệ lụy. Bằng chứng là thôn Minh Tân, hơn 30 năm đi khai hoang, sinh sống ổn định, nhưng bằng một bản quy hoạch mang tên “rừng phòng hộ”, bỗng nhiên người dân Minh Tân trở thành người “nhảy dù”, sinh sống không hợp pháp trên đất rừng, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn. Thực tế này ở Minh Tân đang cần giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Theo các tài liệu của huyện Sóc Sơn cho thấy, thời điểm trước năm 2008 thôn Minh Tân chưa có bản đồ địa chính cho từng hộ (tức là chưa đo vẽ hiện trạng sử dụng đất, tách diện tích đất ở với diện tích đất rừng, mỗi hộ bao nhiêu mét vuông) nên không có cơ sở để điều chỉnh bản đồ quy hoạch 1/5.000 được thiết lập và phê duyệt vào năm 2008. Khi quy hoạch trên trùm lên toàn bộ thôn Minh Tân thành đất rừng phòng hộ đã thể hiện một điều là người làm quy hoạch đã xa rời thực tế. Khi đó, quy hoạch đã không tính đến công lao mở đất, trồng rừng của người dân Minh Tân. Cơ quan làm quy hoạch chỉ vẽ lên đó là rừng phòng hộ, chứ không hề xem xét ai đã trồng rừng và giữ rừng trong chừng ấy năm.

Đáng nói hơn, chính quyền địa phương đã tắc trách trong việc công bố, công khai lấy ý kiến của người dân khi thực hiện quy hoạch đất rừng. Khi quy hoạch được phê duyệt, nhưng phải đến hơn chục năm sau người dân Minh Tân mới “ngã ngửa” vì biết diện tích đất ở của mình cũng như nhiều công trình phúc lợi của thôn như trường học, nhà văn hóa đều nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Nhận thấy điều trớ trêu này, người dân Minh Tân đã phản đối, kiến nghị cả bằng văn bản cũng như ý kiến trực tiếp tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cho phép được điều chỉnh bóc tách đất ở và đất rừng để tiện quản lý, sản xuất.

Thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân, đồng thời nhận thấy thiếu sót của cơ quan làm quy hoạch, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã nhiều lần đề cập với cơ quan chức năng có thẩm quyền như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND thành phố Hà Nội…, cho điều chỉnh, cập nhật lại đất rừng Minh Tân sát với thực tế hơn, nhưng đều không có kết quả như mong đợi. Thế nên người dân Minh Tân cứ phải sống trong cảnh lo âu, phấp phỏm về số phận mảnh đất mà nhiều thế hệ đã gắn bó suốt hơn 30 năm qua, trong khi lỗi không thuộc về họ.

Do vị trí đẹp, với hồ Đồng Đò nước trong mát quanh năm, rừng cây xanh xung quanh được ví như “Đà Lạt” thu nhỏ, lý tưởng cho phát triển du lịch sinh thái nên Minh Tân đã trở thành điểm được nhiều nhà đầu tư bất động sản nhòm ngó. Đã có nhiều cuộc giao dịch đất thành công giữa người Minh Tân với nhà đầu tư đến từ một số địa phương lân cận. Với việc xác nhận của chính quyền xã Minh Trí vào hợp đồng sang nhượng, nhiều mảnh vườn vốn chỉ trồng cây keo hoặc cỏ dại mọc hoang, đã được mua bán sang tay nhiều lần với giá trị cao.

Báo cáo số 307/BC- UBND của huyện Sóc Sơn chỉ ra, đến tháng 8/2018 đã có hơn 314 trường hợp chuyển nhượng đất cho người địa phương khác. Việc này đã được trưởng thôn Minh Tân và đại diện UBND xã Minh Trí qua các thời kỳ xác nhận vào một số hợp đồng mua bán với nội dung “có 400 mét vuông đất ở và đất vườn”. Dù đất của thôn Minh Tân chưa có giấy chứng nhận, lại đang nằm trong quy hoạch rừng nhưng khi có “đất vàng” trong tay nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng triển khai xây dựng nhà cửa, công trình ở Minh Tân.

Theo UBND huyện Sóc Sơn, tính đến hết tháng 9/2018 tại thôn Minh Tân có 27 công trình xây dựng đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường. Các công trình xây dựng tại thôn này có diện tích từ 54 mét vuông đến 540 mét vuông. Những công trình trên đều được xây dựng vào những năm 2016 – 2018 và hiện chưa có giấy phép xây dựng; UBND xã Minh Trí đang lập kế hoạch phá dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Nhiều người cho rằng, tài sản của người dân, cũng là tài sản của nhà nước. Để xảy ra sự việc xây dựng rồi lại phá bỏ là sự lãng phí, cho thấy chính quyền địa phương cấp xã, cùng một số phòng ban của huyện Sóc Sơn đã buông lỏng quản lý, chưa chủ động trong việc phát hiện, ngăn chặn việc xây dựng, sang nhượng đất không đúng thẩm quyền, khiến cho việc xử lý hệ lụy sau này càng khó khăn hơn. Thậm chí, một số cán bộ đã tiếp tay cho sai phạm, cấp “sổ đỏ” trên đất rừng, để rồi UBND huyện phải ra nhiều quyết định thu hồi “sổ đỏ” cấp sai, khiến nhiều người dân khóc dở mếu dở.

Hơn thế, liên quan đến buông lỏng quản lý, sai phạm trên đất rừng Minh Tân, một số cán bộ xã, huyện ở Sóc Sơn đã phải vướng vòng lao lý. Song cái mất lớn hơn ở đây là lòng tin. Người dân Minh Tân đã từng ăn đói mặc rét, lên vùng kinh tế mới khai hoang, phục hóa, biến mảnh đất khô cằn thành vùng cây, quả trù phú, xanh tốt. Nhưng khi “đất cằn nở hoa” thì người dân Minh Tân lại bị quy vào diện “nhảy dù” đất rừng, dù đã kiến nghị, đề đạt đến các cấp có thẩm quyền, mà bao năm nay vẫn chưa được minh oan.

Vẫn biết, quy hoạch là tầm nhìn dài hạn và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mọi cá nhân, tổ chức phải thực hiện. Thế nhưng, tại sao một quy hoạch không hợp với lòng dân, xa thực tế lại chậm được điều chỉnh, dù bất cập của bản quy hoạch đã được cấp chính quyền huyện Sóc Sơn nhiều lần chỉ ra và kiến nghị sửa đổi.

Và như vậy, lỗi không chỉ thuộc về người dân. Cho nên, việc gỡ vướng ở Minh Tân là một vấn đề cấp thiết hiện nay đối với cấp có thẩm quyền, chính quyền địa phương và thành phố Hà Nội.

Trước mắt, khi chờ cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bản đồ quy hoạch, huyện Sóc Sơn cần đẩy nhanh tiến độ đo vẽ bản đồ địa chính để xác định tại thực địa đâu là đất lâm nghiệp, đâu là đất ở. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đất đai cho rằng, trong trường hợp thành phố Hà Nội có kế hoạch đưa người dân ra khỏi rừng thì phải lập kế hoạch tái định cư, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Nhưng khi thành phố Hà Nội chưa đưa được người dân ra khỏi rừng, việc cần làm lúc này chính là ngăn chặn xây dựng mới các công trình trên đất rừng.

Trong quá trình các cơ quan xử lý sai phạm về trật tự xây dựng tại Minh Tân cũng cần tính đến cái gốc của vấn đề sai phạm do đâu, thời điểm sai phạm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân đã có công khai phá, xây dựng Đồng Đò – Minh Tân.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây