Ngày 26/6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại, cáo buộc “Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ, thậm chí tệ hơn cả Trung Quốc”.
Khi được hỏi ông có muốn đánh thuế lên Việt Nam hay không, ông Trump không trả lời là có hay không mà nói Mỹ “đang thảo luận” với Việt Nam nhưng không đi vào chi tiết.
Trump đưa ra những phát biểu này trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business, vài tiếng trước khi lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị G20 – nơi dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị. Giới phân tích cho rằng kịch bản khả dĩ nhất của cuộc gặp là 2 bên thống nhất về một “lệnh ngừng bắn” để Bắc Kinh và Washington có thời gian đàm phán về thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Trước đó không lâu, vào giữa tháng 5/2019 cũng chính Donald Trump gợi ý người dân mua hàng Việt Nam thay vì mua hàng Trung Quốc đang bị đánh thuế rất cao.
Vậy, thực sự tỷ phú Donald Trump muốn gì?
Việc Tổng thống Mỹ gợi ý sẽ “làm ăn lớn” với Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang rất căng thẳng thoạt nghe thì đây là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, liệu rằng việc Trump nêu đích danh Việt Nam có nằm trong ý đồ muốn lôi kéo Việt Nam vào vòng xoáy của cuộc chiến này, đẩy Việt Nam vào thế đối đầu với Trung Quốc?
Dường như vội “quên” phát biểu về “hợp tác với Việt Nam” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ngay trước thềm hội nghị G20- nơi mà dự kiến ông Donald Trump có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thỏa thuận về “đình chiến thương mại”, tỷ phú Donald Trump có vẻ như đang làm tổn thương mối quan hệ kinh tế với Việt Nam và muốn biến nước ta thành con bài để mặc cả với Trung Quốc.
Ông Donald Trump không chỉ là nhà kinh tế giỏi mà cũng rất sành sỏi trên bàn cờ chính trị. Đáng tiếc nước cờ mà ông sử dụng với Việt Nam không ổn một chút nào. Với nước ta: Mỹ và Trung Quốc đều là bạn là đối tác có tiềm năng trong giao lưu thương mại quốc tế. Việt Nam luôn tôn trọng và không ngừng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp đó.
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy của tất cả các nước muốn làm ăn với Việt Nam và kiên quyết không đứng về bên này, chống lại bên kia. Cho đến thời điểm này, đường lối đối ngoại đó vẫn hoàn toàn chính xác.
Không có bạn bè mãi mãi, không có kẻ thù mãi mãi.
Chỉ có lợi ích Quốc gia, Dân tộc là trường tồn.
Tùng Lâm
Nguồn: Ngọn Cờ