Trong một bài báo đăng trên BBC tiếng Việt hôm 10/06/2019, cộng tác viên Bùi Thư đã phỏng vấn Lê Nguyễn Duy Hậu, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn và Ngọc Diệp về những “thắng lợi” gần đây của các “phong trào dân sinh” và “tổ chức dân sự” ở Việt Nam. Cả 4 người được phỏng vấn đều là thành viên hoặc cộng tác viên trong hệ thống của VOICE, Hate Change và Luật khoa Tạp chí. Trong cuộc phỏng vấn, họ đã bàn về việc biến các phong trào này thành một môi trường để người dân “thực hành tham gia chính trị” theo mô hình của chủ nghĩa tự do phương Tây, và để kết nối những NGO có tư cách pháp nhân với các tổ chức chống đối.
Cụ thể, từ đầu tháng 04/2019, nhóm Hate Change đã cùng “Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam” (GBVNet) phát động một phong trào chống quấy rối tình dục, nhân một loạt vụ quấy rối diễn ra liên tiếp, bao gồm “vụ Nguyễn Hữu Linh”. Sau khi tạo được một áp luận dư luận đáng kể, phong trào này đã đạt được 2 thành công vào đầu tháng 6. Thứ nhất, đại diện Văn phòng Chính phủ đã đề nghị gặp các thành viên GBVNet, để trao đổi chi tiết hơn về việc bổ sung các điều khoản xử phạt tội “Quấy rối tình dục” vào pháp luật. Thứ hai, ông Nguyễn Hữu Linh – một cựu cán bộ ngành Kiểm sát được cho là hung thủ của vụ quấy rối tình dục hồi tháng 4 – đã bị truy tố và xét xử trong tháng 6.
Khi trả lời phỏng vấn Bùi Thư về 2 thành công vừa kể, 4 thành viên, cộng tác viên của VOICE đã đưa ra 3 nhận xét.
Trong nhận xét thứ nhất, Lê Nguyễn Duy Hậu nói rằng trong những năm gần đây, các phong trào dân sinh ở Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu trong 4 mảng, là quyền trẻ em, quyền bình đẳng giới, quyền của người LGBT, và vận động phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế. Thành công này thể hiện qua việc các tổ chức, phong trào này, và dư luận xã hội mà chúng tạo ra, “đã bắt đầu có tiếng nói và gây ảnh hưởng đến các quyết sách về luật định và chính sách” ở Việt Nam.
Tiếp lời Hậu, Nguyễn Anh Tuấn nói rằng qua các phong trào biểu tình để “bảo vệ cây xanh”, “bảo vệ môi trường sau thảm họa Formosa”, “phản kháng BOT bẩn” và “giữ đất ở Đồng Tâm”; có thể thấy “3, 4 năm trở lại đây” “là điểm khởi bùng phong trào thúc đẩy dân quyền, phát huy dân chủ”.
Trong nhận xét thứ hai, Phạm Đoan Trang nói rằng “phong trào LGBT thành công trong chuyện vận động chính sách vì nhà nước Việt Nam không coi cộng đồng LGBT là nhóm đe doạ quyền lực chính trị”. Trong khi đó, các phong trào biểu tình khác vẫn thường bị “đàn áp” vì lý do “an ninh quốc gia”.
Nguyễn Anh Tuấn phát triển ý trên của Đoan Trang, khi nói rằng Nhà nước Việt Nam còn viện dẫn vấn đề “an ninh quốc gia” để bảo vệ các “nhóm lợi ích” thân Nhà nước. Cụ thể, Tuấn viết: “Những bài viết trên báo Tổ Quốc, Quân Đội nhân dân lập luận rằng, những ai lên tiếng chống lại các dự án thương mại hóa các khu bảo tồn thiên nhiên đều là phản động. An ninh quốc gia là một con “ngáo ộp” thường xuyên được sử dụng để dẹp im những tiếng nói phản biện, giúp nhóm lợi ích dễ dàng phá rừng xây khu du lịch (Sơn Trà, Tam Đảo), lấp biển làm khu giải trí (Công viên Đại dương), lấn sông chia lô biệt thự (sông Hàn)”. Thông điệp này gắn kết chặt chẽ với chiến lược tuyên truyền của Tuấn trong 1 năm nay – trong đó Tuấn giữ tính chính danh và mức độ phạm pháp thấp của mình bằng cách tập trung công kích một số tập đoàn lớn có dấu hiệu được thiên vị, như Vingroup và Sungroup.
Trong nhận xét thứ ba, Ngọc Diệp tuyên bố rằng việc Hate Change liên kết với GBVNet trong chiến dịch vừa qua “là cách các tổ chức dân sự tạo đồng minh để chiến dịch có tiếng nói và chính danh hơn”. Diệp cho rằng các phong trào kiểu này sẽ “thúc đẩy người dân thực hành tham gia chính trị”. Diệp cũng tiết lộ rằng “những dự án giáo dục về những giá trị phổ quát như tự do, quyền con người nhằm lan tỏa hiểu biết chung cho xã hội là nền tảng cho các phong trào vận động trong tương lai”.
Tóm lại, qua cuộc phỏng vấn vừa kể, có thể thấy các NGO có tư cách pháp nhân và các tổ chức chống đối đang liên kết với nhau để phát động các phong trào xã hội.
Những phong trào này đã đạt được một số thành tựu trong những mảng không liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Những người tổ chức tin rằng phong trào xã hội là một cách để người dân thực hành tham gia chính trị, theo mô hình của chủ nghĩa tự do phương Tây.
Bên cạnh đó, họ cũng định kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành, bằng dùng các dự án truyền bá kiến thức về chủ nghĩa tự do làm nền tảng cho các phong trào xã hội.
Trong bối cảnh đó, một số gương mặt chống đối đang giữ tính chính danh và mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách liên kết với các NGO có tư cách pháp nhân, hoặc bằng cách công kích các “nhóm lợi ích tư bản” có dấu hiệu được Nhà nước thiên vị.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa các gương mặt chống đối cực đoan, như Đoan Trang, với các NGO có tư cách pháp nhân.
Nếu giới “dân chửi” muốn phát động các phong trào xã hội, họ cứ tùy ý làm. Đây là một cách để họ đóng góp tích cực cho các sinh hoạt chính trị – xã hội của Việt Nam, dưới tư cách người phản biện, thay vì tiếp tục làm một đám ăn tàn phá hại, tiêu hàng núi tiền nước ngoài chỉ để hô các khẩu hiệu xa rời thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, họ nên lưu ý 3 điều.
Thứ nhất, họ phải bảo vệ những nạn nhân mà phong trào tuyên bố bảo vệ, thay vì biến nạn nhân thành công cụ để thỏa mãn tham vọng chính trị và ham muốn trả thù của bản thân. Đừng lặp lại vở kịch trong “vụ Formosa”, khi họ phát động những cuộc biểu tình “bảo vệ môi trường” chỉ toàn người Công giáo và chỉ treo cờ Công giáo. Cũng đừng lặp lại vở kịch trong “vụ Nguyễn Hữu Linh”, khi đám đông nhân danh “nữ quyền” quay sang chửi bới những phụ nữ là nạn nhân trong vụ việc. Nếu các “nhà hoạt động” chỉ muốn lợi dụng nạn nhân thay vì bảo vệ nạn nhân, họ cũng chẳng tử tế hơn những nhà thầu rút ruột công trình công, hoặc những quan chức ăn chặn tiền từ thiện.
Thứ hai, họ cần công khai các khoản thu – chi tài chính của mình. Nếu các phong trào của họ thật sự vì mục đích dân sinh, người dân có quyền biết họ nhận tiền của dân hay của nước ngoài, và tiêu tiền vì dân hay vì mục đích khác.
Thứ ba, họ cần tuân thủ pháp luật – chẳng hạn không gây ách tắc giao thông, không đập phá trụ sở Nhà nước, không tuyên truyền hoặc hoạt động chống Nhà nước Việt Nam… Nếu họ vượt ra ngoài giới hạn của các “phong trào dân sinh” thông thường, để xâm phạm lợi ích của người ngoài cuộc hoặc an ninh quốc gia, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nguồn: Loa Phường