Trang chủ Bản tin Dân chủ Nhận diện thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc hại trên...

Nhận diện thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội hiện nay (tiếp theo)

227
0

Nhận diện thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội hiện nay (tiếp theo)

Ảnh minh họa

Không chỉ thiết lập các website, blog, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” trên mạng Internet; thiết lập tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là Facebook, Youtube), để tán phát thông tin xấu, độc hại các đối tượng còn sử dụng một số thủ đoạn như:

– Tạo lập các trang mạng cá nhân, trang tin tổng hợp đã chuyển quyền quản trị cho đối tượng ở nước ngoài hoặc thông qua trang mạng trung gian để liên lạc, đăng tải các thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật. Thiết lập trang mạng mạo danh tổ chức, cá nhân, nhất là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng nhất định trong xã hội đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm tạo ra hình ảnh méo mó về đất nước và con người Việt Nam, về các tổ chức và cá nhân. Điển hình như, tháng 6/2018, trên mạng xã hội xuất hiện facebook giả mạo nhà báo Lại Văn Sâm. Ngày 04/6/2018, tài khoản facebook này đăng tải ý kiến phản đối dự thảo Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, trong đó có nội dung phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất 99 năm. Chỉ ít giờ sau khi đăng tải, ý kiến trên đã thu hút sự chú ý của dư luận với 30.000 lượt like (thích) và 60.000 lượt share (chia sẻ) vì nhiều người lầm tưởng đây là ý kiến của nhà báo Lại Văn Sâm.

– Sử dụng các diễn đàn (Paltalk, Skype, Zalo, Viber, Gotometting…) để tán phát thông tin xấu, độc hại. Các đối tượng đã mở các diễn đàn trên Paltalk hoặc Skype, Zalo hoặc lập các “nhóm kín” để tổ chức những buổi hội luận, hội thảo trực tuyến, phỏng vấn các đối tượng chống đối trong nước để vừa thu thập thông tin vừa kích động tư tưởng chống đối, đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, kích động các hoạt động “xuống đường” đấu tranh “bất bạo động” ở Việt Nam, kích động tẩy chay bầu cử Quốc hội… Mặt khác, đối tượng còn lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước đối với việc cấp tên miền quốc gia, việc kiểm duyệt thông tin của trang thông tin điện tử, giải trí trong nước để tải các file âm thanh, hình ảnh có nội dung xấu lên các trang mạng chính thống trong nước. Điển hình là các trang mạng như “Thiếu sinh quân”, “Trương Duy Nhất”, “Kinh tế biển”, “Quê choa”…

Bên cạnh đó, chúng còn lợi dụng tính năng cho phép người dùng tải nội dung, bình luận nhưng không kiểm duyệt của một số trang thông tin điện tử, giải trí trong nước để tải các file âm thanh, hình ảnh, bình luận có nội dung xấu lên các trang mạng này. Thời gian qua, chúng đã thực hiện thành công thủ đoạn này đối với một số trang mạng giải trí nổi tiếng, có số lượng truy cập lớn như nghenhac.info, nhaccuatui.com, mp3.zing.vn, nhacso.net… Đặc biệt, các đối tượng còn khai thác những lỗ hổng bảo mật trong hệ thống thông tin để đăng tải thông tin có nội dung xấu. Điển hình là vụ việc xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/7/2016 khi đối tượng sử dụng điện thoại thông minh kết nối với ti vi thông minh qua mạng wifi miễn phí tại sân bay để mở ứng dụng Youtube được cài sẵn và cho hiển thị thông tin, hình ảnh tĩnh có nội dung xấu.

­

– Triệt để khai thác ưu thế của các ứng dụng tin nhắn miễn phí (Over The Top – OTT) trên các dịch vụ Internet (Email, Facebook, Zalo, Viber…) để nhắn tin kích động biểu tình, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế trong thời gian qua, nhiều tổ chức phản động lưu vong đã mở các chiến dịch thu thập hộp thư điện tử, số fax trong nước để gửi thư ngỏ, tài liệu phản động, kêu gọi xuống đường biểu tình trái pháp luật. Đặc biệt, hiện nay nạn lừa đảo trực tuyến, nhất là lừa đảo trên mạng xã hội và qua tin nhắn diễn ra rất phổ biến. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018 Việt Nam phát hiện 135.190 cuộc tấn công mạng (tăng gấp 3 lần so với năm 2017), trong đó có 10.276 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 45.135 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại (Malware) [20]. Ba tháng đầu năm 2019, phát hiện 6.303 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, bao gồm 1.522 cuộc tấn công lừa đảo, 3.792 cuộc tấn công cài đặt phần mềm độc hại và 989 cuộc tấn công thay đổi giao diện.

Thủ đoạn của đối tượng là đưa thông tin về các giải thưởng, sự kiện cho người dùng, các tin liên quan đến các vấn đề “nóng” trong xã hội tại thời điểm hiện tại qua email, qua SMS, qua tin nhắn Facebook, Zalo… sau đó yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản truy cập; gửi các tập tin đính kèm liên quan đến công việc, tuyển dụng hay các thông tin về lĩnh vực mà người dùng quan tâm; gửi một tập tin HTML với dạng trang đăng nhập thanh toán, ngân hàng, trang web nổi tiếng; gửi thư với những lời chào hỏi, làm quen chung mà không cụ thể tới đối tượng; gửi thư chứa nhiều thông tin bôi đậm bất thường nhằm thu hút sự chú ý của người dùng.

Cùng với việc lừa đảo qua các dịch vụ tin nhắn, việc tán phát thông tin lừa đảo qua điện thoại cũng diễn ra phổ biến ở nước ta thời gian qua. Thủ đoạn của đối tượng là: Một là, nhắn tin lừa gạt bằng cách nói người dùng phạm tội. Người dùng sẽ nhận được tin nhắn, email với nội dung đang bị điều tra về một tội nào đó và yêu cầu người dùng chuyển một số tiền nhất định vào tài khoản ngân hàng hoặc cầm tiền đến nộp tại một nơi không rõ để làm bằng chứng. Hai là, bạn nước ngoài tặng quà nhưng bị hải quan giữ tiền, giả danh là nhân viên chuyển phát của bưu điện trực tiếp gọi điện yêu cầu chuyển tiền phí vào tài khoản ngân hàng để nhận hàng. Ba là, nhắn tin người dùng trúng thưởng. Bốn là, nhắn tin qua mạng xã hội Facebook, Zalo… để mua hàng, sau đó gửi đường link, yêu cầu bị hại điền các thông tin vào đường link để nhận tiền. Sau khi truy cập vào đường link, tiền trong tài khoản của bị hại sẽ tự động chuyển sang tiền của đối tượng.

(Hết)

Việt Nguyễn

Nguồn: Bản tin Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây