Trang chủ Đối tượng Facebooker Phạm Đoan Trang sắp xây dựng một “hệ thống báo...

Facebooker Phạm Đoan Trang sắp xây dựng một “hệ thống báo chí độc lập, chuyên nghiệp”?

203
0

Cuối tháng 05/2019, Diễn đàn Xã hội Dân sự của Nguyễn Quang A có một số hoạt động thu hút sự chú ý của dư luận. Chúng bao gồm bài diễn văn quảng bá đường lối mà ông Nguyễn Quang A đọc tại một hội thảo về biến cố “Thiên An Môn”, được tổ chức tại Đài Bắc hôm 21/05; và một loạt bài viết “đặc san” để kỷ niệm 10 năm hoạt động của trang Bauxite Việt Nam (BVN), chịu ảnh hưởng của Diễn đàn Xã hội Dân sự. Cùng thời điểm đó, một số gương mặt chống đối như Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thúy Hạnh đã đăng lại bản tuyên bố phản đối yếu tố Trung Quốc dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, một văn bản mà Diễn đàn Xã hội Dân sự tung ra từ tháng 03/2019, nhưng không được hưởng ứng đáng kể. Những diễn biến này đặt ra một nghi vấn, rằng Diễn đàn Xã hội Dân sự đang trở lại phối hợp với những nhóm chống đối trẻ hơn, sau một giai đoạn có mâu thuẫn với nhóm Phạm Đoan Trang.

Facebooker Phạm Đoan Trang sắp xây dựng  một “hệ thống báo chí độc lập, chuyên nghiệp”?

Trong tuần qua, hai nhóm này đã đặt vấn đề phối hợp một cách công khai. Ngày 09/06, Trịnh Hữu Long và Phạm Đoan Trang viết một bài trên Luật khoa Tạp chí, trong đó họ vừa “chúc mừng sinh nhật BVN”, vừa đề xuất 3 “giải pháp xây dựng một nền báo chí độc lập, chuyên nghiệp và chất lượng cao”, nhân việc một số bài “đặc san” mô tả BVN như một “tờ báo độc lập”.

Cụ thể, trong giải pháp thứ nhất, họ đề xuất xây dựng một “quỹ hỗ trợ khởi nghiệp báo chí”, mỗi năm chi 250 – 300 nghìn USD để cho ra đời 10 tờ báo “độc lập”. Từ năm thứ hai, các tờ báo sẽ tự gây quỹ từ các nguồn khác nhau, quỹ có thể tiếp tục hỗ trợ nếu cần thiết.

Giải pháp thứ hai là “xây dựng một cơ chế đào tạo nhà báo mới”, trong đó họ sẽ xây dựng một khóa đào tạo báo chí online. Nội dung của khóa học bao gồm “kiến thức về chính trị, pháp luật, môi trường”, kỹ năng viết báo và quản lý tòa báo.

Giải pháp thứ ba là xây dựng mạng lưới nhà báo mới, dạng “nghiệp đoàn báo chí”.

Vì Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06) đang đến gần, hướng tuyên truyền này có thể trở lại vào dịp cuối tháng.

Ông Nguyễn Quang A đã công khai ủng hộ đề xuất của Trang và Long, khi comment trong bài trên fanpage Luật khoa Tạp chí rằng: “Rất đồng tình với 2 bạn. Mình sẵn sàng tích cực vận động lập Quỹ và thuyết phục các nhà báo chính thống sang làm báo chuyên nghiệp thật sự”.

Một sự việc khác, có thể cho thấy Diễn đàn Xã hội Dân sự đang xích lại gần nhóm Phạm Đoan Trang, là việc nhóm Green Trees đi thăm ông Phạm Toàn hôm 12/06.

Cùng ngày 12/06, Nguyễn Vi Yên cũng có dấu hiệu giảng hòa với Phạm Đoan Trang, khi viết rằng “những việc làm dũng cảm và thái độ quyết liệt” của Trang “là nguồn cảm hứng rất lớn” cho mình và các bạn.

Trước hết, chúng tôi xin chúc mừng cuộc tái ngộ giữa 3 nhóm Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Vi Yên. Chúng tôi tin rằng túi tiền của ông Nguyễn Quang A và đám đông của bà Phạm Đoan Trang sẽ là chất keo bền chặt nhất để hàn gắn ba bên, dù họ khác nhau về lí tưởng chính trị và thái độ đối với tri thức.

Nhưng trong sự vui mừng đó, chúng tôi cũng không khỏi quan ngại về 3 điểm thiếu thực tế trong kế hoạch làm báo của bà Trang.

Thứ nhất, những tờ báo mà bà tạo ra không sống bằng tiền của độc giả, mà sống bằng các nguồn quỹ từ nước ngoài. Chúng không phải là những “tờ báo độc lập”, chúng lệ thuộc vào nguồn quỹ. Khi nhà tài trợ gây áp lực, chúng sẽ trở thành công cụ tuyên truyền của nhà tài trợ, thay vì phục vụ nhu cầu thông tin của độc giả Việt Nam.

Thứ hai, bà Trang không đủ trình độ và tư cách để xây dựng một khóa đào tạo báo chí online. Trong các bài viết từ năm 2015 đến nay, bà đã liên tục vi phạm các tiêu chuẩn của phương Tây về nghiệp vụ báo chí. Chẳng hạn, trong khi phương Tây coi nhiệm vụ đầu tiên của báo chí là đưa tin chính xác và đầy đủ, Đoan Trang thường xuyên cổ vũ những nguồn tin giả mạo, như lần bà ca ngợi fanpage giả mạo Ban Tuyên giáo Việt Nam. Trong khi phương Tây quan niệm rằng báo chí phải công bằng, Đoan Trang chưa bao giờ thừa nhận thành tựu và năng lực của các quan chức trong Chính phủ, cũng như chưa bao giờ phản ánh đủ thứ tệ nạn đã và đang hiện diện trong giới “đấu tranh” – từ buôn ma túy, mại dâm, hiếp dâm, cho đến biển thủ công quỹ… Trong các bài viết của Trang, đã làm công chức Nhà nước thì phải độc ác, nham hiểm, hèn nhát, vô dụng; còn đã làm “nhà hoạt động” thì phải “yêu nước”, “tài năng”, “đa cảm”, xứng đáng “anh hùng”, “anh thư”… Nói một cách công bằng, Phạm Đoan Trang có văn phong giống các “Hồng Vệ Binh” thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, hơn là giống văn phong chuẩn mực của báo chí Anh – Mỹ.

Nếu chúng tôi không lầm, thì dù các khóa đào tạo báo chí của bà Trang từng đón hàng trăm lượt học viên, chưa ai trong số này đạt đến trình độ của một phóng viên chuyên nghiệp. Khi chưa từng đào tạo được một phóng viên, cũng không còn năng lực và đạo đức nghề nghiệp của một phóng viên, Đoan Trang không nên nghĩ đến việc xây dựng một hệ thống báo chí.

Thứ ba, hiện truyền thông “lề trái” vẫn lệ thuộc vào thông tin thứ cấp từ báo chí “lề phải”, chứ chưa có khả năng tự chủ về nguồn tin. Họ chỉ có khả năng phỏng vấn các nhóm “dân oan”, các nhóm tôn giáo không được công nhận, và các nhóm “cờ vàng” – tức những nhóm người cùng “phe” với họ, và cung cấp một phần rất nhỏ thông tin về xã hội. Nếu tình trạng này còn kéo dài, truyền thông “lề trái” sẽ chỉ tồn tại để phụ họa, lấp khoảng trống cho “lề phải”, chứ không có khả năng thay thế “lề phải” như tham vọng của bà Trang.

Có lẽ 3 vướng mắc vừa nêu đều xuất phát từ 1 lý do: Phạm Đoan Trang viết báo để tuyên truyền cho phe cánh chính trị của mình, thay vì để cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, đa chiều cho độc giả.

Nguồn: Loa Phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây