Ngày 25/6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Chủ trì cuộc làm việc là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Buổi làm việc có sự tham dự của 2 Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công An, đại diện các Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Cục An toàn Thông tin, đại diện của Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Tổng cục Thuế.
Khách mời tham dự còn có đại diện các thương hiệu quảng cáo trên nền tảng có nội dung xấu độc như Grab, Shopee, Yamaha Việt Nam, FLC, Trường Hải, Sun Group, các đại lý quảng cáo, công ty luật đại diện pháp lý cho Google và một số doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam.
Cách đó không lâu, chiều ngày 19/6 Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục công bố thêm 40 nhãn hàng mới vẫn phát quảng cáo trong các clip phản động, hoặc quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh các video xấu độc.
Danh sách lần này có những cái tên như tập đoàn FLC, AirAsia, công ty phân phối ôtô du lịch Chu Lai Trường Hải, một số trường đại học lớn tại Việt Nam như Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Thương Mại, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Trước đó, ngày 10/6 cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã gửi công văn tới 20 doanh nghiệp, yêu cầu dừng ngay việc quảng cáo trong các video nội dung xấu độc trên YouTube. Cục cũng yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình về tình trạng này.
“Cục sẽ phối hợp với lực lượng an ninh và cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp đã được cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm”, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết. Đến nay, đã có 15 doanh nghiệp gửi văn bản giải trình.
Như vậy tính đến thời điểm này đã có hơn 60 nhãn hàng được yêu cầu kiểm tra lại việc quảng cáo trên các video phản động, phản cảm
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, YouTube và Google hiện nay có 3 sai phạm lớn tại Việt Nam gồm quản lý nội dung lỏng lẻo, không kiểm soát hoạt động quảng cáo và cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp.
Điều đáng lưu ý là trong những quảng cáo trên video độc hại này có sự góp mặt của rất nhiều nhãn hàng, thương hiệu lớn như: Samsung Việt Nam, Huawei, Grab, FPT shop, Yamaha, Shopee, Watsons (Việt Nam), Công ty CP VNG, Công ty TNHH Trung tâm Thể dục Thể hình và Yoga California, Công ty cổ phẩn giáo dục Topica English, Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Đức, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản,…
Trước những văn bản cảnh báo từ cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử các nhãn hàng lớn như Yamaha Việt Nam, Samsung Việt Nam, FPT Shop, Sun Group,… đã tiến hành rà soát toàn bộ chiến dịch quảng cáo của mình và chấm dứt hợp đồng hợp tác với Youtube.
Việc quản lý nội dung, mang đa kênh do Youtube ủy quyền ở Việt Nam đã tiếp tay cho những video bạo lực, phản cảm được đăng tải để thu hút người xem có cơ hội kiếm tiền quảng cáo. Một phần khác, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp khi toàn bộ hình ảnh thương hiệu của mình doanh nghiệp có thể quyết định được quảng cáo ở trên kênh nào, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại không kiểm soát được điều này trên mô hình Google Adsense và thường giao cho bên thứ 3 trực tiếp quản lý.
Tình trạng quảng cáo của các doanh nghiệp lớn xuất hiện bên cạnh các clip nội dung bẩn trên YouTube, đã bị phát hiện kể từ năm 2017. Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã làm việc với doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và phía YouTube để chấn chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng nói trên bùng phát trở lại giai đoạn đầu 2019.
Trong 1,5 năm qua phía YouTube cũng đã hợp tác gỡ bỏ khoảng 8.000 clip bẩn khỏi nền tảng theo yêu cầu của phía Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 55.000 clip xấu độc khác tồn tại trên nền tảng này chưa được gõ bỏ.
Hiện nay, mỗi một phút trên Youtube sẽ có thêm 400 giờ video mới được đăng tải – con số này đã cho thấy độ phủ sóng của mạng chia sẻ video trực tuyến này. Chính vì thế, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi hiện nay việc sản xuất các nội dung ở mọi lĩnh vực và đưa lên Youtube không còn là xu hướng nhất thời nữa.
Để thực hiện mục đích kiếm tiền trên Youtube, nhiều người đã không ngừng tìm kiếm các nội dung khác nhau để làm video đăng tải và tìm kiếm người xem. Người xem càng nhiều thì đồng nghĩa với việc họ kiếm tiền quảng cáo ngày một nhiều, vì thế mà các nội dung cũng sẵn sàng trở thành các nội dung phản cảm, đánh mất giá trị văn hóa, xã hội.
Hàng loạt các video có sức thu hút người xem với các nội dung được sản xuất mang tính rất phản cảm như: thử thách 24 giờ làm động vật, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học, nấu mì tôm trong bồn cầu,…
Đặc biệt sau khi những cái tên giang hồ mạng nổi lên như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền,… thì hàng loạt các trang Youtube phản cảm, mang tính bạo lực, thách thức pháp luật đã bỗng chốc rầm rộ xuất hiện, được tung lên cùng với những hình ảnh phản cảm, lời nói dung tục, hành vi bạo lực… Thậm chí nhiều bộ phận của giới trẻ chỉ từ 15 – 18 tuổi đã tung hô, thần tượng các nhân vật này để ủng hộ sai trái một cách mù quáng.
Việc những “giang hồ mạng” ngày đêm lên Youtube nói về xã hội theo một cách sống của họ, thì người ảnh hưởng nhiều nhất chính là con trẻ, những đứa trẻ thích “dán mắt” vào những video trên Youtube. Những video nhảm nhí, tiêu cực sẽ gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành nhân cách và tư duy của trẻ.
Youtube có mặt ở Việt Nam hơn chục năm nay, là một trong những mạng xã hội mở được tự do, thoải mái về mặt nội dung sản phẩm. Youtube hoàn toàn tự do hơn các kênh truyền hình, phim ra rạp vì không phải chịu sự kiểm soát của nhà đài hoặc không có hội đồng thẩm định, việc xét duyệt theo nguyên tắc của Youtube rất yếu, thậm chí hành vi bạo lực, xâm hại đời tư,… cũng được kênh này chấp thuận cho đăng tải.
Hiện nay, Google cho phép bật tính năng suggest (gợi ý) cho những kênh, clip xấu độc, nhưng tính năng này đã xử lý nội dung xấu độc theo tỷ lệ rất nhỏ trên Youtube (0,1%) còn lại đều được “nới lỏng” phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.
Chính bản thân Youtube đã thừa nhận không có hệ thống tự động thông minh nào là hoàn hảo, bởi chính cá nhân những người quản lý và nhân viên của Youtube cũng không thể xem thủ công tất cả các video. Việc mà họ phát hiện trường hợp vi phạm tốt nhất có thể làm đó chính là tỉ lệ số người xem báo cáo cho Youtube. Điều này đã cho thấy việc kiểm duyệt nội dung cho người dùng vẫn chưa có biện pháp triệt để.
Trong 2 năm vừa qua, Google cũng đã hợp tác tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video xấu độc theo yêu cầu. Tuy nhiên, tình trạng các video xấu độc vẫn ngày đêm được đăng tải trên nền tảng này, và dự báo sẽ còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Kênh Youtube của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền sau khi được yêu cầu gỡ bỏ, chỉ mất 6 tiếng để phía Google hợp tác tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng việc xóa bỏ kênh này thì Youtube lại không có cơ chế giám sát những nội dung video được đăng tải lại ở trên một kênh khác. Vì thế, sau đó những video này lại được đăng tải và vẫn thu hút người xem.
Lỗ hổng trong quản lý của Youtube đã tạo ra những cơ hội phát triển, con đường kiếm tiền sai trái cho những kênh có nội dung phản cảm, vi phạm đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa, xuyên tạc nói xấu chế độ,… Chính vì thế, phía Việt Nam cần mạnh tay hơn nữa để có thể yêu cầu phía đại diện Youtube và Google hợp tác để cùng tạo nên một môi trường mạng xã hội có không gian trong sạch, lành mạnh.
Tùng Lâm (TH)
Nguồn: Ngọn Cờ