Trang chủ Tin tức Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ...

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet

188
0

Sáng nay (24/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Ngay sau khi hệ thống khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống này. 

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet

Các đại biểu dự sự kiện khai trương Hệ thống e-Cabinet.

Cùng dự lễ khai trương có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; các Phó thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tham dự lễ khai trương; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương; các vị khách quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn Phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Hệ thống e-Cabinet. Sau hơn 3 tháng tích cực chuẩn bị, VPCP cùng các Bộ, ngành, cơ quan đã xây dựng và hoàn thiện, Hệ thống e-Cabinet đã sẵn sàng triển khai trên thực tế. 

e-Cabinet khi đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi đầy đủ các chức năng như: cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các Thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết, điện tử thông qua thiết bị di động.

e-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi Phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các Thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho Thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến…

Ngay sau khi khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống này, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử. Phiên họp có 21/27 thành viên Chính phủ. Các thành viên vắng mặt vẫn có thể theo dõi phiên họp và thực hiện biểu quyết qua thiết bị di động.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, nội dung dự thảo đã qua quá trình chuẩn bị, Bộ chủ trì đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, đã có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đủ điều kiện lấy ý kiến thành viên Chính phủ.

Dự thảo Nghị quyết do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình Chính phủ. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, với mục tiêu xây dựng chính sách là tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, cung cấp và sử dụng định danh điện tử và dịch vụ xác thực điện tử, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh và đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Có 2 nhóm chính sách chính gồm: Quy định hình thức định danh và xác thực điện tử, để tạo hành lang pháp lý cho các hình thức định danh và xác thực điện tử; thứ hai là quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng các công nghệ phù hợp, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đồng thời, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm khi sử dụng định danh điện tử, dịch vụ xác thực điện tử.

Trong quá trình xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xin ý kiến của 29 Bộ, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố; xin ý kiến rộng rãi của người dân trên Cổng thông tin điện tử. Tiếp đó Bộ cũng đã lấy ý kiến thẩm định, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Như vậy đã đủ các điều kiện để xin ý kiến thành viên Chính phủ. Toàn bộ hồ sơ tài liệu đã được gửi trước đến các thành viên Chính phủ qua Hệ thống e-Cabinet. Các thành viên Chính phủ đã tham gia ý kiến, thể hiện sự đồng thuận cao và đến nay không còn ý kiến khác nhau.  

Sau khi Thủ tướng phát lệnh biểu quyết, các thành viên Chính phủ đã biểu quyết thông qua hệ thống e-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 người dự biểu quyết tại chỗ, 4 người biểu quyết qua mạng).

Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết này và đã sử dụng thiết bị di động nhấn nút ký để ban hành Nghị quyết./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây