Hơn 1 triệu người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự Luật dẫn độ bởi vì họ nghi ngờ và lo sợ mình có thể trở thành nạn nhân của luật pháp Trung Quốc. Cảnh sát lúng túng trong việc đối phó và ngăn chặn vì không thấy người lãnh đạo cũng như tìm được “đầu rắn”nào để loại bỏ.
Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự Luật Dẫn độ vì người dân cho rằng dự luật này sẽ dọn đường để chính quyền Trung Quốc có thể xét xử những nhà hoạt động dân chủ của Hồng Kông bằng hệ thống tư pháp đầy khiếm khuyết.
Nếu như “phong trào Dù vàng” phản đối kế hoạch cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hồng Kông vào 5 năm trước đây thất bại do thiếu kế hoạch phối hợp thì cuộc biểu tình phản đối dự Luật dẫn độ mới đây ở Hồng Kông đã thay đổi, sử dụng chiến thuật: Phi tập trung hóa và không có người lãnh đạo. Người biểu tình chấp nhận quan điểm khác biệt của nhau về cách thức, vị trị trí đặt chướng ngại để cùng hướng đến mục tiêu chung. Họ đeo khẩu trang, biến áo phông thành khăn trùm đầu, đeo kính bảo hộ và găng tay. Chỉ cần ai đó trong đám đông hô vang “Tiến lên!” thì ngay lập tức, những người biểu tình đồng loạt tiến về phía cảnh sát, đếm nhịp “một, hai, một, hai” rất đồng đều.
Mặc dù không quen biết nhau nhưng tinh thần “tương thân tương ái” giữa họ hiện lên rất rõ. Bất cứ ai cần mũ bảo hiểm, mặt nạ hay dù sẽ ngước lên trời và hô lớn. Những người xung quanh họ sẽ ngừng lại và chuyền thông điệp này ngay lập tức qua đám đông với tiếng hô đồng thanh và động tác tay hài hòa: vỗ tay vào đầu nếu cần nón bảo hiểm, nắm tay lại đưa lên mắt nếu cần kính bảo vệ. Nếu thật sự không có người lãnh đạo, liệu biểu tình ở Hồng Kông có được tổ chức thuần thục như đã có kinh nghiệm diễn tập từ lâu như vậy hay không?
Hơn 1 triệu người Hồng Kông đổ xuống đường biểu tình.
Không giống như trước đây, những người biểu tình cố tình tránh xa máy ảnh, dù là máy của nhà báo hay cảnh sát. Họ liên tục nhắc nhở nhau đeo khẩu trang, ngần ngại cho chụp ảnh và tránh tiết lộ danh tính khi được phỏng vấn. Đám đông tỏ ra rất “cố gắng” và “tận tụy” trong cuộc biểu tình. Nếu như không có kẻ cầm đầu đứng sau nhắc nhở, khuyến cáo thì họ cẩn trọng được như vậy sao?
Đáng bàn hơn nữa là phương thức kêu gọi biểu tình, có rất nhiều kênh khác nhau, từ trực tiếp phát tờ rơi trên phố đến lập những kênh chat trực tuyến bí mật. Người biểu tình nhận thông tin từ các mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, các kênh trò chuyện, bỏ phiếu thông qua Internet để đi đến quyết định hành động. Một diễn đàn trực tuyến thu hút đông đảo người tham gia là LIHKG, phiên bản Reddit của người Hồng Kông nơi những người dùng ẩn danh đưa lên những ý tưởng về biểu tình đồng thời lôi kéo người lớn tuổi tham gia (cụ thể là những bà mẹ). Rõ ràng, đã có sự suy tính để hoạt động kêu gọi biểu tình diễn ra trót lọt mà không vấp phải sự ngăn cản nào. Vậy thì biểu tình ở Hồng Kông có thật sự vắng kẻ cầm đầu?
Tưởng chừng như không có nhưng cá nhân tôi cho rằng, kẻ cầm đầu đã ngụy trang, đứng sau bày binh bố trận, tung ra thủ đoạn, điều khiển người biểu tình, gây áp lực và khó khăn cho lực lượng chức năng. Người dân Hồng Kông biểu tình có thể vì mục tiêu tích cực nhưng vô tình bị lợi dụng, thậm chí chính bản thân họ cũng không biết mình đang là con rối của thế lực ngầm nào đó đứng sau “mượn đao giết người”. Chúng lợi dụng sự bức xúc phản đối dự Luật dẫn độ của người dân để che đậy âm mưu chống phá từ bên trong. Thật nguy hiểm nếu như lực lượng an ninh không can thiệp được vào mảng công nghệ này, ngăn chặn đám đông lợi dụng không gian mạng nhằm phục vụ cho mưu đồ chính trị đen tối.
Một số ứng dụng trò chuyện trên điện thoại
Ngay sau vụ biểu tình ở Hồng Kông, trang tin phản động RFA và VOA Tiếng Việt đã có bài viết “Sử dụng ứng dụng kỹ thuật bảo mật để huy động biểu tình” và “Hồng Kông biểu tình với chiến thuật mới: Không có lãnh đạo”. Nếu người dân mình không có sự cảnh giác thì rất dễ bị những luận điệu có trong bài viết dẫn dắt suy nghĩ sai lệch, trở thành một quân cờ, cũng sử dụng các ứng dụng bảo mật để hô hào kêu gọi biểu tình mà thực chất là kích động bạo lực chống phá chính quyền, thậm chí làm tổn thương chính mình. Vì vậy, người dân yêu nước, có trí thức thì càng phải tỉnh táo hơn bao giờ hết, tránh bị chiêu trò của kẻ xấu dắt mũi.
Thu Huyền
Nguồn: Ngọn Cờ