Sự việc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc vừa bị cơ quan Công an khởi tố về hành vi vòi tiền, đòi chung chi lên tới hàng chục tỷ đồng đang trở thành đề tài bình luận nóng trên các diễn đàn nhiều ngày qua. Chỉ mới một huyện nhỏ bé, không giàu có gì mà cán bộ thanh tra vòi vĩnh hàng chục tỷ đồng như vậy, thử hỏi mỗi năm các doanh nghiệp bị các vị “ghé thăm” nhiều lần thì con số chung chi sẽ lên đến bao nhiêu?
Chẳng phải ngẫu nhiên lại đặt câu hỏi như vậy, khi mà mới đây tại Hội thảo “Để công tác thanh, kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt – Đức cho biết rằng “đến 99% doanh nghiệp rất ngại tiếp cơ quan thanh tra vì cứ thanh, kiểm tra là phải lót tay”. Lâu nay, chúng ta nói quá nhiều về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, phát triển, nhưng tại sao doanh nghiệp vẫn phải khổ sở vì bị thanh tra nhũng nhiễu, vòi vĩnh như vậy? Liệu có phải vì doanh nghiệp là “miếng mồi ngon” trong tay của đoàn thanh tra? Khi mà trên thực tế, một số thanh tra lại chỉ nhằm bắt lỗi doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp không tìm được lỗi nào, lại quay ra xin “tài trợ”. Như câu chuyện trưởng Phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Bình Định bị bắt quả tang khi nhận hối lộ 130 triệu đồng từ đại diện một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn. Hay một ông phó cục trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đi thanh tra mà có tới gần 400 triệu đồng bị đánh cắp…
Khi mà Chính phủ đang liên tục có những chính sách phù hợp, ưu đãi đối với các doanh nghiệp như ban hành: Nghị quyết 35 “về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; Chỉ thị 20 “về việc chấn chỉnh thanh tra kiểm tra doanh nghiệp” … thế nhưng rất tiếc là tinh thần, chỉ đạo của Thủ tướng dường như bị cấp dưới “quên lãng” khi triển khai. Những tiếng kêu than từ phía khu vực này dường như vẫn chưa giảm bớt. Một CEO của startup với chuỗi 20 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội đã than thở bị thanh tra liên miên, 20 ngày đã phải tiếp tới 7 đoàn thanh, kiểm tra: “Do quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tôi đã phải thành lập thêm một bộ phận chuyên tiếp đón đoàn. Đội đấy gồm 3 người với tổng lương gần 30 triệu đồng. Công việc của đội này là chờ các đoàn kiểm tra đến để in giấy tờ, gọi điện trước để biết cần chuẩn bị cái gì”. Hay lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Phi Long chia sẻ “được thanh, kiểm tra 138 lần/ năm”.
Suốt ngày phải phục vụ công tác kiểm tra như vậy, thử hỏi làm sao doanh nghiệp có động lực để lớn, để làm ăn bài bản? Chưa kể, việc thanh tra nhiều lần còn ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của họ, cho dù chưa biết kết quả thanh tra như thế nào. Như chuyện Quản lý thị trường trống giong cờ mở, ập đến kiểm tra tại các cửa hàng Con Cưng với tổng cộng 195 cuộc thanh tra hồi năm ngoái. Trong khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra thì đội quản lý thị trường đã vội vàng lên báo trả lời các sai phạm của doanh nghiệp này. Và thế là hàng loạt tờ báo nhảy vào xâu xé, giật tít, bình luận tuồng ra các thông tin úp mở: nào là Con Cưng bán hàng giả, hàng lậu; thậm chí doanh nghiệp này sắp có vài người đi tù vì có dấu hiệu vi phạm hình sự. Nhưng rồi cuối cùng thì sao? Con Cưng được rửa oan khi đoàn kiểm tra kết luận, doanh nghiệp “cơ bản chấp hành đúng pháp luật, chỉ có những sai sót về nội dung tem nhãn chưa chuẩn chỉ”. Sau tất cả, chỉ có doanh nghiệp điêu đứng, lao đao, thiệt hại giảm 20% lượng khách hàng, doanh số giảm 1-2 tỷ/ngày, còn những người làm sai của lực lượng quản lý thị trường vẫn chỉ bị phê bình, rút kinh nghiệm.
Trong khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra thì đội quản lý thị trường đã vội vàng lên báo trả lời các sai phạm của doanh nghiệp này.
Vậy là bao khát vọng, nhiệt huyết, hoài bão của các bạn trẻ lần đầu khởi nghiệp đã bị dập tan. Uy tín doanh nghiệp gầy dựng bấy lâu nay bỗng đỗ xuống sông bể. Có lẽ nỗi oan này sẽ hằn sâu, là nỗi sợ của doanh nghiệp mãi mãi về sau mỗi khi nhắc đến cái tên “Quản lý thị trường”. Sự việc này đã khắc họa sâu sắc thân phận doanh nghiệp tư nhân làm việc ngay thẳng quá nhiều lúc cũng chết.
Nền kinh tế tư nhân đang giữ vai trò quan trọng ở mỗi địa phương nói riêng và đất nước nói chung, thế nhưng nghịch lý ở chỗ, các doanh nghiệp này rất ngại lớn. Nói cách khác là đa số không muốn bị nhà nước chiếu cố và “thăm hỏi” thường xuyên. Bởi các thanh tra toàn “nắm kẻ có tóc” chứ ít khi “túm kẻ trọc đầu”, doanh nghiệp cứ kinh doanh lớn thì càng phải đón tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra. Từ thanh tra phường đến bộ, hôm nay thuế, mai lại hải quan, ngày kia lại phòng cháy chữa cháy, rồi đến quản lý thị trường… Nhìn thực tế trên mới biết, việc bươn chải để trụ với thị trường, sức ép của các đối thủ cạnh tranh chẳng thấm vào đâu so với chuyện vắt óc suy nghĩ làm sao thoát khỏi sự hành hạ của những cán bộ, thanh tra ghé thăm.
Tới đây chính quyền các cấp sẽ phải thay đổi thái độ với doanh nghiệp, nếu như không muốn Thủ tướng “chỉ mặt điểm tên”, xử lý nghiêm những trường hợp đi ngược với chỉ đạo người đứng đầu Chính phủ.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra công điện khẩn “về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công tư”. Không những thế, người đứng đầu Chính phủ còn quán triệt rằng “Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước”. Có lẽ, tới đây chính quyền các cấp sẽ phải thay đổi thái độ với doanh nghiệp, nếu như không muốn Thủ tướng “chỉ mặt điểm tên”, xử lý nghiêm những trường hợp đi ngược với chỉ đạo người đứng đầu Chính phủ.
Minh Thư
Nguồn: Ngọn Cờ