Trang chủ Luận bàn - Phản biện Sự "độc lập giả tạo" của báo chí phương Tây

Sự "độc lập giả tạo" của báo chí phương Tây

169
0

“Nhà báo độc lập, nhà báo tự do” là những khái niệm nhiều năm nay các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn ca ngợi, cổ súy. Vậy bản chất vấn đề là gì? xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Ðức. Bài viết vạch rõ về thực tế tự do, độc lập của báo chí phương Tây, thật sự chỉ là chiêu bài, là sự “độc lập giả tạo”. 

Sự "độc lập giả tạo" của báo chí phương Tây

(Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, trong khi ca ngợi “nền dân chủ phương Tây”, một số người ở trong và ngoài Việt Nam rất hăng hái cổ súy cho cái gọi là “nhà báo độc lập, nhà báo tự do”, coi đó là cơ sở để đưa ra sản phẩm viết lách theo quan điểm chính trị – xã hội riêng. Với các nhãn hiệu này, họ ca ngợi, bảo vệ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải,… trong khi đó những người này đều là những người vi phạm pháp luật, đã bị Tòa án nhân dân ở Việt Nam kết án tù. Ca ngợi, bảo vệ những người này, họ cố tình không biết là lâu nay dư luận ở phương Tây đã vạch rõ cái gọi là “độc lập” của người làm báo chỉ là “độc lập giả tạo”. Bởi về danh nghĩa, nhà báo ở phương Tây hoạt động độc lập, song trong thực tế hoạt động nghề nghiệp, họ luôn phải phụ thuộc vào các ông chủ trên nhiều phương diện, như kinh tế, pháp lý, công bố tác phẩm…

Ðây không phải là kết luận vu vơ, mà đã được đưa vào từ điển chuyên ngành (Lexikon) của Hiệp hội các nhà báo Ðức (DJV) với nội hàm: “Sự độc lập giả tạo là trường hợp người làm việc tự do nhưng không tự chủ, họ lao động tương tự như nhân viên cố định, có văn phòng riêng trong tòa soạn, thời gian làm việc ít nhiều theo quy định, có cấp trên nhất định, phải tuân thủ các chỉ thị của ban quản lý và ban biên tập về nội dung công việc được giao”. Từ điển trên còn cho biết một công trình nghiên cứu đã chỉ rõ sự độc lập giả tạo rất phổ biến trong người làm báo. Nhiều nhà báo tự do phải làm việc với một khoản nhuận bút thấp, nhưng lại được sử dụng như các đồng nghiệp chính thức. Bởi thế, cơ quan Hải quan và Quỹ bảo hiểm hưu trí ở Ðức đang rất kiên quyết chống lại sự độc lập giả tạo ngày càng gia tăng tại các tập đoàn truyền thông.

Ngày 11/1/2018, trang mạng “Tình yêu tự do – cổng thông tin cho báo chí phê phán” đăng bài “Báo chí dối trá hay quyền lực của các tập đoàn lớn?”. Bài có đoạn viết: “99,5% số báo hằng ngày được bán trên ki-ốt có nguồn gốc từ năm nhóm xuất bản lớn nhất ở Ðức. Sức mạnh truyền thông nằm trong tay của số ít tỷ phú, triệu phú. Báo chí dối trá? Mất niềm tin? Tự do báo chí? Các cuộc tranh luận này đều nằm trong bối cảnh của câu hỏi về tương quan sở hữu. 99,5% là con số tác giả Horst Röper (H. Ruê-pờ) đưa ra trong công trình “Thị trường báo chí 2016”. Bê bối là ở chỗ con số này dường như không phải là bê bối, vì chúng ta đã quá quen với việc truyền thông trên toàn cầu do các tập đoàn trị giá hàng tỷ USD sở hữu, đến nỗi chúng ta khó có thể tưởng tượng có bất kỳ văn hóa truyền thông nào khác nữa…

Về cơ bản, 11 tỷ phú, triệu phú đã phân chia, chi phối thị trường báo chí, cho nên ngày càng nhiều người không tin vào các phương tiện truyền thông, vậy: Ai sở hữu truyền thông? Người dân có còn gì không?… Dẫn đầu là các tập đoàn đa ngành, quy mô rất lớn, kinh doanh đa quốc gia, họ bán hàng hóa và kinh doanh dịch vụ trên toàn thế giới nhưng không liên quan đến báo chí. Vì thế, nhà báo chỉ là con tin, biên tập viên và các phương tiện truyền thông chỉ là phương tiện. Khi các tập đoàn lớn thống trị phương tiện truyền thông thì các nhà xuất bản độc lập, báo chí độc lập hầu như không có. Vậy một nền dân chủ có thể chịu đựng điều này bao lâu nữa?”.

Trước đây, người sáng lập tạp chí Tấm gương, ông R. Augstein (R. Au-kơ-stain) từng tuyên bố Tấm gương là “khẩu đại bác tiến công của nền dân chủ”, được coi là “thí dụ điển hình của báo chí nghiêm túc”. Tuy nhiên tháng 12/2018, sau khi vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử 70 năm của tạp chí này bị phanh phui, thì cái gọi là “độc lập” đã sụp đổ, thay vào đó là tên gọi: “tòa nhà xây trên sự dối trá”. Sự kiện bắt đầu khi một nhà báo làm việc cho Tấm gương khảo sát và phát hiện rất nhiều sai phạm của biên tập viên, phóng viên C.Relotius (C.Rê-lô-tít). Ban đầu, ban biên tập đã phớt lờ cảnh báo. Nhưng khi bằng chứng đưa ra quá rõ ràng, họ buộc phải thông báo công khai về sai phạm nghiêm trọng của một nhà báo nhiều năm được coi là “tác giả mẫu mực” của giới nhà báo trẻ phương Tây. Cuối cùng, C.Relotius đã thú nhận: nhiều câu chuyện trong các phóng sự là do ông bịa đặt toàn bộ hoặc một phần, một số nhân vật chính mà ông kể chỉ là hư cấu. Ðáng chú ý, C.Relotius đã qua một quá trình đào tạo bài bản, nhiều năm hoạt động với tư cách một “nhà báo độc lập”, từng học đại học Chính trị học và Nghiên cứu văn hóa, thực tập tại tờ Hằng ngày (Taz), có bằng thạc sĩ, năm 2017 được Tấm gương nhận làm việc cố định với tư cách biên tập viên, trước đó hơn bảy năm liền, ông là nhà báo tự do cộng tác với Tấm gương.

Trên Tấm gương, C.Relotius công bố gần 60 bài báo, hàng chục bài khác được đăng trên một số báo, tạp chí danh giá ở châu Âu. Nhiều người phê phán C.Relotius, đồng thời quyết liệt chỉ trích Tấm gương và cái gọi là tự do báo chí phương Tây. Nhiều nhà báo, nhà khoa học cho rằng trong chừng mực nhất định, C.Relotius chỉ là nạn nhân, vì trong thời gian dài, ông đã viết những gì mà ban biên tập, hội đồng trao giải báo chí hằng năm muốn nghe, dù nội dung nhiều bài báo không đúng sự thật. C.Relotius được tòa soạn cử đi viết phóng sự tại những điểm nóng có tính thời sự như Thổ Nhĩ Kỳ, U-crai-na, biên giới Mê-hi-cô, vận động tranh cử Tổng thống tại Mỹ…

Tới Thổ Nhĩ Kỳ gặp người tị nạn, khi trở về Ðức, C. Relotius viết phóng sự “Những đứa con của nhà vua” kể về số phận đau khổ của hai trẻ mồ côi Syria (Xy-ri) sống trên đường phố. Nhưng phần lớn nội dung của phóng sự là sai sự thật, chuyện cuộc đời của hai đứa bé phần lớn chỉ là hư cấu. Song nhiều bài báo C. Relotius viết về các vấn đề này được trao các giải thưởng như: Truyền thông Thụy Sĩ dành cho nhà báo trẻ (năm 2012), “nhà báo trẻ tài năng” (năm 2012), truyền thông của TP Coburg (Cô-buốc), “nhà báo của năm” và “nhà báo của năm về thể loại báo in” của CNN (năm 2014)… C. Relotius còn được trao nhiều giải thưởng khác như: “phóng viên Ðức”, “Tự do Reemtsma”, “Peter Scholl-Latour-Preis”, “European Press Prize” (giải báo chí châu Âu), “giải nhà báo” của nhà xuất bản từ điển tiếng Ðức Duden (Ðu-đen)… Và đến giờ công chúng mới biết, phần lớn những bài báo đó, ở mức độ khác nhau, đều đi ngược “Tiêu chí báo chí” của Hội đồng báo chí Ðức, và lập tức Relotius bị thu hồi các giải thưởng.

Đề cập sự kiện nêu trên, ngày 23/12/2018, tờ Frankfurter Allgemeine đăng bài “Vụ lừa đảo ở Tạp chí Tấm gương là trường hợp cá biệt?” với câu hỏi mấu chốt: Ðây là trường hợp riêng biệt hay là lỗi có tính hệ thống ở Tấm gương và báo chí nói chung? Câu hỏi được bàn luận sôi nổi, hầu như báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đều tham gia, đăng bình luận. Nhiều người cho rằng, đây là lỗi có tính hệ thống. Như trang mạng NachDenkeiten ngày 20/12/2018 đăng bài “Dưới ánh sáng của hàng loạt điều giả tạo bị phanh phui, Tấm gương tỏ ra trong sạch, nhưng không công tâm” trong đó viết: “Ðiều giả dối có thể bị phanh phui, song thật khó chịu khi lâu nay Tấm gương lại gây ấn tượng rằng mọi chuyện đều hoàn hảo và Tấm gương viết đúng sự thật. Ấn tượng sai lầm này bắt buộc phải phản biện: Vụ lừa đảo là không thể chấp nhận, Tấm gương đã từ bỏ vị trí vốn tự nhận là một nhà giám sát nghiêm khắc các sự kiện chính trị ở Ðức. Ðiều này còn tồi tệ hơn nhiều so với sự giả dối của C. Relotius. Vậy đâu là giám sát nghiêm khắc của Chương trình nghị sự 2010? (Chương trình nghị sự năm 2010 là kế hoạch về cải cách hệ thống xã hội và thị trường lao động của Ðức, được chính phủ Liên bang ban hành – HNT).

Ðâu là giám sát nghiêm khắc khi NATO mở rộng ảnh hưởng về phía đông? Ðâu là bình luận phê phán vụ đánh bom vi phạm luật pháp quốc tế đối với phần còn lại của Nam Tư? Ðâu là giám sát nghiêm khắc với việc mở rộng phạm vi cho phép sử dụng công nhân vay mượn? (trong tiếng Ðức, Leiharbeiter là khái niệm có nghĩa là “công nhân vay mượn”, dùng chỉ những người lao động tự do ký hợp đồng với công ty môi giới lao động để làm việc cho các công ty có nhu cầu vay mượn lao động tự do – HNT). Ai đã tiến hành chiến dịch chống Nga, nhất là chống Tổng thống Putin?…

Tấm gương đã tham gia các chiến dịch gây ảnh hưởng, tác động tới việc ban hành những quyết định. Và điều này làm thay đổi xã hội của chúng ta theo hướng trở nên tồi tệ hơn, làm cho nền hòa bình của châu Âu trở nên kém an toàn hơn, buộc chúng ta phải chi các khoản tiền rất lớn. Dưới sự tham gia, tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông như Tấm gương, vũ khí và lực lượng quân sự trở nên dễ chấp nhận, mà đáng lẽ ra, truyền thông phải tham gia giám sát nghiêm khắc, đó là mong đợi của mọi người dân”. Sau bê bối ở Tấm gương, dư luận bàn luận sôi nổi về câu hỏi, liệu báo chí phương Tây có cơ bản thay đổi trong tương lai? Phần lớn người đọc đều chia sẻ quan điểm của bà V.Lengsfeld (V.Lên-gơ-phết, chính trị gia và nhà báo người Ðức) vào ngày 28/12/2018 đã nói rằng: “C.Relotius đã ra đi, nhưng tinh thần mà anh ta phục vụ vẫn còn ở lại”.

Từ thực trạng báo chí phương Tây, từ bê bối của C.Relotius, có thể thấy, ở đó không có “nhà báo độc lập, nhà báo tự do”. Người làm báo nào đi ra ngoài ý muốn của giới chủ báo thì không thể hành nghề, ngược lại họ có thể được tôn vinh dù viết báo bằng lối bịa đặt, dựng chuyện. Với nhóm người được ca ngợi hoặc tự nhận là “nhà báo độc lập, nhà báo tự do” ở Việt Nam cũng vậy, họ không thể vượt ra ngoài ý muốn của các thế lực đã trả tiền để họ đưa lên mạng thứ sản phẩm vu khống, bịa đặt mà mục đích là chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy,… từng công bố cụ thể số tiền họ đã nhận khi đóng vai “nhà báo độc lập, nhà báo tự do”. Nhờ lượng khoan hồng của Nhà nước, họ được ra nước ngoài định cư. Và giờ đây trên đất Mỹ, quả chanh đã bị vắt hết nước, mấy người này cũng kết thúc vai trò “nhà báo độc lập, nhà báo tự do” để trở về với chiếc lều xập xệ như trong truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”!./.

Hồ Ngọc Thắng (CHLB Đức)

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây