Giới “dân chửi” Việt Nam nghĩ gì về đợt biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ, hiện đang diễn ra ở Hong Kong? Khi tuyên truyền về chủ đề này trong tuần qua, họ đã chủ yếu khai thác 2 thông điệp.
Trong thông điệp thứ nhất, họ khen Hong Kong và chê Việt Nam. Họ viết rằng qua việc “hàng triệu” người Hong Kong tự giác biểu tình trong trật tự “vì quyền lợi của chính bản thân”, “mà không cần sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái nào”, có thể thấy chế độ đa đảng đã biến Hong Kong thành một “xã hội trưởng thành”, đạt đến trình độ cao về “văn minh nhân quyền” và “ý thức dân chủ”. Trong khi đó, vì hầu hết người Việt Nam không quan tâm đến biểu tình, có thể thấy chế độ độc đảng đã biến Việt Nam là một “xã hội chưa trưởng thành”, “thiếu hiểu biết về chính trị”, “u mê”. Ngoài ra, họ cũng khen thanh niên Hong Kong “anh hùng”, và chê thanh niên Việt Nam “hèn nhát”, “vô cảm”; từ đó gây tranh cãi trong chính cộng đồng của họ.
Trong thông điệp thứ hai, họ chia thế giới theo kiểu “Chiến Tranh Lạnh”, trong đó 2 chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ở cùng “phe độc tài”, còn người biểu tình Hong Kong và các nhóm chống đối Việt Nam ở cùng phe “thế giới tự do”. Từ góc nhìn đó, họ công kích nước Trung Quốc, mô hình chính trị và văn hóa Trung Quốc, rồi kêu gọi Việt Nam theo Hong Kong “thoát Trung”, du nhập mô hình chính trị và văn hóa của Mỹ.
Cảnh đoàn biểu tình dọn rác trên đường phố, hoặc nhường đường cho xe cứu thương và người đi bộ, đã thể hiện những đức tính tốt đẹp và đáng nể phục của người dân Hong Kong. Nhưng trong sự nể phục này, chúng tôi vẫn không thể đồng ý với giới “dân chửi” Việt Nam trên 3 điểm.
Thứ nhất, cần thận trọng khi nhận xét rằng xã hội này “tiến hóa” hơn xã hội kia. “Tiến hóa” không phải là một đường đua chung giữa các loài, mà là một quá trình kéo dài hàng tỉ năm, trong đó mỗi loài tìm nhiều con đường riêng để thích nghi với nhiều môi trường sống riêng biệt. Trong “tiến hóa” không có đúng sai: mỗi loài có thể tiến hóa theo nhiều con đường phân nhánh khác nhau, và mỗi môi trường có thể dung dưỡng nhiều cách tiến hóa, thích nghi khác nhau. Trong “tiến hóa” không có cao thấp: con cá dễ cho rằng con người ở cấp tiến hóa thấp hơn, vì con người chết sau 5 phút sống dưới nước.
Vì vậy, thay vì coi con người như sinh vật ở cấp tiến hóa cao nhất, khoa học hiện đại chỉ coi con người như sinh vật tiến xa nhất về ngôn ngữ và khả năng tư duy. Quan điểm rằng trình độ tiến hóa của một xã hội tỉ lệ thuận với số cuộc biểu tình, hoặc với khả năng tự tuân thủ kỷ luật của người dân, là một quan điểm phản khoa học.
So với nhiều xã hội phương Tây và Đông Á, người Việt Nam rõ ràng kém hơn về nền tảng học thuật, thái độ chuyên nghiệp, và khả năng tuân thủ kỷ luật trong thời bình. Tuy nhiên, người Việt Nam cũng đã chứng tỏ rằng mình trội hơn về khả năng thích nghi với hoàn cảnh, thái độ thư giãn, và khả năng tuân thủ kỷ luật thời chiến. Những ưu, nhược điểm này không xuất phát từ chế độ độc đảng, mà là cách thích nghi với một vùng lịch sử và địa lý luôn bất ổn về mặt khí hậu, nhân khẩu, văn hóa, chính trị, bang giao… Chúng ta nên chấp nhận và tìm hiểu cặn kẽ về quá khứ của mình, để tìm cách phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai, thay vì đổ hết lỗi cho chế độ và chối bỏ quá khứ.
Thứ hai, đa đảng, biểu tình, kỷ luật và phát triển chưa chắc đã đi đôi với nhau. Nước Đức thời Hitler và Singapore ngày nay rất kỷ luật, dù không có dân chủ đa đảng. Dù phong trào biểu tình “Mùa xuân Arab” từng có những biểu hiện kỷ luật, ôn hòa giống hệt phong trào ở Hong Kong hiện tại, nó xuất phát từ những nước độc đảng, và đã làm sụp đổ xã hội của Libya, Syria.
Thứ ba, là một nạn nhân của tình trạng xung đột và cô lập thời Chiến Tranh Lạnh, người Việt Nam không nên quá lưu luyến với cách nghĩ của giai đoạn này. Việt Nam nên giao thương với mọi quốc gia dưới tư cách một nước độc lập và yêu chuộng hòa bình, thay vì liên minh với nước này để chống nước khác.
Nguồn: Loa Phường