Từ ngày 06/06/2019, nhiều lực lượng chính trị ở Hong Kong đã tổ chức biểu tình để phản đối một Dự luật Dẫn độ gây tranh cãi. Nhân đó, các tổ chức, cá nhân chống Nhà nước Việt Nam đã đồng loạt tuyên truyền về đợt biểu tình này, để khích lệ các “phong trào biểu tình” ở Việt Nam, đồng thời ca ngợi mô hình chính trị của phương Tây, công kích mô hình mà Việt Nam đang sử dụng.
Đợt biểu tình này bùng phát do nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân bề nổi, ngày 14/02/2018, một thanh niên Hong Kong tên Chan Tung-kai đã sát hại bạn gái đang mang thai của mình, trong lúc họ đang đi du lịch Đài Loan. Vì Chan bị bắt ở Hong Kong, tòa án Hong Kong có trách nhiệm xét xử vụ việc. Tuy nhiên, vì Hong Kong chỉ là một đặc khu chứ không phải một quốc gia, và đặc khu Hong Kong chưa có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, Đài Loan và Macao, tòa án Hong Kong không có quyền xét xử một vụ giết người diễn ra trên lãnh thổ Đài Loan.
Để giải quyết vấn đề này, một số nhà lập pháp Đài Loan đã đề xuất Dự luật Dẫn độ, theo đó Đặc khu Trưởng Hong Kong có quyền quyết định việc dẫn độ một cá nhân bất kỳ từ lãnh thổ Hong Kong đến bất kỳ lãnh thổ nào trên thế giới mà Hong Kong đang không có hiệp ước dẫn độ. Một phần dư luận Hong Kong ủng hộ dự luật, phần vì nó lấp lỗ hổng trong hệ thống pháp luật Hong Kong, phần vì dự luật nói rõ rằng “tội phạm chính trị”, “tội phạm có thể bị kết án tử hình” sẽ không thuộc diện bị dẫn độ bởi dự luật. Một phần dư luận khác lại phản đối, vì họ tin rằng Trung Quốc có thể dùng dự luật này để dẫn độ các gương mặt đối lập chính trị ở Hong Kong về Trung Quốc, thông qua việc quy cho họ những tội danh phi chính trị như “trốn thuế”. Thêm vào đó, những người phản đối cho rằng dự luật này sẽ đe dọa mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Hong Kong sử dụng từ khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997, theo đó Hong Kong được duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với Trung Quốc, với các quan niệm về “pháp quyền” và “công lý” khác hệ thống của Trung Quốc.
Ngoài nguyên nhân bề nổi vừa nêu, đợt biểu tình này còn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác, như dư âm của các hoạt động kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn, hoặc ảnh hưởng từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Như vậy, cuộc thảo luận về Dự luật Dẫn độ không có một bên đúng và một bên sai. Thay vào đó, mỗi bên đều bảo vệ một lợi ích chính đáng của người dân Hong Kong, và đều đưa ra một số lập luận hợp lý để bảo vệ phương án mà mình chọn. Trong trường hợp này, các bên liên quan cần tìm một chính sách giúp Hong Kong giữ được cả 2 quyền – là quyền dẫn độ tội phạm từ các vùng lãnh thổ khác, và quyền giữ một hệ thống pháp lý độc lập với Trung Quốc, theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà đến năm 2047 mới hết hiệu lực. Họ có thể đạt được một chính sách như vậy bằng cách trao quyền quyết định dẫn độ cho một cơ quan khác, ngoài Đặc khu Trưởng Hong Kong; và bằng cách hoàn thiện thêm các quy định để bảo vệ “tội phạm chính trị” trong dự luật.
Tuy nhiên, các đảng phái trong chính trường Hong Kong đã không tìm cách thỏa hiệp, để đạt được giải pháp tối ưu cho người dân, như vừa nêu. Thay vào đó, cả cánh thân Trung Quốc lẫn cánh thân phương Tây đều muốn biến Dự luật Dẫn độ thành một công cụ để giành giật nền tư pháp. Dù bà Carrie Lam hay người biểu tình thắng thế, Hong Kong cũng để vuột mất một chính sách tối ưu. Thêm nữa, nếu Hương Cảng trở thành nơi xung đột, thay vì nơi giao lưu buôn bán, giữa hai hệ thống chính trị, văn hóa của phương Đông và phương Tây, thì về lâu về dài, thành phố này sẽ đánh mất một lợi thế quan trọng từng giúp nó đạt được thịnh vượng.
Nguồn: Loa Phường