Tính đến thời điểm hiện tại, thì đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã lỗi hẹn với nhân dân Thủ đô hơn 10 lần, hứa rồi lại hẹn cứ thế đã tiếp diễn trong suốt hơn 3 năm qua. Và giờ đây người dân đã thực sự cảm thấy mệt mỏi với “công trình thế kỷ” vẫn đang nằm phơi gió, phơi sương giữa lòng Thủ đô như một các xác sống.
Từ khi khởi công xây dựng từ năm 2011 đến nay, đã bao lần người dân cảm thấy phiền toái, mang ra bàn luận và đưa lên thành “biểu tượng” về sự chậm chễ, thiếu sót trong quản lý và sử dụng vốn vay để phát triển. Đã bao lần các lãnh đạo đưa ra lời thúc giục với chủ đầu tư, với ban quản lý dự án, nhưng giục nữa, giục mãi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời chẳng khác gì kiểu: “Biết rồi khổ lắm, nói mãi!”.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau nhiều năm trễ hẹn.
Giải trình tại Quốc hội ngày 5/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết nguyên nhân dự án chưa vận hành, thiết bị đã cung cấp được 99%, các hạng mục đã xong 99%. 1% còn lại là còn một số hạng mục nhỏ trong công tác xây lắp và đặc biệt là phải chứng minh an toàn hệ thống.
Với 1% dự án chưa hoàn thiện, nhưng 1% đó từ khi nào lại trở thành “con át chủ bài” để những nhà quản lý đưa ra lý do và nguyên nhân để nói đến một dự án chẳng khác gì đang đắp chiếu giữa lòng thủ đô. Trong khi đó người dân thì ngày ngày nắng mưa, gió rét cũng phải chịu cảnh ùn tắc giao thông không có lối thoát.
1% nhưng lại quan trọng đến như thế, thì tại sao không làm luôn, không tập trung mà làm. Chứ nếu nằm “đắp chiếu” kéo dài đến như vậy. Việc kéo dài thêm ngày nào chính là nguyên nhân dẫn tới việc khoản lãi mà hằng ngày công trình này “đẻ ra” càng tạo nên thêm gánh nặng cho ngân sách của quốc gia.
Với việc dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD USD (trong đó, vay ODA của Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD) đến nay đã đội vốn lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng, tăng thêm trên 40%). Thì việc đội vốn lên thêm 40% này đã khiến mỗi ngày dự án phải trả lãi, gốc phát sinh là 1,8 tỷ đồng.
Và dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ mãi là một trong những bài học về sự thất bại mà nằm ngay giữa lòng thủ đô, như một xác sống kéo dài 13,5km từ Cát Linh tới Hà Đông. Hơn nữa, đây là công trình trọng điểm được xem là chào mừng 1.000 năm Thăng Long và chào mừng Đại hội Đản toàn quốc lần thứ XI.
Phía trên đầu là sự thất bại của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, còn ở dưới chân là tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa – Kim Mã. Đã quá nhiều lần người dân và dư luận đã nói về câu chuyện này, một trong những bài học và biểu tượng về sự thất bại trong quản lý và sử dụng vốn vay để phát triển cơ sở hạ tầng.
Cả hai dự án BRT và đường sắt trên cao đều được nhận định rằng đây là “mạch má” của giao thông công cộng trong đô thị, bởi năng lực vận chuyển nhanh, mỗi chuyến vận chuyển số lượng lớn hành khách. Góp phần giảm ùn tắc ngay sau khi vận hành tuyến, có thể kết nối các lộ trình tuyến buýt, hạ tầng khu vực xung quanh để tao thuận tiện cho người dân khi đi lại.
Nhưng ý kiến ban đầu đưa ra để thuyết phục các lãnh đạo “xuống tay” ký bút phê duyệt là một chuyện, còn việc thực hiện có thành công hay không thì kết quả hiện tại phần nào người dân đã thấy rõ.
Suy cho cùng, thì dù đúng dù sai, dù hiệu quả hay mãi trễ hẹn nhiều lần đến như thế này, thì những nhà quản lý, những người có trách nhiệm liên quan vẫn hoàn toàn “vô trách nhiệm”. Sau 5, 8 và giờ đã là 10 lần trễ hẹn, thì chẳng có ai phải đưa ra lời xin lỗi, những cam kết xác đáng vào ngày vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Xem ra như vậy thì rõ ràng, dự án này có đội vốn như thế nào, “chết lâm sàn” ra làm sao thì cuối cùng cũng “hòa cả làng” cả mà thôi. Sau quá nhiều lần bất ngờ, thì thôi cũng mong chờ một ngày nào đó vào dịp “thật bất ngờ” dự án đi vào vận hành, người dân được sử dụng một dịch vụ đáng thuộc về một nền đô thị phát triển. Thay vì cứng mong chờ đi vào khai thác dịp đầu năm, dịp lễ như mọi lần trước đây.
Theo Tạp chí Bút danh
Nguồn: Ngọn Cờ