Trang chủ Đấu trường dân chủ 'Phí chia tay' và điều người dân cần ở đại biểu Quốc...

'Phí chia tay' và điều người dân cần ở đại biểu Quốc hội

143
0

Mấy hôm nay, công luận phản ứng dữ dội xung quanh đề xuất thu “phí chia tay” khi xuất cảnh của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng. Cũng phải thôi, bởi đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hưng đã “đụng chạm” đến nhiều vấn đề mà xã hội cũng như cử tri và người dân đang rất quan tâm.

1. Đứng ở góc độ pháp lý, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất thu “phí chia tay” thiếu cơ sở pháp lý, bởi đại biểu Nguyễn Quốc Hưng mới chỉ căn cứ vào việc Nhật Bản và một số nước đã áp dụng chính sách này để điều chỉnh việc xuất, nhập cảnh của công dân. Ý kiến này cho rằng, muốn thu thì trước hết cần làm rõ về góc độ pháp lý và thực tiễn của đề xuất thu “phí chia tay” cũng như các cơ sở khoa học và cần phải có số liệu minh chứng đầy đủ. Hơn nữa, cơ sở nào để đặt ra mức thu 3-5 USD/người mà không phải là con số khác?

Một số chuyên gia cho rằng, ngay cả tên gọi “phí chia tay” cũng không ổn. Theo Luật phí và lệ phí, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công… Thế nhưng, chiểu theo quy định trên, khi gọi khoản thu đối với người xuất cảnh là “phí”, có sự vênh đáng kể.

'Phí chia tay' và điều người dân cần ở đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về “phí chia tay”. Ảnh: TTO

Về việc này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, khái niệm phí mà đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đưa ra là không chính xác, bởi khi cơ quan nhà nước không cung cấp thêm một dịch vụ nào cho người dân mà lại thu tiền thì đó gọi là “thuế” chứ không phải là “phí”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhận xét, để công bằng, minh bạch, nếu có viện dẫn kinh nghiệm nước ngoài để thu loại phí này thì cũng phải so sánh điều kiện của các quốc gia liên quan. Nguyên tắc thu phí là người nộp tiền sẽ được hưởng dịch vụ và lợi ích đó phải tương xứng với khoản thu người dân nộp. Do vậy, cần phải xem Nhật Bản thu phí để làm gì, trong du lịch, xuất nhập cảnh, công dân Nhật được lợi ích gì từ việc thu phí? Hiện nay, có nhiều loại thuế, phí khi đề xuất thu thường được viện dẫn kinh nghiệm quốc tế ở nước này nước kia để biện hộ, thế nhưng người ta lại lờ đi việc người dân được hưởng điều gì tương ứng!

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cũng chỉ ra sự bất hợp lý của đề xuất nêu trên. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, nguồn thu từ loại “phí chia tay” sẽ được trích cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân khi ra nước ngoài gặp khó khăn; để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc, kỹ thuật… phục vụ công tác xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước… Tuy nhiên, về nguyên tắc, bất kỳ loại phí nào cũng mang tính hạn chế đối với hoạt động bị tính phí, do đó, “phí chia tay” nếu được áp dụng đương nhiên sẽ góp phần hạn chế việc xuất cảnh, giao lưu, buôn bán của người dân. Bản thân ông Hưng trong khi phát biểu cũng đã thừa nhận điều này. Vậy nhưng, thật khó hiểu là ông Hưng lại có đề xuất nhằm hạn chế việc tự do đi lại, tự do xuất cảnh, tự do giao lưu hội nhập, buôn bán với thế giới của người dân, đi ngược với chủ trương mở rộng, thúc đẩy giao lưu hợp tác của đất nước thời mở cửa?

Nhiều ý kiến cũng rất gay gắt với lý giải rằng thu phí để đảm bảo cho việc xuất cảnh của công dân được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, người làm nhiệm vụ tiếp công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn… Họ cho rằng, người dân có nghĩa vụ nộp thuế và Nhà nước có chức phận phục vụ người dân. Cán bộ các cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ đều đã nhận lương từ tiền thuế của nhân dân, vậy có lý gì mà bảo phải có thêm “phí” thì họ mới phục vụ tốt hơn? Không có “phí chia tay”, cán bộ làm xuất nhập cảnh vẫn phải phục vụ giống như mọi ngành nghề khác, điều đó là đương nhiên. Nếu lấy lý do thu phí để phục vụ tốt hơn thì ai đảm bảo sẽ không dẫn đến “loạn thu” do lĩnh vực nào cũng muốn đề xuất thu phí “đặc thù”?

2. Hiện nay, với người Việt đi du lịch nước ngoài, giá tour đã bao gồm cả thuế, phí. Riêng vé máy bay cũng chịu nhiều khoản thuế, phí không hề thấp. Vậy việc “sáng tạo” thêm một loại “phí chia tay” có phải là tận thu, khiến phí chồng phí?

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về dự thảo Luật phí và lệ phí, nhiều đại biểu Quốc hội đã lưu ý rằng, các khoản phí và lệ phí phải hợp lý, không thể là thuế thu nhập trá hình để tận thu người dân. Khi người dân đã đóng các loại thuế, thì phải quy định làm sao để người dân không phải móc thêm tiền túi cho dịch vụ công, không bù đắp cho tệ nạn tham nhũng lãng phí kém hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, cần minh bạch chi phí, chi bao nhiêu và thu bao nhiêu để cho người dân thấy được việc thu đó đã bù vào dịch vụ như thế nào và đặc biệt là, mỗi khoản thu cần phải cân nhắc kỹ bởi lẽ, khi thu nhập của người dân chưa cao mà có quá nhiều loại thuế, phí sẽ vắt kiệt sức dân. Một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người mới hơn 2.200 USD/năm lại phải gánh chịu nhiều loại thuế, phí thì khó phát triển. Do đó, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, không thể vì tăng thu cho ngân sách nhà nước mà quên mất đời sống của nhân dân.

Lịch sử dân tộc đã từng ghi nhận những vị lãnh đạo lỗi lạc, tài ba đều có tấm lòng hướng về dân, coi dân là gốc thông qua chủ trương khoan thư sức dân. Cách đây hơn 7 thế kỷ, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất đã tâu với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi qua đời đã dặn rằng, sau ngày thắng lợi, Chính phủ hãy miễn thuế nông nghiệp cho dân vài ba năm. “Miễn thuế nông nghiệp” chính là “khoan thư sức dân”…

Cái gốc của việc thu thuế, phí không phải chỉ là chuyện làm sao thu cho đạt mục tiêu đề ra, bao nhiêu trăm tỷ, ngàn tỷ, mà phải giải được bài toán an sinh xã hội; để làm sao hỗ trợ, nâng đỡ được người nghèo và để người giàu đóng góp tương xứng cho đất nước.

Mặt khác, để có nguồn thu bền vững, cách tốt nhất không phải là cứ tăng thu đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, mà phải tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân làm ăn, từ đó mở ra dư địa để tăng thu – đó cũng chính là một cách “khoan thư sức dân”.

“Người dân đã đóng các loại thuế nên quy định phải làm sao để người dân không phải móc thêm tiền túi cho dịch vụ công, không bù đắp cho tệ nạn tham nhũng lãng phí kém hiệu quả trong quản lý nhà nước trong việc sử dụng tiền thuế của dân”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng phát biểu như vậy.

3. Với những gì đang diễn ra cho thấy, đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng đã không nhận được sự chia sẻ của nhiều cử tri và nhân dân.

Đại biểu Quốc hội thực chất là một hình thức cử tri thực hiện việc trao quyền lực Nhà nước cho Quốc hội. Thông qua bầu cử, cử tri chọn người đại diện để ủy thác cho họ thực hiện quyền lực của mình. Như vậy, đại biểu Quốc hội có một địa vị pháp lý đặc biệt, vừa là đại biểu nhân dân, vừa là thành viên của cơ quan quyền lực tối cao.

Nói cách khác, Đại biểu Quốc hội là người đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân một cách tâm huyết và trách nhiệm nhất tại Quốc hội; là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri cả nước, là người thay mặt cho nhân dân tại Quốc hội.

Và như vậy, để tạo nên sức mạnh của Quốc hội, dĩ nhiên mỗi vị đại biểu phải được cử tri và nhân dân tin yêu, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ, đóng góp ý kiến và giám sát mọi hoạt động. Khi đại biểu phát biểu không chỉ là ý kiến cá nhân đại biểu, là cái “tôi” đơn thuần, mà họ nói lên tiếng nói của cử tri và nhân dân trước diễn đàn Quốc hội.

Ngược lại, đại biểu Quốc hội lắng nghe tiếng nói của nhân dân nhưng không có nghĩa là bất cứ ý kiến nào cũng mang lên phát biểu trên nghị trường. Giữa hàng trăm, hàng nghìn ý kiến khác nhau, đại biểu phải biết chọn lọc ra những ý kiến quan trọng, những vấn đề thực sự cần thiết để phát biểu.

Rõ ràng, cái mà cử tri và nhân dân cần ở mỗi đại biểu Quốc hội là một người có trình độ, một người đại diện chứ không cần một người truyền tin. Cử tri và nhân dân cần người đại biểu có trách nhiệm với những phát ngôn của mình, mà việc quan trọng nhất chính là nói đúng, nói đủ, nói có sách, mách có chứng, dựa trên chứng cứ, không dựa trên suy đoán cá nhân hay phán đoán chủ quan của bất kỳ ai.

Thế Vũ (Nhà báo và Công luận)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây