Trong thời gian qua, lợi dụng chiêu bài tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận, nhiều đối tượng phản động, trong đó cá biệt có một số chức sắc cực đoan trên địa bàn đã có những hành vi gây phức tạp ANTT, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Việc tổ chức“hiệp thông cầu nguyện”, kêu gọi ủng hộ các đối tượng vi phạm pháp luật càng làm bản chất ngoan cố và lạc lõng của chúng thể hiện rõ.
1. Nguyễn Năng Tĩnh không phải là cái tên xa lạ với nhiều người, đặc biệt là cư dân mạng. Vốn là một thầy giáo dạy nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, lại sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, căn bản nhưng Tĩnh chẳng lấy đó làm niềm tự hào để phấn đấu, cống hiến. Sự ảo tưởng, lệch lạc của chính mình khiến Tĩnh nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy những sai trái.
Nhiều đối tượng đã nhận bản án thích đáng vì hành vi chống phá Nhà nước (Trong ảnh: Lê Đình Lượng bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”)
Theo đó, trang facebook cá nhân “Nguyễn Năng Tĩnh” được lập và sử dụng từ năm 2011 đến nay với gần 1.000 người theo dõi. Ngoài đăng tải, chia sẻ thông tin về cuộc sống của bản thân, facebook cá nhân của Nguyễn Năng Tĩnh còn được sử dụng để đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trên facebook của mình, Tĩnh đã xuyên tạc bản chất của Nhà nước ta, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc ta; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; các nội dung bịa đặt đó đã gây hoang mang trong nhân dân, gây mất đoàn kết trong đời sống cộng đồng.
Dĩ nhiên, toàn bộ những vi phạm của Nguyễn Năng Tĩnh không qua được mắt của lực lượng chức năng. Những tài liệu chứa nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật thu thập được từ trang facebook cá nhân mang tên “Nguyễn Năng Tĩnh” đã được cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định trưng cầu giám định nội dung tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An và được kết luận: “Các tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng kết luận: “Hình ảnh, giọng nói nghi là của Nguyễn Năng Tĩnh trong các video trực tiếp trên facebook “Nguyễn Năng Tĩnh” là của Nguyễn Năng Tĩnh”. Bản án mà Nguyễn Năng Tĩnh phải nhận tới đây, chắc chắn sẽ rất nghiêm khắc như chính các đối tượng trước đó đã từng bị tuyên phạt.
2. Thế nhưng, thay vì nghiêm chỉnh chấp hành, tôn trọng các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng vừa bắt giữ Nguyễn Năng Tĩnh nhằm xử lý theo quy định của pháp luật, một số đối tượng đã lợi dụng trang mạng xã hội để kích động, có nhiều hành vi gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Cá biệt trong số đó có những đối tượng cực đoan, là những cái tên vốn đã không xa lạ với nhiều người dân trong và ngoài tỉnh về hoạt động gây mất ANTT, mà nổi lên là Đặng Hữu Nam – linh mục ở giáo xứ Mỹ Khánh (Yên Thành).
Các đối tượng này gắn cho Nguyễn Năng Tĩnh cụm từ “Nhà hoạt động dân chủ”, “Ủng hộ đồng hành cùng thầy giáo yêu nước Nguyễn Năng Tĩnh”… Đặng Hữu Nam, thay vì làm trọn bổn phận của mình, đã tập hợp bà con giáo dân tổ chức cái gọi là “hiệp thông cầu nguyện”, trong đó, không thiếu những ngôn từ ca ngợi Tĩnh.
Dư luận đặt câu hỏi, chẳng hiểu sao, cứ mỗi lần một đối tượng nào liên quan đến tổ chức khủng bố Việt Tân bị bắt vì có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thì ngay lập tức, Đặng Hữu Nam lại có các hoạt động rao giảng, tổ chức cho giáo dân thắp nến cầu nguyện, kêu gọi ủng hộ cho đối tượng bị bắt và liên tục đăng tin bài xuyên tạc. Vậy mục đích đằng sau các hoạt động của Đặng Hữu Nam và một số đối tượng khác là gì?
Thứ nhất, chúng ta cần hiểu rõ, “hiệp thông cầu nguyện” là mối quan hệ giữa các Ki tô hữu với nhau được thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa với nhau như điều mà Chúa Giê su dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Phúc Âm Gioan 15:12). Việc tổ chức cầu nguyện trong sinh hoạt tôn giáo là để hướng giáo dân tới những điều hay, lẽ phải, khuyên răn con chiên phải sống tốt đời, đẹp đạo. Đây là hoạt động được khuyến khích trong tôn giáo. Với hành động của Đặng Hữu Nam, hiệp thông đã mở rộng ra ngoài phạm vi của tôn giáo, mang yếu tố “đồng hành”, “đồng lõa” với những hành động xấu, hướng tới những con người không liên quan đến tôn giáo. Và vì thế, việc làm của Đặng Hữu Nam, dưới danh nghĩa linh mục đã làm hoen ố ý nghĩa của hoạt động hiệp thông cầu nguyện. Sự “lạm dụng” việc hiệp thông cầu nguyện đã làm xấu đi ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động này, đi ngược lại với mong muốn lan tỏa yêu thương đến bà con giáo dân.
Thứ hai, dư luận đang thắc mắc về ý đồ, âm mưu mà Đặng Hữu Nam muốn đạt được khi thực hiện “cầu nguyện” cho Nguyễn Năng Tĩnh. Liệu đó có phải là điều mà giáo dân thực sự mong muốn sau thời gian lao động vất vả mưu sinh, tìm đến nhà thờ để được tiếp thêm sức mạnh, sự bao dung và thực hiện tâm niệm “Sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc”. Trước Nguyễn Năng Tĩnh, danh sách các đối tượng đã từng được Đặng Hữu Nam cầu nguyện cũng đều liên quan hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân, như Nguyễn Văn Oai, Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hóa… Ông bà ta vẫn bảo, “nhìn bạn biết bè”. Vậy chẳng phải, việc tổ chức cầu nguyện như trên chỉ để thể hiện rõ một điều: Đặng Hữu Nam cũng “cùng hội cùng thuyền” với những đối tượng chống phá như trên?
Thứ ba, việc làm của Đặng Hữu Nam càng khẳng định một sự thật: Đặng Hữu Nam đang không thực hiện đúng nghĩa và trọn vẹn vai trò của một linh mục chân tu, chân chính. Bởi, linh mục chính là người họa lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi trần gian, là đuốc sáng chiếu soi đêm dài, là muối đất ướp cho mặn đời, là niềm vui cho người mọi nơi, là chứng tá rắc gieo Tin Mừng, để giúp những ai cơ cùng… Vậy khi thực hiện việc “cầu nguyện đồng hành” với các đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, sứ mệnh làm linh mục của Đặng Hữu Nam là gì? Thực chất là cổ súy hành vi chống đối Nhà nước, chống đối nhân dân, là ủng hộ hành động nói xấu, xuyên tạc về lịch sử của dân tộc, về chính sách của Nhà nước, là kích động cho hành vi tụ tập đông người, gây mất ổn định ANTT. Ngẫm lại những việc đã làm trong nhiều năm qua của Đặng Hữu Nam, người dân càng phát hiện ra một sự thật hiển nhiên, đó là hành động này nằm trong chuỗi có tính hệ thống.
Thứ tư, tính đến thời điểm hiện nay, Đặng Hữu Nam đã về làm linh mục ở giáo xứ Mỹ Khánh hơn 1 năm. Đó cũng là khoảng thời gian Đặng Hữu Nam đã khiến cho vùng quê lúa vốn thanh bình, yên ả lại bị cuốn vào nhiều hoạt động phức tạp. Còn nhớ, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, thời Đặng Hữu Nam còn làm quản xứ cũng đã có nhiều “sóng gió”. Gọi là “sóng gió” vì bà con giáo dân tại đây đã bị Đặng Hữu Nam cuốn vào những hoạt động kích động, gây mất ANTT. Từ việc xuyên tạc lịch sử, đến chia rẽ đoàn kết trong bà con giáo dân và xa hơn nữa là cổ súy, kích động những hoạt động gây phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Lẽ đương nhiên, không ai ủng hộ cho hành động lợi dụng tôn giáo để kích động bà con giáo dân chống phá chính quyền, xâm hại đến khối đại đoàn kết toàn dân, lại càng phản đối những chức sắc lựa chọn nhà thờ để tổ chức các hoạt động làm trái giáo lý, đi ngược với đạo lý của dân tộc, với lợi ích của nhân dân.
Quy luật nhân quả muôn đời luôn đúng. Những hành vi của Đặng Hữu Nam nhằm kích động bà con giáo dân gây phức tạp tình hình ANTT, phá hoại cuộc sống bình yên, cuối cùng, sẽ nhận lại sự hoài nghi, phản đối và lên án của nhân dân. Việc xử lý nghiêm Đặng Hữu Nam theo quy định của pháp luật là điều mà mọi người dân mong muốn. Không thể cứ để Đặng Hữu Nam mãi lợi dụng chiêu bài tôn giáo, sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của một số ít bà con giáo dân nhằm phục vụ mưu đồ, lợi ích đen tối, tiếp tay cho các hành động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trần Lâm (Công an Nghệ An)
Nguồn: Đấu trường dân chủ