Ngày 06/06/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre đã xử sơ thẩm và tuyên phạt 6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Ánh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng và các bài tường thuật phiên tòa trên báo chí chính thống, thì sau khi gia đình chịu thiệt hại từ Cải cách Ruộng đất, Nguyễn Ngọc Ánh đã mất niềm tin vào Nhà nước Việt Nam. Sau khi đọc các bài tuyên truyền về vụ nhà máy Formosa xả thải, gây ô nhiễm biển vào năm 2016, Ánh bắt đầu dùng Facebook để chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống Nhà nước. Ngoài ra, Ánh còn dùng 3 tài khoản Facebook để tham gia các buổi Livestream do 14 cá nhân chống đối trong và ngoài nước chủ trì, một số buổi thu hút hàng triệu lượt xem, hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận. Số này bao gồm những clip kêu gọi biểu tình phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế vào ngày 10/06/2018, kêu gọi “tổng biểu tình” để lật đổ chế độ vào ngày 02/09/2018.
Trong tuần qua, một số tổ chức, cá nhân chống đối đã có hoạt động để “bênh vực” Nguyễn Ngọc Ánh trước và sau phiên tòa. Cụ thể, hai tổ chức Human Rights Watch và Amnesty International đã ra thông cáo báo chí, nhóm các bà vợ của phạm nhân liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia đã đến hỗ trợ vợ Ánh, trong khi vợ Ánh trả lời nhiều trang tin nước ngoài về vụ việc. Trong những hoạt động đó, họ đã đưa ra 4 thông điệp tuyên truyền.
Thứ nhất, HRW và AI đồng loạt gọi Ánh là “nhà hoạt động vì môi trường”, nhân việc Ánh từng tham gia một số cuộc biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa xả thải, gây ô nhiễm biển. Thông điệp này không phản ánh đúng sự thật, vì các clip được nhắc đến trong cáo trạng bao gồm nhiều nội dung khác, bao gồm cả nội dung kêu gọi lật đổ chế độ, kêu gọi “lấy lại Việt Nam Cộng hòa”…
Thứ hai, vợ Ánh phủ nhận tính xác thực của các bằng chứng mà tòa đưa ra. Cụ thể, bà này cho rằng các clip bằng chứng đã bị cắt bớt, chứ không nguyên vẹn. Bà cũng cho rằng nhân chứng còn lại đã khai báo sai, khi nói rằng Ánh làm một cây gậy gỗ đục lỗ để dùng khi đi biểu tình; trong khi Ánh không đem cây gậy đó đi biểu tình và chỉ dùng nó để dựng hàng rào. Dựa vào các chi tiết này, giới chống đối tuyên truyền rằng tòa án Việt Nam đã không tuân thủ các nguyên tắc tố tụng, và sử dụng một “bản án soạn sẵn”.
Thứ ba, các bên tham gia đồng loạt tuyên truyền rằng Ánh chỉ “nói lên quan điểm của mình”, chứ không phạm những tội mà tòa cáo buộc. Dựa vào đó, họ công kích Việt Nam “vi phạm quyền tự do ngôn luận”.
Thứ tư, vợ Ánh phủ nhận việc Ánh “tỏ ra ăn năn”, “thú nhận sai trái”, nói mình “bị các đối tượng phản động xúi giục”, và “xin giảm nhẹ hình phạt” khi nói lời cuối trước tòa. Ngược lại, vợ Ánh nói mình “tự hào” vì Ánh đã “đứng thẳng” và “bình thản” trong phiên tòa, dù bị đau chân.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, theo Khoản 3 Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, quyền tự do ngôn luận có thể bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia. Bởi vậy, khi các clip bằng chứng cho thấy Anh đã kêu gọi lật đổ Nhà nước, kêu gọi dựng lại chế độ Việt Nam Cộng hòa, Ánh hoàn toàn có thể bị truy tố vì tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước”, theo đúng quy định của pháp luật. Cần nhớ rằng khi trả lời phỏng vấn đài BBC tiếng Việt, chính vợ Ánh cũng thừa nhận rằng Ánh đặt mục tiêu lật đổ Nhà nước Việt Nam.
Thứ hai, nếu tòa án Việt Nam chỉ sự dụng các “bản án soạn sẵn”, như lời công kích của HRW và AI, thì giới “dân chửi” Việt Nam nên ngừng xin tiền nước ngoài để thuê luật sư bào chữa cho họ.
Thứ ba, khi giới “dân chửi” đồng loạt gọi nhau là “nhà hoạt động vì môi trường”, để phủ nhận các hành vi phạm pháp của mình, họ đang nói dối thay vì nói thật, và sợ hãi thay vì “bình thản” trước các phiên tòa.
Nguồn: Loa Phường