Đề xuất của Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Thành phố Hà Nội), Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam về việc thu phí chia tay đối với những trường hợp công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài đang vấp phải sự phản ứng trái chiều đồng thời đặt ra câu hỏi về tính khả thi trong tình hình hiện nay.
Xuất cảnh phải nộp phí 3-5 USD
Sáng 12/6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật xuất, nhập cảnh của Công dân Việt Nam. Cuộc họp ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về nội dung dự thảo của các đoàn đại biểu quốc hội. Trong đó, nội dung đáng chú ý đến từ ý kiến của Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Thành phố Hà Nội), Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam về việc đề nghị xem xét đưa quy định thu “phí chia tay” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài.
Ông Hưng dẫn ví dụ, năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật quy định mỗi công dân Nhật ra nước ngoài phải đóng một loại phí gọi là “phí chia tay” khoảng 1000 yên/người, tương đương 9,3 USD. Theo đó, ông Hưng đề xuất mức thu “phí chia tay” khi công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài, với khoảng 3 tới 5 USD/người/lần xuất cảnh.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng
Nên áp dụng?
Để trả lời câu hỏi nên hay không nên áp dụng “phí chia tay”, cần xem xét ở một số góc độ như sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng?
Theo Cục Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 người. Con số này được dự đoán tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo trong bối cảnh các thị trường lao động nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào chất lượng nguồn nhân lực chất lượng, giá rẻ tại Việt Nam. Cùng với những mục đích khác như du lịch, học tập,.. đi lao động tại nước ngoài đang chiếm tỷ trọng rất lớn đối với công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài. Như vậy, đối tượng chính chịu tác động nếu như đề xuất thu “phí chia tay” được thông qua là người dân lao động phổ thông xuất cảnh với mục đích tìm kiếm cơ hội lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, khác với những đối tượng chịu phí khác, đây là bộ phận có mức thu nhập bình quân được ghi nhận ở mức thấp, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của đối tượng chịu loại phí này của Nhật Bản. Bên cạnh đó, với đối tượng là công dân đi xuất khẩu lao động, bản thân họ đã phải gánh khoản chi phí rất lớn để hiện thực hóa cơ hội việc làm tại thị trường nước ngoài. Vì vậy, câu hỏi tiếp tục đặt ra là tại sao người lao động đã phải chịu khoản chi phí cho việc tìm kiếm cơ hội lao động tại nước ngoài rồi nhưng lại phải chịu thêm khoản “phí chia tay” khi việc xuất cảnh đối với họ là hiển nhiên nếu muốn làm việc tại nước ngoài?
Thứ hai, về mục đích sử dụng?
Theo đại biểu Hưng, mục đích thu loại phí đặc biệt này nhằm mong muốn cơ quan xuất nhập cảnh cải thiện kỹ thuật, thái độ phục vụ, đồng thời gia tăng nguồn lực kinh tế để đầu tư, phát triển du lịch Việt Nam. Về nội dung này, đối với việc cải thiện thái độ phục vụ đối với người dân là bất hợp lý bởi đây là trách nhiệm phải thực hiện của cơ quan chức năng. Không thể coi việc đổi phí lấy sự thân thiện là việc nên làm được.
Còn về việc gia tăng nguồn nguồn lực kinh tế cho phát triển du lịch, thực tế hiện nay Việt Nam đã có quỹ xúc tiến du lịch Quốc gia. Khi đưa ra đề xuất thu phí, đại biểu Hưng chỉ nêu lý do việc chi 2 triệu đô cho phát triển du lịch là còn thấp, cần thiết phải tăng cường. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn quỹ xúc tiến du lịch Quốc gia hiệu quả ra sao, mức độ, quy mô đầu tư cụ thể thế nào thì vẫn chưa được lý giải cụ thể.
Từ phân tích nêu trên có thể thấy rằng, đề xuất về việc thu phí chia tay tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng, còn về tính khả thi của nó như góc độ pháp lý, đối tượng thu, mục đích sử dụng khoản phí thu được hiện nay vẫn còn tương đối mờ nhạt, không rõ nét, chưa thể áp dụng được tại Việt Nam hiện nay. Với bối cảnh kinh tế, xã hội tại Việt Nam hiện nay, việc học tập mô hình của các quốc gia phát triển như Nhật Bản là xu hướng hợp lý. Tuy nhiên, việc áp dụng đó có hiệu quả hay không thì phải căn cứ trên tình hình thực tế của Việt Nam để cân nhắc tính khả thi trước khi triển khai thực hiện. Đó mới là cách hiểu đúng, làm đúng./.
-
Nam Việt
Nguồn: Người con Đất Mẹ