Chỉ trong ít ngày vừa qua, có ít nhất 2 vụ việc gây hoang mang dư luận với điểm chung là việc gọi hội chống đối lực lượng công an. Vụ thứ nhất là lãnh đạo cùng nhân viên của công ty địa ốc Alibaba đã “đồng lòng” chống đối lực lượng chức năng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khi họ đang thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế vi phạm, thậm chí sau khi một vài người trong nhóm gây rối, chống đối bị tạm giữ, thì tiếp tục một nhóm người mặc áo đồng phục công ty này hùa nhau kéo đến trụ sở công an để “đòi thả người”; vụ việc thứ hai xảy ra tại Đồng Nai, chỉ vì một xích mích nhỏ trong quán nhậu, vài chục tay giang hồ đã ra giữa đường bao vây, chặn xe, đe dọa các nạn nhân, mặc dù sau đó lực lượng công an xuất hiện, nhưng nhóm giang hồ này vẫn tiếp tục thách thức, không giải tán.
Trước những sự việc trên, không ít người đã cảm thấy rất bức xúc và lo lắng. Họ tự đặt câu hỏi rằng những người kia là ai? Tại sao họ lại có thể ngang nhiên chống đối lại lực lượng công an – những người đang thi hành pháp luật? Lực lượng công an Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vậy mà lại nhu nhược trước những kẻ ngang nhiên gây rối, những giang hồ manh động? Tại sao họ chỉ đứng đó mà không có hành động nào để ngăn cản sự hung hăn của những đám người kia?
Xâu chuỗi sự việc thì điều này có thể lý giải bởi một số nguyên nhân:
Thứ nhất, cần phải nói đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an. Trong những vụ việc vừa nêu, nhiệm vụ chính của lực lượng công an là được huy động để giúp đảm bảo, giữ gìn an ninh trật tự, chứ không phải đến để trấn áp tội phạm giống như những gì chúng ta thấy khi họ tổ chức trấn áp tội phạm ma túy. Và dĩ nhiên họ cần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính của mình, khi chưa có “biến” thì việc họ chưa hành động bằng vũ lực là điều dễ hiểu.
Thứ hai, đó là sự cẩn trọng là không thừa của lực lượng công an. Không phải họ chỉ đến đứng góp mặt cho vui, mà đợi sau khi củng cố đầy đủ hồ sơ, chứng cứ về các vi phạm thì hậu quả dành cho những kẻ ngang ngược kia chúng ta cũng đã rõ. Lãnh đạo cùng nhân viên công ty Alibaba về đồn ngồi ngoan như cún con, những tay đầu sỏ giang hồ lúc trước ở khu vực thành phố Biên Hòa, Đồng Nai như Ngô Văn Giang (Giang 36) hay Tuấn “nhóc” cũng được “mời lên đồn” uống nước chè. Đó là sự cẩn trọng, chắc chắn của lực lượng công an.
Thứ ba, nguyên nhân không nhỏ góp phần vào sự “rụt rè” của lực lượng công an, đó là vai trò của các anh chị lều báo. Công an là một nghề cực kỳ nhạy cảm và bạc bẽo. Có làm tốt đến mấy thì cũng chả mấy ai khen, người ta cũng chỉ bảo ăn lương thì phải làm nhiệm vụ, chả có gì to tát. Hoàn toàn đồng ý, nghề nào cũng là nghề. Nhưng mà khi xảy ra sai lầm một cái, dù là nhỏ nhất thì thôi rồi, báo chí lao vào giật tít tung trời, chĩa hết mũi dùi công kích về phía lực lượng công an, vô tình “tiếp tay” cho những kẻ vi phạm pháp luật. Rồi từ những tin lều báo như thế lan ra, rồi được tiếp tay bởi những “anh hùng bàn phím” – những người được mệnh danh tay nhanh hơn não, thì chuyện 1 được lan thành 10, và thế là từ công an bảo vệ dân thành tội phạm chỉ qua việc lan truyền thông tin. Thử hỏi, điều này có làm ảnh hưởng đến lực lượng công an không? Dĩ nhiên là có chứ. Họ cũng là người mà, họ ăn cũng bị soi, “…” cũng bị soi, thì làm sao mà họ không bị chùn chân. Nhưng chùn không có nghĩa là không làm gì, mà chỉ là họ sẽ làm chậm rãi nhưng chắc chắn, không cho phép xuất hiện khe hở dù là nhỏ nhất để các anh chị lều báo chọc ngoáy.
Nói tóm lại, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, cũng như từ trước đó, lực lượng công an chưa bao giờ hèn. Họ chỉ chuyển sang cách hành động phù hợp với hoàn cảnh hơn. Vừa đấu tranh với tội phạm, vừa phải phòng ngừa những pha chọc ngoáy từ phía lều báo. Vậy nên bà con cứ yên tâm, chúng ta không phải lo lắng về viễn cảnh mà những kẻ mồm to gọi hội lại có thể ung dung vượt trên luật pháp. Ngang ngược chống đối, vi phạm ắt sẽ phải chịu sự trừng phạt, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi./.
AN THIÊN