Nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn (04/06/1989 – 04/06/2019), nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã tăng cường tuyên truyền về sự kiện này để công kích chế độ chính trị của Việt Nam, đồng thời rút kinh nghiệm cho các hoạt động của họ.
Cụ thể, dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn trong tuần qua đã diễn ra trong một số bối cảnh đặc biệt. Tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nói rằng “Vụ việc đó là sự hỗn loạn chính trị, và chính phủ trung ương có biện pháp ngừng sự hỗn loạn, đó là chính sách đúng”. Ông Ngụy cũng nói rằng nếu không ngăn chặn hỗn loạn khi đó, thì Trung Quốc đã không “có ổn định và phát triển” như trong 30 năm qua. Trong khi đó, ở Trung Quốc, cơ quan chức năng gia tăng kiểm duyệt để loại bỏ mọi bài viết chứa hình ảnh, từ khóa liên quan đến sự kiện Thiên An Môn khỏi Internet.
Nhân đó, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã mượn chuyện Trung Quốc để công kích Việt Nam, dựa trên việc hai nước có cùng một loại thể chế chính trị, và cùng một thái độ với các cuộc biểu tình mang động cơ thay đổi thể chế. Cụ thể, họ tập trung vào 3 thông điệp sau:
Thứ nhất, họ tuyên truyền rằng qua việc chính phủ Trung Quốc “dùng lực lượng quốc phòng như một đội quân xâm lược” để “tấn công chính người dân của mình”, đồng thời tìm cách xóa mọi thông tin về biến cố sau khi nó xảy ra, có thể thấy thể chế chính trị của Trung Quốc là xấu, còn thể chế đa đảng phương Tây (mà một bộ phận sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn đòi hỏi) là tốt. Đặc biệt, để tăng tính thuyết phục cho thông điệp này, những người tuyên truyền đã tận dụng tối đa những hình ảnh máu me hoặc gây xúc động mạnh về sự kiện Thiên An Môn, hoặc những thư từ, chuyện kể, hồi ký của người trong cuộc.
Thứ hai, họ công kích quan điểm rằng cần hy sinh những người đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn vì sự ổn định và con số tăng trưởng của Trung Quốc. Chẳng hạn, Đỗ Ngà tuyên truyền rằng vì Trung Quốc “đè nén các lực lượng chính trị đối kháng” và “ngăn cấm tự do ngôn luận”, “che giấu sự thật”, ổn định chính trị ở Trung Quốc là “không bền vững”, và nước này lúc nào cũng như “một thùng thuốc nổ đợi châm ngòi”.
Thứ ba, họ công kích việc chính phủ “xóa ký ức” về một sự kiện lịch sử bằng cách kiểm duyệt thông tin và truy tố những người tàng trữ, lưu hành thông tin.
Ngoài ra, đảng Việt Tân đã cho người tham gia và tạo dáng chụp ảnh tại một cuộc biểu tình tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn, do ACAT tổ chức ở Paris hôm 04/06/2019.
Nhìn tổng thể, có 3 tổ chức viết nhiều bài khai thác hướng tuyên truyền này – là BBC, Luật khoa Tạp chí và Việt Tân.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, sự kiện Thiên An Môn là một biến cố chính trị xảy ra ở Trung Quốc, chứ không phải ở Việt Nam. Nếu bạn xem Việt Nam và Trung Quốc như 2 dân tộc độc lập với nhau, đừng phê bình Nhà nước Việt Nam vì một biến cố chính trị chỉ xảy ra ở Trung Quốc 30 năm trước. Đừng lập luận rằng những quốc gia có thể chế giống nhau sẽ hành xử giống nhau. Bởi khi dùng lập luận này, bạn sẽ phải kết luận rằng mọi nước đa đảng sẽ đều vỡ nợ như Hy Lạp.
Nếu bạn là người có tư duy độc lập, hãy tự tìm thông tin trên Internet, để biết rằng chưa từng có một “Thiên An Môn ở Việt Nam”. Cho dù truyền thông phương Tây đã từng đưa tin sai, một cách khá buồn cười, về chuyện đó:
Thứ hai, ta không thể khẳng định rằng các sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn là tuyệt đối đúng, còn chính phủ Trung Quốc là tuyệt đối sai, vì hai lý do.
Lý do thứ nhất, là theo kinh nghiệm lịch sử, các cuộc “cách mạng dân chủ” sốc nổi chưa chắc đã đem lại kết cục tốt đẹp cho Trung Quốc. Dù cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 khai sinh một chính phủ đa đảng, nó đã chỉ mở ra một giai đoạn hỗn loạn kéo dài 38 năm – trong đó Trung Quốc lần lượt trải qua một chế độ quân chủ của Viên Thế Khải và một giai đoạn nội chiến giữa các nhóm quân phiệt bắt tay với ngoại quốc. Trong quá trình đó, chính phủ cách mạng ban đầu của Tôn Dật Tiên cũng biến thành một thế lực độc tài quân sự, tham nhũng, cấu kết với quân phiệt địa phương và nước ngoài. Vì 30 năm ổn định vừa qua của Trung Quốc rõ ràng dễ chịu hơn 38 năm hỗn loạn mà Cách mạng Tân Hợi mở ra, phát ngôn của ông Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-la không hẳn là không có căn cứ.
Lý do thứ hai, là không ít chế độ đa đảng mà Mỹ dựng lên đã tiến hành những vụ “Thiên An Môn”. Chẳng hạn, chính phủ Hàn Quốc đầu thập niên 1950 đã tiến hành cuộc “thảm sát Jeju” khiến gần 10 vạn người chết, và thông tin về vụ việc bị che giấu trong nhiều thập kỷ. Mới đây, chính phủ đa đảng của Myanmar đã tiến hành đàn áp sắc tộc thiểu số Rohingya, và che giấu con số thương vong. Ngay ở nước Mỹ thời Chiến Tranh Lạnh, trong chương trình phản gián COINTELPRO kéo dài hơm 20 năm, FBI đã theo dõi, đe dọa, tung tin giả để bôi nhọ hàng nghìn nghệ sĩ, trí thức và nhà hoạt động nhân quyền, vì cho rằng họ có liên quan đến “cộng sản”. Danh sách mục tiêu của họ bao gồm cả các phong trào phản chiến, phong trào bảo vệ quyền của người da màu, của phụ nữ, của người đồng tính, của động vật; cùng một loạt các tên tuổi như John Lennon, Martin Luther King, Malcom X, Noam Chomsky… Chương trình này bị dừng sau khi báo chí phát hiện FBI ám sát một nhà hoạt động nhân quyền.
Suy cho cùng, mọi thể chế đều là những cỗ máy mà người dân tạo ra, để bảo vệ người dân khỏi mối đe dọa từ thiên nhiên, từ nước ngoài, và từ chính bản thân họ. Và nhân tính không đến từ những cỗ máy: nhân tính đến từ những giá trị tốt đẹp mà bạn phải giữ gìn trong từng quyết định cá nhân.
Thứ ba, chúng tôi thấy đảng Việt Tân không có tư cách công kích chính quyền Trung Quốc, chừng nào họ còn che giấu sự thật về “vụ Thiên An Môn” của chính họ, được phản ánh qua phim tài liệu “Khủng bố ở Little Saigon”. Thành ngữ “Chó chê mèo lắm lông” đang mô tả đúng thái độ của họ.
Nguồn: Loa Phường