Trang chủ Luận bàn - Phản biện Lưu Văn Vịnh Bị Chuyển Trại: Giọng Điệu Thường Thấy Của RFA

Lưu Văn Vịnh Bị Chuyển Trại: Giọng Điệu Thường Thấy Của RFA

165
0

Vẫn bằng giọng điệu “ăn không nói có” thường thấy, nói về việc phạm nhân Lưu Văn Vịnh bị chuyển đến trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, dù lý do Vịnh bị chuyển trại không được nhắc đến nhưng RFA lại khẳng định chắc nịch một câu rằng: “Biện pháp chuyển tù chính trị đến những trại xa nơi gia đình của họ được áp dụng lâu nay và thân nhân của những tù chính trị than phiền họ gặp nhiều khó khăn trong việc thăm nuôi”. !?

Lưu Văn Vịnh Bị Chuyển Trại: Giọng Điệu Thường Thấy Của RFA

Bà Lê Thị Thập, vợ của Lưu Văn Vịnh, nói với RFA: “Hôm 21/5 em có gặp chồng em ở trại Bố Lá thì anh ấy cũng có nói là chắc vài hôm nữa sẽ bị chuyển trại. Em có hỏi người quản lý trại giam Bố Lá thì họ nói là đi đến trại mới thì sẽ gọi về báo cho gia đình. Không biết họ chuyển trại từ hôm nào, mà hôm nay em mới được người quen ở trại đấy gọi về báo là chồng em đã đến trại Gia Trung. Em cũng chưa gặp được và liên lạc được để hỏi rõ.”

Được biết, việc chuyển trại cho phạm nhân là hoàn toàn bình thường.

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định việc đưa người bị kết án phạt tù có quyết định thi hành án của Tòa án đến nơi chấp hành án hoặc điều chuyển phạm nhân giữa các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ do Bộ Công an quản lý thuộc thẩm quyền của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định về việc đưa phạm nhân đến nơi chấp hành án theo nguyện vọng của cá nhân hoặc gia đình phạm nhân. Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu quản lý, giam giữ, công tác giáo dục, dạy nghề đối với phạm nhân theo quy định của pháp luật và chính sách hình sự nhân đạo của nhà nước, Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an có thể xem xét, đưa người bị kết án phạt tù đến nơi chấp hành án, điều chuyển phạm nhân giữa các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đối với một số trường hợp cá biệt.

Như vậy, lời quy kết của RFA rằng, đó là “Biện pháp chuyển tù chính trị đến những trại xa nơi gia đình của họ được áp dụng lâu nay và thân nhân của những tù chính trị than phiền họ gặp nhiều khó khăn trong việc thăm nuôi” là không có cơ sở.

Lưu Văn Vịnh, sinh năm 1967, quê quán tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Lưu Văn Vịnh bị tòa án tại TP.HCM vào tháng 10 năm ngoái tuyên phạt 15 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 BLHS năm 1999.

Bản cáo trạng tại phiên tòa đã nêu rõ: Qua công tác đấu tranh với các đối tượng chống đối chính trị trên địa bàn thành phố, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM đã phát hiện Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn cùng nhiều đối tượng khác thường xuyên gặp gỡ, trao đổi trên Facebook.

Nội dung các cuộc trao đổi này hướng đến việc thành lập tổ chức “Liên minh dân tộc Việt Nam”, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Theo đó, Vịnh kêu gọi các đối tượng tham gia tập trung tại một nhà thờ ở quận Tân Bình TP.HCM để làm lễ ra mắt tổ chức vào ngày 6/11/2016.

Ngày 6/11/2016, cơ quan chức năng đã bắt quả tang Nguyễn Quốc Hoàn về hành vi phản động, chống đối chính quyền, thu giữ trong người Hoàn 8 “Bản cương lĩnh Liên minh dân tộc Việt Nam”. Khai thác nhanh và từ lời khai của Hoàn, ngày 6/11/2016, lực lượng công an đã bắt khẩn cấp đối tượng cầm đầu liên minh này là Lưu Văn Vịnh. Mở rộng điều tra, các đối tượng trong tổ chức này là Độ, Nghĩa và Trung lần lượt bị bắt giữ.

Kết quả điều tra thể hiện hành vi phạm tội của các bị cáo được tổ chức chặt chẽ, có sự phân công cụ thể, lôi kéo nhằm tập hợp lực lượng. Tổ chức phản động “Liên minh dân tộc Việt Nam” có mục đích hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Theo đó, Lưu Văn Vịnh với vai trò là chủ mưu, cầm đầu đã đề ra mục tiêu, đường lối hoạt động cho tổ chức, vận động, lôi kéo người vào tổ chức. Để làm được việc này, Vịnh thường xuyên vào các trang mạng xã hội đọc các thông tin về những vụ tiêu cực trong xã hội. Sau đó y kết nối với các đối tượng chống đối chính trị, nhận định phiến diện, nói xấu chế độ, kêu gọi đa nguyên, đa đảng.

Sau đó, Vịnh móc nối với các đối tượng khác để thành lập tổ chức phản động. Trong đó, Nguyễn Đức Độ với vai trò Phó chủ tịch tổ chức đã động viên, củng cố niềm tin, lôi kéo các đối tượng tham gia vào tổ chức; Nguyễn Quốc Hoàn, Phan Trung với vai trò cố vấn đã tích cực giúp Vịnh trong hoạt động thành lập tổ chức, định hướng hoạt động, mở rộng tổ chức, vận động tài chính cho tổ chức… Từ Công Nghĩa với vai trò phụ trách quân sự đã tích cựu giúp Vịnh trong hoạt động tổ chức, vận động, lôi kéo người vào tổ chức, chuẩn bị nhân sự thành lập nghĩa quân.

Như vậy, hành vi phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo theo Điều 79 BLHS năm 1999 của Lưu Văn Vịnh và đồng phạm là rất rõ ràng. Việc bắt giữ, khởi tố điều tra, truy tố và xét xử Lưu Văn Vịnh cùng đồng bọn về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đã được các cơ quan chức năng thực hiện đúng pháp luật.

Trước khi bị bắt vào tháng 11/2016, Lưu Văn Vịnh là một biểu tình viên chuyên nghiệp của nhóm No-U, Dòng Chúa cứu thế, tham gia khá nhiều các cuộc biểu tình từ trong Nam ra Bắc dưới danh nghĩa “tưởng niệm”, “bảo vệ môi trường”…/.

Đắc Chí

Nguồn: Việt Nam Mới (vnnew.net)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây