Những năm gần đây, có rất nhiều phong trào kêu gọi người dân bằng những mỹ từ đẹp đẽ. Từ đó, nhiều người dân bị cuốn theo, tham gia tụ tập, ghi chữ ký, tâm thư, tuần hành những tưởng đòi quyền lợi cho mình. Nhiều sự việc phải qua một thời gian dài mới lộ ra, đó chỉ là những chiêu trò mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam thông qua các tổ chức xã hội dân sự một cách rất tinh vi.
Từ “cách mạng cây”, “cách mạng voọc”
Chuyến thăm, làm việc tại Na Uy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần đây mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, trong đó có việc ký kết hợp tác kinh tế. Trong bối cảnh giá điện tăng khiến người dân lo lắng thì thông tin sắp tới Tập đoàn Scatec Solar của Na Uy sẽ đầu tư 500 triệu USD vào điện mặt trời tại Việt Nam; đồng thời xây dựng phòng thí nghiệm giúp Việt Nam nghiên cứu, chuyển giao và tiến đến xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo được dư luận rất hoan nghênh.
Internet là một trong những phương tiện các thế lực phản động sử dụng để truyền bá quan điểm sai trái, thù địch. Tranh minh họa: tuyengiao.vn
Vậy mà một số trang mạng vẫn cố tình bóp méo, xuyên tạc rằng, các dự án điện mặt trời sẽ tàn phá cảnh quan, môi trường ven biển như ở Bình Định, một dự án điện mặt trời lớn đã phải hủy bỏ vì lý do gây ô nhiễm môi trường. Song theo các chuyên gia, điện mặt trời hoàn toàn không gây ô nhiễm. Cơ quan chức năng ở Bình Định cho biết, từng có âm mưu thủ đoạn bịa đặt thông tin để kích động người dân phản đối, tạo điểm nóng ở địa phương.
Vài năm gần đây, trên không gian mạng liên tục xuất hiện nhiều trang web, trang mạng xã hội với danh nghĩa BVMT, bảo vệ động vật hoang dã, vì hệ sinh thái và phát triển bền vững… nhưng luôn gắn với việc phản đối một vài dự án kinh tế-xã hội (KT-XH) nào đó ở các địa phương. Cứ ở đâu có các dự án du lịch, du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh thì ở đó lại xuất hiện một số trang mạng “chuyên đề” phản đối. Từ chuyện làm cáp treo ở chùa Hương, ở Fansipan đến chuyện bảo vệ Sơn Trà, Tam Đảo hay hang Sơn Đoòng… Họ đưa ra những lời “có cánh” kêu gọi người dân chung tay, tham gia ký các văn bản được gọi là “kiến nghị” gửi lên Chính phủ, thậm chí gửi ra các tổ chức quốc tế. Không ít người nhẹ dạ cả tin làm theo mà không biết rằng, đứng sau các hoạt động ấy núp dưới danh nghĩa “tổ chức xã hội dân sự”, các “nhà dân chủ” trở thành những chuyên gia kích động chống phá đất nước.
Như ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc gần đây xuất hiện các trang facebook và blog kêu gọi người dân BVMT sinh thái, phản đối một số dự án KT-XH. Các trang này hoạt động như những tờ báo điện tử với nhiều bài viết của một số cây bút chuyên nghiệp, những hot facebooker nhưng nhiều hơn cả vẫn là các “nhà dân chủ”, những người tự xưng là nhân sĩ, trí thức có tiếng nói đối lập với chính quyền. Đặc biệt, các trang này xuất hiện công khai tư cách của nhóm Green Trees-một nhóm tự xưng là tổ chức xã hội dân sự có hơn 10.000 thành viên, do các đối tượng chuyên chống phá Đảng, Nhà nước, như: Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Hữu Long giật dây. Những đối tượng này từng đứng sau kích động tụ tập, biểu tình phản đối dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội, sau đó kích động biểu tình nhân sự cố môi trường biển miền Trung. Đối tượng Phạm Đoan Trang đã công khai gọi là “cách mạng cá”. Gần đây, từ khi đối tượng Nguyễn Anh Tuấn được đào tạo ở nước ngoài về nước định cư tại Đà Nẵng, chúng áp dụng nhiều chiêu trò kích động, lợi dụng vấn đề môi trường sinh thái để lôi kéo người dân giống như đã làm ở Hà Nội. Chúng không giấu giếm ý đồ sau “cách mạng cây”, “cách mạng cá” sẽ có thể là “cách mạng voọc” ở Đà Nẵng khi thổi phồng vấn đề môi trường sinh thái. Ở địa phương này, dưới sự kích động của chúng, từng xảy ra các phong trào ký đơn tập thể, tụ tập vì môi trường…
Đến lợi dụng vấn đề dân sinh, đất đai
Cách đây ít lâu, việc chính quyền TP Hồ Chí Minh giải phóng mặt bằng khu đất thuộc vườn rau Lộc Hưng (quận Tân Bình) để xây dựng trường học, công trình phúc lợi, đã xuất hiện tình trạng các cá nhân vi phạm cản trở, chống đối người thi hành công vụ, căng băng rôn, biểu ngữ gây mất trật tự. Ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng sự việc hòng biến vụ giải phóng mặt bằng này thành điểm nóng về “tranh chấp đất đai”, khoét sâu mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, biến Lộc Hưng thành điểm nóng kiểu Đồng Tâm, Tiên Lãng. Các báo đài hải ngoại, như: RFA, VOA… tung nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc “chính quyền cướp đất của dân”, “công an đánh dân”, “dân oan ca thán, chính quyền bất chấp”… Các tài khoản facebook có tên Lê Công Định, Lê Nguyễn Hương Trà, Trịnh Sơn, Nguyễn Tín, Bạch Cúc… đăng tải nhiều bài viết quy chụp chính quyền địa phương “đàn áp giáo hội”, “đập phá nhà dân”… Chúng rêu rao, sắp có “ngòi nổ Tiên Lãng giữa Sài Gòn”, kêu gọi người dân xuống đường hướng dẫn dùng hung khí chống đối… Nhưng nhờ sự cảnh giác của người dân và sự vào cuộc kiên quyết của chính quyền, âm mưu đó đã bị thất bại.
Ở Hà Nội, gần đây, nhân sự việc các hộ dân thôn Bắc Lãm (phường Phú Lương, quận Hà Đông) tự ý thi công, san đường trên đất giao thông nội đồng nằm trong quy hoạch dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và gây sức ép với chính quyền một cách phi lý, nhiều đối tượng xấu đã kích động, lái vấn đề để khoét sâu mâu thuẫn, làm nóng tình hình. Chúng gây sức ép, kêu gọi và không cho các gia đình cho trẻ đến trường, ép buộc các em tham gia những hoạt động gây rối, mất an ninh trật tự tại địa phương, cản trở việc dạy và học của học sinh và giáo viên.
Lừa phỉnh, lôi kéo giới trẻ
Voice-một tổ chức được cho là ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân ở nước ngoài nhiều năm qua đã tìm mọi cách kích động, lôi kéo, mở các lớp đào tạo hàng trăm thanh niên thành những “nhà hoạt động dân chủ” rồi đưa về Việt Nam hoạt động chống phá bằng hình thức kích động, biến các sự việc KT-XH thành những vấn đề chính trị gây bức xúc dư luận. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hiện nay là các địa phương xuất hiện nhiều hiện tượng phức tạp từ một số đối tượng do Voice đào tạo trở về hoạt động.
Những “học viên” do chúng đào tạo sau khi trở về đều không còn là những công dân lương thiện đóng góp công sức, trí tuệ để dựng xây đất nước mà bị huyễn hoặc trở thành những “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội”, biết “tổ chức các chiến dịch xã hội”, “gây quỹ”, “viết dự án”, mà bản chất là hướng tới mạo danh vì dân chủ, nhân quyền, vì môi trường sống… để chống phá đất nước. Mấy năm gần đây, Nguyễn Anh Tuấn-đối tượng được chúng đưa đi đào tạo ở nước ngoài trở về Việt Nam, được coi là hạt giống cho nhiều hoạt động chống phá. Sinh sống tại Đà Nẵng nhưng đối tượng này thường xuyên có mặt hoặc tán phát thông tin kích động các sự việc ở Hà Tĩnh, Bình Thuận, Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh… Với thủ đoạn là bám sát vào phản ứng hay bức xúc từ xã hội để chúng “thổi” lên thành một phong trào chính trị chống lại chính quyền nhằm nuôi dưỡng “ý thức phản kháng” của người dân, tuyển lựa và mở rộng lực lượng xã hội tham gia. Từ các chiêu trò này, sâu xa hơn chúng âm mưu tập dượt, đi tới đấu tranh bất bạo động rồi xa hơn là bạo loạn, lật đổ theo mô hình “cách mạng màu”, “mùa xuân Ả-rập”…
Cảnh giác với âm mưu “cách mạng màu”
Đối tượng Phạm Đoan Trang trong một tài liệu phản động để tập huấn cho các “nhà lãnh đạo trẻ” của chúng mà cơ quan chức năng thu được đã công khai nêu những cách thức hoạt động trên dựa theo mô hình cách mạng sắc màu để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Cái gọi là tổ chức Green Trees do đối tượng này từng cầm đầu đã áp dụng những “chiến lược đấu tranh bất bạo động” trong cuốn “Từ độc tài đến dân chủ” của Gene Sharp. Theo đó, chúng mượn những hoạt động dân sự ôn hòa và hợp pháp, như: BVMT, thiện nguyện hay biểu diễn nhạc… để lôi kéo đám đông. Mỗi lần chính quyền xử lý các hoạt động như vậy, chúng sẽ khiến dân chúng và quốc tế có thiện cảm với phong trào đối lập, vì nghĩ rằng các nhà đối lập vô tội và bị xử oan. Còn nếu chính quyền không xử lý thì các nhóm đối lập sẽ có đủ thời gian để xây dựng lực lượng và uy tín thông qua những hoạt động dân sự tưởng chừng vô hại đó. Khi đã có lực lượng, mối quan hệ và lôi kéo được cảm tình của đám đông, các nhóm đối lập sẽ phát động cách mạng đường phố để lật đổ chính quyền. Chiến lược này đã được sử dụng lặp đi lặp lại trong cuộc “cách mạng màu”, “mùa xuân Ả-rập” như đã diễn ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chúng luôn núp dưới cái bóng vì tương lai, vì sự phát triển của dân tộc nhưng thực tế những hoạt động đó chỉ nhằm mục tiêu phá hoại, chọc gậy, ném đất đá vào bánh xe phát triển của đất nước. Đôi khi, một hạt cát có thể làm hỏng một cỗ máy, một trào lưu núp bóng dân sinh có thể tạo ra những đám cháy nguy hiểm, đe dọa an ninh chính trị của đất nước.
Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xử lý nghiêm minh, ngăn chặn không để hình thành cái gọi là “cách mạng cây”, “cách mạng cá”, “cách mạng voọc”. Phải sớm xử lý các trang mạng xã hội chuyên kích động, tập hợp lực lượng và tổ chức các cuộc tụ tập, biểu tình như đã xảy ra ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Bình Thuận… Bài học từ các vụ tụ tập, biểu tình phản đối thay thế cây xanh ở Hà Nội cho thấy, có nguyên cớ ban đầu từ một số trang facebook kêu gọi, kích động người dân. Vì thế, cần sớm tìm ra những đối tượng cầm đầu, điều hành những fanpage, phối hợp với các cơ quan quản lý mạng xã hội để xử lý. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tốt công tác quản lý, phối hợp với Facebook bóc gỡ nhiều trang mạng có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Đối với chính quyền các địa phương, phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, quản lý; khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập, khuyết điểm trong quản lý KT-XH, giải quyết thỏa đáng những vướng mắc, mâu thuẫn ở cơ sở, không để kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng, bóp méo, chống phá.
Đối với người dân, cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những lời kêu gọi đấu tranh vì môi trường, vì dân sinh, dân chủ. Đấu tranh vì quyền lợi chính đáng là cần thiết nhưng trước hết phải đúng pháp luật và phải dựa vào pháp luật, dựa vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, không nên chủ quan, thiếu suy nghĩ để vô hình trung tiếp tay cho các thế lực phản động phá hoại môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
THÁI HƯNG (Quân đội nhân dân)
Nguồn: Đấu trường dân chủ